Việc người đối lập như Mitt Romney quay sang ủng hộ Donald Trump là bằng chứng cho thấy tỷ phú đang thu phục thành công người Cộng hòa.
Donald Trump tiếp đón Mitt Romney tại câu lạc bộ golf Bedminster hôm 19/11. Ảnh: Washington Post |
Khi Donald Trump trở thành ứng viên đại diện cho đảng Cộng hòa ra tranh cử tổng thống Mỹ, Mitt Romney là tiếng nói mạnh mẽ nhất của đảng này phản đối tỷ phú bất động sản. Thế nhưng chỉ một thời gian ngắn sau khi đắc cử, Trump đã khuất phục hoàn toàn Romney, cũng như phần lớn những người thuộc đảng Cộng hòa khác, theo Washington Post.
Sau thắng lợi bất ngờ của Trump trong cuộc bầu cử, những thành viên đảng Cộng hòa từng phản đối hay dị nghị về những lời phát biểu và hành động của ông đều lần lượt hướng tới Tháp Trump để thể hiện sự quy thuận Tổng thống đắc cử, tham gia vào bộ máy chính trị, hoặc chỉ đơn giản là im lặng một cách bất thường.
Tối hôm 29/11, tiếng nói mạnh mẽ nhất trong phong trào "bài Trump" của đảng Cộng hòa cũng phải khuất phục. Sau bữa tối thân mật với món đùi ếch và sò điệp cùng nhà tài phiệt New York tại một nhà hàng sang trọng ở Manhattan, Romney đã chính thức quy thuận Trump.
Trong nỗ lực để có được sự tin tưởng của Tổng thống đắc cử cho vị trí ngoại trưởng Mỹ, Romney dành nhiều lời tốt đẹp cho người mà ông từng chỉ trích quyết liệt.
Bữa tối cùng ông Trump thật sự "giúp khai sáng, thú vị và hấp dẫn", Romney nhận xét, đồng thời thêm rằng các cuộc gặp trong thời gian chuyển tiếp này khiến ông "càng thêm hy vọng rằng Tổng thống đắc cử Trump chính là người có thể đưa chúng ta tới tương lai tốt đẹp hơn".
Giới phân tích cho rằng sự thay đổi lập trường ở ông Romney là bằng chứng cho thấy sức mạnh của thứ quyền lực khi nắm trong tay chiến thắng: Khả năng tái lập thứ bậc chính trị.
Chưa đầy hai tháng nữa, ông Trump sẽ chính thức trở thành Tổng thống Mỹ. Với nước đi của Romney, Trump đã khuất phục gần như chính thức và hoàn toàn các thành viên đảng Cộng hòa từng xa lánh ông trong suốt chiến dịch tranh cử.
Chỉ còn rất ít thành viên chủ chốt của đảng Cộng hòa còn thể hiện những dấu hiện phản đối Trump như Thượng nghị sĩ John McCain, Jeff Flake, Lindsey O. Graham và Rand Paul. Những người này nhiều khả năng sẽ trở thành các đối trọng mới cho tân chính quyền của tỷ phú.
Song đến nay, những động thái họ thực hiện vẫn tương đối manh mún. McCain hôm 29/11 tuyên bố ông không còn gì để nói về Trump nữa. Khi được hỏi ý kiến về việc ông Trump muốn giam giữ hoặc tước quyền công dân những người dân đốt cờ Mỹ, McCain cho biết: "Tôi chưa bình luận gì về ông Trump và sẽ tiếp tục không bình luận".
Theo giới quan sát, có một số lý do khiến Romney và các thành viên đảng Cộng hòa khác từng chống đối Trump quyết định quy thuận. Một phần do họ đều là những nhà ái quốc và muốn Tổng thống thứ 45 của Mỹ thành công vì lợi ích quốc gia. Nhưng họ cũng đầy tham vọng và dường như muốn trở thành một mắt xích trong bộ máy chính quyền, hoặc ít nhất không thấy lợi ích gì khi quyết đối đầu với tổng thống.
Thay đổi thái độ
Donald Trump và Mitt Romney trong bữa tối tại nhà hàng Pháp ở New York hôm 29/11. Ảnh: CNN |
Trong một bài phát biểu công kích hồi tháng ba, ông Romney đã gọi tỷ phú Trump là "kẻ bịp bợm", một "tên giả tạo" sẽ đẩy đất nước đến suy thoái và hiểm nguy. "Ông ấy không có khí chất hay óc phán đoán của một tổng thống", Romney nói.
Nhưng hôm 29/11, sau bữa tối với Trump, Romney đã đưa ra một thông báo với truyền thông nhằm tìm cách xóa bỏ hiềm khích cũ. Ông nói với giọng điệu khiêm nhường, tôn trọng.
"Đó là chiến thắng không dễ dàng", ông cho hay. "Bản thân tôi biết điều đó. Ông ấy đã làm một điều tôi từng cố làm nhưng thất bại. Ông ấy đã thắng cuộc bầu cử và tiếp tục gửi đi thông điệp về sự hòa hợp, gắn kết mọi người. Tầm nhìn của ông ấy rõ ràng đã kết nối người dân Mỹ một cách mạnh mẽ".
Đây có lẽ không phải lời xin lỗi công khai như những người trung thành với ông Trump yêu cầu nhưng sự nhún nhường của Romney chắc chắn khiến nhà tài phiệt New York hài lòng.
Romney là một trong những ứng viên hàng đầu cho vị trí Ngoại trưởng Mỹ của ông Trump. Những người am hiểu vấn đề cho rằng Romney rất sẵn lòng trở lại với công việc chính quyền và tự thấy có nghĩa vụ trợ giúp tân tổng thống.
Từ khi kết thúc chiến dịch tranh cử năm 2012, Romney ngày càng quan tâm hơn tới các vấn đề thế giới và dành thời gian đáng kể tái hình dung vị trí Mỹ trên trường quốc tế sau nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama. Vì vậy, ông coi việc đảm nhận vai trò nhà ngoại giao số một của quốc gia là nhiệm vụ tự nhiên.
"Nếu họ sợ cách Trump cầm quyền, liệu họ có thể an tâm làm việc cho ông ấy?", Douthat viết. "Câu trả lời hiện tại là họ có thể và nên làm vậy. Quả thực, chính vì họ sợ cách Trump cầm quyền, nghiễm nhiên sẽ có một trách nhiệm đạo đức phải phục dịch", Ross Douthat, một nhà báo bảo thủ, mới đây viết trên tờ New York Times về những đảng viên Cộng hòa từng phản đối Trump đang ở thế tiến thoái lưỡng nan trong giai đoạn chuyển giao quyền lực.
Bữa tối hôm 29/11 còn có cả sự tham dự của Reince Priebus, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa kiêm chánh văn phòng Nhà Trắng tương lai, người thân thiết với cả Romney và Trump.
Priebus nói cuộc trò chuyện mang lại kết quả tốt và khá thoải mái. Ông tiết lộ hai người không chỉ bàn về chính sách đối ngoại mà còn về thể thao, cùng chia sẻ lòng yêu mến dành cho đội bóng bầu dục New England Patriots hay tiền vệ ngôi sao Tom Brady.
Hôm qua, khi được hỏi trên chương trình "Morning Joe" của đài MSNBC rằng liệu Trump và Romney đã có một sự thân thiện ở mức độ cá nhân chưa, Priebus trả lời: "Tôi nghĩ vậy. Tôi cho rằng họ sắp đạt tới điểm đó".
"Tôi nghĩ rõ ràng họ rất tôn trọng nhau. Mối quan hệ ấy được bồi đắp theo thời gian. Họ đã nói chuyện nhiều lần qua điện thoại".
Xem thêm: Tranh cãi quanh chiếc ghế ngoại trưởng dưới thời Trump
Hiếu Phạm
Donald Trump, Mitt Romney, Cộng hòa, Tổng thống Mỹ