Dòng Su-15 có nhiệm vụ đánh chặn các máy bay tối tân của Mỹ, nhưng không ít lần bắn rơi cả máy bay chở khách xâm phậm không phận Liên Xô.
Một chiếc Su-15 của Lực lượng Phòng không Liên Xô. Ảnh: Wikipedia. |
Sukhoi Su-15 (NATO định danh: Flagon) được phát triển trong thập niên 1950, khi Liên Xô coi "pháo đài bay" B-52 của Mỹ là mối đe dọa cần đối phó, theo Fighter-Aircraft.
Nó ra đời nhằm thay thế tiêm kích đánh chặn chủ lực của Liên Xô khi đó là Su-11 (NATO định danh: Fishpot-C). Dòng Su-11 được cho là không đủ khả năng đánh chặn B-52, do không có công nghệ radar đáng tin cậy, hiệu suất kém, buộc nước này phải tìm ra giải pháp thay thế.
Tiêm kích Su-15 Liên Xô được cho là đủ khả năng đánh chặn các máy bay tấn công và trinh sát hiện đại nhất của Mỹ trong quá khứ nhưng cũng không ít lần bị tai tiếng khi bắn hạ máy bay chở khách vi phạm không phận nước này.
Su-15 dài 19,56 m, sải cánh 9,34 m, khối lượng rỗng 10,8 tấn. Nó được trang bị hai tên lửa không đối không tầm trung R-98M (NATO định danh: AA-3 Anab), 4 tên lửa không đối không tầm gần R-60 (NATO định danh: AA-8 Aphid), hai pháo UPK-23-250 cỡ nòng 23 mm.
Nhờ trang bị động cơ Tumansky R-13-300, Su-15 có tầm hoạt động khoảng 1.380 km, trần bay 18,1 km, vận tốc tối đa gấp 2.1 lần tốc độ âm thanh (2.230 km/h) khi mang theo hai tên lửa R-98M.
Su-15 có cấu tạo tương tự các phiên bản Su-9 và Su-11, gồm cả việc sử dụng phanh gió phía đuôi máy bay. Điểm khác biệt lớn nhất là nó được trang bị cửa hút gió hai bên thân, thay vì cửa hút khí hình nón phía mũi như của Su-9 và Su-11. Nhờ vậy Su-15 có thể lắp hai động cơ phản lực rất mạnh, tăng tốc độ và tầm bay tối đa cho tiêm kích này.
Với không gian rộng rãi ở phần mũi, Su-15 được lắp đặt radar trinh sát RP-22 Oryol-D tối tân. Tuy nhiên, giống các tiêm kích đánh chặn khác do Liên Xô chế tạo, Su-15 vẫn phải phụ thuộc rất nhiều vào lực lượng dẫn đường mặt đất.
Thiết kế dạng đôi cánh hình tam giác (delta-wing) được cho giống với phiên bản trước đó, nhưng từ đợt sản xuất thứ 11 trở đi, đôi cánh này được cải tiến để đạt vận tốc và lực nâng lớn hơn.
Su-15 mang theo hai tên lửa R-98MR. Ảnh: Flickr. |
Su-15 bắt đầu sản xuất năm 1966 và được biên chế trong các đơn vị chiến đấu của Lực lượng Phòng không Liên Xô (PVO) năm 1967. Trong giai đoạn cuối thập niên 1960, đầu thập niên 1970, tiêm kích Su-15 trở thành trụ cột của PVO. Vào thời kỳ cao điểm, Su-15 có mặt trong 29 trung đoàn tiêm kích của lực lượng này.
Loại máy bay này là vũ khí đánh chặn quan trọng, góp phần ngăn chặn số lượng lớn các cuộc xâm phạm không phận Liên Xô. Năm 1970, lần đầu tiên Su-15 xuất kích áp tải một máy bay chở khách Douglas DC-3 của Hy Lạp hạ cánh xuống sân bay của Trung đoàn số 62 Viễn Đông.
Su-15 còn nhiều lần bắn hạ khinh khí cầu do thám của nước ngoài. Nó được coi là công cụ răn đe bất kỳ cuộc xâm nhập nào của B-52 và U-2 Mỹ, cũng như máy bay ném bom Avro Vulcan của Anh. Tuy nhiên, Su-15 cũng mang nhiều tai tiếng trong những lần xuất kích đánh chặn.
Sự cố đầu tiên diễn ra ngày 20/4/1978, khi một máy bay chở khách Boeing 707 của Hàn Quốc vi phạm không phận Liên Xô ở vùng Murmansk. Chiếc máy bay đang trên đường từ Paris, Pháp đến thành phố Anchorage, Mỹ.
Các nỗ lực thuyết phục chiếc Boeing 707 hạ cánh đều không hiệu quả, buộc phi công nhận lệnh bắn hạ máy bay xâm nhập bằng tên lửa R-98MR. Chiếc máy bay chở khách trúng tên lửa, bị hư hỏng và buộc hạ cánh trên hồ băng Korpiyavi, khiến hai hành khách thiệt mạng và 10 người khác bị thương.
Ngày 1/9/1983, một máy bay Boeing 747 của Hàn Quốc trên đường bay từ thành phố Anchorage đi Seoul, Hàn Quốc, đã vi phạm không phận Liên Xô ở phía tây đảo Sakhalin do lỗi của hoa tiêu và bị một chiếc Su-15 bắn rơi. Chiếc Boeing 747 đâm xuống đất, khiến toàn bộ 269 người trên máy bay thiệt mạng, trong đó có một thành viên Quốc hội Mỹ.
Ban đầu Liên Xô bác bỏ việc bắn hạ máy bay Hàn Quốc. Sau đó, nước này thừa nhận sự việc, giải thích rằng họ tình nghi đây là hoạt động do thám trên khu vực cấm dưới vỏ bọc máy bay dân sự.
Có tổng cộng khoảng 1.300 tiêm kích Su-15 được sản xuất tại nhà máy Novosibrisk. Tuy nhiên, sau khi Liên Xô tan rã, loại máy bay này đã bị loại biên, tháo dỡ hoặc lưu kho từ năm 1993. Chỉ có Ukraine tiếp tục sử dụng Su-15 đến năm 1996, khi nó trở nên quá lạc hậu và được thay thế bởi các máy bay mới như MiG-29 và Su-27.
Su-15 xuất kích tiêu diệt mục tiêu
Xem thêm: Cảnh hoang phế của căn cứ không quân chiến lược thời Liên Xô
Duy Sơn
Su-15, Flagon, NATO, Mỹ, Liên Xô, tiêm kích, tai tiếng