Tổng thống Mỹ Barack Obama đang thu thập thông tin để có quyết định cuối cùng trong việc yêu cầu Cơ quan An ninh quốc gia (NSA) ngừng nghe lén điện thoại của công dân nước này.
Biểu tình tại thủ đô Washington D.C yêu cầu ngừng chương trình do thám của NSA. Ảnh: AFP |
Chương trình do thám của NSA do cựu nhân viên Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden tiết lộ đã và đang làm đau đầu Tổng thống Barack Obama cũng như Nhà Trắng, nhất là khi “nạn nhân” bị nghe lén là các nhà lãnh đạo nước ngoài, trong đó có Thủ tướng Đức Angela Merkel. AP cho biết, phán quyết dành cho chương trình nghe lén có thể được đưa ra sớm nhất là vào đầu tuần tới.
Ngày 9-1, Tổng thống Obama nhóm họp với những người đứng đầu NSA, CIA, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) và Giám đốc Tình báo quốc gia. Ông còn gặp các nghị sĩ hàng đầu - những người có trách nhiệm giám sát cộng đồng tình báo, trong đó có một số nghị sĩ chỉ trích gay gắt chương trình nghe lén điện thoại. Các đại diện của những công ty kỹ thuật cũng gặp gỡ các quan chức Nhà Trắng vào ngày 10-1.
Phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Caitlin Hayden cho rằng, đây là cơ hội quan trọng để Tổng thống lắng nghe ý kiến trực tiếp của đội ngũ cố vấn, từ đó có quyết định cuối cùng về chương trình thu thập thông tin tình báo. Năm ngoái, ông khẳng định có thể có những thay đổi đáng kể.
Chương trình do thám của NSA vốn gây chấn động dư luận nước Mỹ và thế giới, thậm chí đặt ra nghi ngờ về thiện chí của Mỹ trong mối quan hệ với các nước đồng minh như Đức, Brazil, Mexico, đồng thời có những quan ngại về độ “phủ sóng” của chương trình này ở châu Âu. Đặc biệt, Nhà Trắng và NSA bị chỉ trích gay gắt khi xuất hiện thông tin nghe lén điện thoại của Thủ tướng Merkel. Các quan chức Mỹ nói rằng, việc tiết lộ này hủy hoại quan hệ của Tổng thống Obama với các quốc gia khác. Năm ngoái, Thủ tướng Merkel phản ứng tức giận và cho rằng, hành động của NSA đã vi phạm niềm tin giữa hai đồng minh.
Theo AFP, ông chủ Nhà Trắng hàm ý rằng, ông có thể tiếp tục ủng hộ việc thu thập thông tin từ điện thoại. Song, hàng triệu dữ liệu sẽ do các công ty truyền thông hoặc một đảng thứ ba nắm giữ, mà không phải là NSA.
Một động thái đáng lưu ý là Tổng thống Obama đã mời Thủ tướng Đức đến Washington để hàn gắn quan hệ. Trong một tuyên bố được AFP dẫn lời, Văn phòng của bà Merkel cho biết, nữ lãnh đạo này sẽ nhận lời mời của ông Obama. Theo chuyên gia Stephen Szabo của Quỹ German Marshall của Mỹ, đây là cách tốt nhất để bắt đầu hàn gắn quan hệ sau những rạn nứt liên quan NSA. Ông Obama và bà Merkel có cuộc trao đổi qua điện thoại vào ngày 8-1 nhưng không rõ họ có bàn thảo về các vấn đề của NSA hay không.
Nhà Trắng từng khẳng định hiện việc do thám của Mỹ không nhằm vào điện thoại của bà Merkel và trong tương lai cũng không làm như thế. Tuy nhiên, không có gì khẳng định Washington chưa từng nghe lén điện thoại của bà Merkel trong quá khứ, như thông tin mà Snowden tiết lộ.
PHÚC NGUYÊN