Thế giới

Triều Tiên khoe tên lửa đạn đạo mới trong lễ duyệt binh

Các chuyên gia cho rằng Triều Tiên đã ra mắt một loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hoàn toàn mới, chưa từng được thử nghiệm.

trieu-tien-khoe-ten-lua-dan-dao-moi-trong-le-duyet-binh

Mẫu tên lửa đạn đạo mới do Triều Tiên công bố. Ảnh chụp màn hình.

Triều Tiên ra mắt một loại khí tài cỡ lớn, nhiều khả năng là một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới, trong cuộc duyệt binh quy mô lớn diễn ra sáng nay tại thủ đô Bình Nhưỡng, làm dấy lên nhiều đồn đoán trong giới phân tích quân sự, theo Yonhap.

Hình ảnh từ cuộc duyệt binh lớn nhất trong lịch sử nước này cho thấy khí tài hình tên lửa này được chứa trong ống bảo quản rất lớn sơn màu xanh ngụy trang, được chở trên xe tải quân sự cỡ lớn đi qua trước lễ đài, theo sau đội hình tăng thiết giáp và nhiều tên lửa chiến lược khác của Triều Tiên như KN-08 và KN-14.

Chuyên gia quân sự Ankit Panda của Diplomat đăng hình ảnh khí tài này trên Twitter và gọi đây là một vũ khí "quái vật" mới chưa từng được công bố của Triều Tiên.

Các quan chức quân đội Hàn Quốc nhận định đây là một loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) sử dụng nhiên liệu rắn hoàn toàn mới. "Đây được cho là một ICBM mới. Nó có vẻ dài hơn so với tên lửa KN-08 hay KN-14", một quan chức nói.

Hiện chưa rõ tên lửa mới này có tầm bắn như thế nào. Tên lửa KN-08 được cho là có tầm bắn 8.000-12.000 km, trong khi KN-14 có tầm bắn 5.500-6.500 km.

Truyền thông Hàn Quốc cũng nhận định loại tên lửa này được chở trên xe tải hạng nặng do Trung Quốc sản xuất.

Bình Nhưỡng cũng hé lộ nhiều mẫu tên lửa đạn đạo khác, bao gồm cả tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) Pukguksong. Đây là lần đầu tiên nước này công khai giới thiệu loại tên lửa đang trong quá trình thử nghiệm. Bên cạnh đó, Triều Tiên còn mang tới tên lửa Pukguksong-2 (KN-15), phiên bản tên lửa đạn đạo tầm xa phát triển trên nền tảng SLBM. Loại vũ khí này từng được bắn thử hồi tháng 2 năm nay và bay được 500 km.

Tên lửa Pukguksong trong quá trình thử nghiệm

VNExpress

Triều Tiên, tên lửa đạn đạo, ICBM, SLBM, tên lửa mới


© 2021 FAP
  2,590,464       22/924