PN - Hút mỡ thường rất hiệu quả trong việc loại bỏ mỡ ở các khu vực đường viền cơ thể. Nhưng nếu bạn tăng cân lại sau khi hút mỡ, các khối mỡ vẫn có thể tích tụ lại hoặc xuất hiện ở nơi khác.
Sau hút mỡ, hiệu ứng sẽ có tác dụng ngay trên các đường nét cơ thể. Hút mỡ (trừ hút mỡ laser) thường không tạo hiệu ứng căng da ở vùng điều trị. Sau khi lớp mỡ được loại bỏ, da xung quanh khu vực này hơi lỏng lẻo, có thể mất đến sáu tháng để co chặt lại. Ở một số người, da có độ đàn hồi rất nhanh so với da của người khác. Da người trẻ có xu hướng đàn hồi nhanh hơn da người lớn tuổi. Bạn sẽ thất vọng nếu mong đợi hút mỡ nhằm giúp giảm cân.
Nếu được thực hiện bởi một bác sĩ có kinh nghiệm, tại một cơ sở được trang bị tốt, hút mỡ sẽ là phương pháp an toàn. Tuy nhiên, khi hút mỡ ở nhiều vùng cơ thể, bạn dễ gặp nguy cơ rủi ro hơn là khi chỉ hút ở một vùng.
Tác dụng phụ thường gặp khi hút mỡ:
1. Sưng tạm thời, bầm tím, đau nhức, tê trong và xung quanh các khu vực điều trị.
2. Kích ứng và sẹo nhỏ xung quanh chỗ rạch nơi ống hút được chèn vào.
3. Gợn sóng da.
Thông thường, da sẽ co thắt lại sau một vài tháng. Nhưng ở một số người, da có thể vẫn còn hơi lỏng lẻo.
Tác dụng phụ ít gặp:
- Thay đổi màu vĩnh viễn trên da.
- Bề mặt da không đồng đều trên các vùng điều trị.
- Tổn thương các nhánh thần kinh cảm giác.
- Bỏng da do nhiệt sinh ra trong quá trình hút mỡ siêu âm.
Nếu bạn tăng cân sau khi hút mỡ, lượng mỡ đó sẽ phát triển ở nơi khác, nằm bao quanh các tạng cơ thể như tim, gan, thận. Đây là loại mỡ có thể gây hại cho cơ thể hơn là loại mỡ ở gần bề mặt da. Vì vậy, những người trải qua hút mỡ cần phải cẩn thận, không để tăng thêm trọng lượng.
Các biến chứng nguy hiểm:
Hiếm có trường hợp tử vong do hút mỡ, nhưng vẫn có thể xảy ra. Nếu hút một lượng mỡ quá nhiều, hoặc có vấn đề về sức khỏe, nguy cơ sẽ gia tăng với các biến chứng:
- Mất máu quá nhiều, mất nước, dẫn đến sốc. Nhưng điều này khó xảy ra.
- Các cục mỡ hoặc cục máu đông có thể đi đến phổi, gây thuyên tắc phổi.
- Các chất lỏng tích tụ trong phổi gây phù phổi cấp. Điều này rất dễ xảy ra khi một khối lượng lớn nước muối được tiêm vào cơ thể trong quá trình gây tê.
- Nhiễm trùng: để đề phòng biến chứng này bác sĩ sẽ dùng kháng sinh dự phòng: chích kháng sinh trước và trong hút mỡ để giúp ngăn ngừa nhiễm trùng.
- Phản ứng phụ gây ngưng tim của thuốc tê.
- Ống hút đâm vào khoang bụng gây tổn thương bàng quang, lá lách... làm chảy máu, viêm ổ bụng, suy thận.
Lưu ý: Không nên thực hiện hút mỡ với người có vấn đề về tim nặng, người có rối loạn đông máu, hoặc trong quá trình mang thai.
Hút mỡ nên được thực hiện bởi:
- Bác sĩ được đào tạo đặc biệt với phương pháp, kỹ thuật hút mỡ.
- Dự đoán và có đầy đủ các phương tiện ứng phó khi có biến chứng trong khi phẫu thuật.
- Nếu bạn đang cố gắng để giảm cân, hút mỡ không phải là phương pháp để áp dụng, càng không thể thay thế cho tập thể dục đi kèm chế độ ăn uống cân bằng.
Trong thực tế, hầu hết các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ đều đồng ý rằng: hút mỡ nên tiến hành ở người khỏe mạnh nhưng lượng mỡ dư thừa không đáp ứng với tập thể dục.
BS PHẠM XUÂN KHIÊM
(Bệnh viện Emcas)
hút mỡ, biến chứng khi hút mỡ