Thế giới

Thăm Việt Nam, Pháp muốn đẩy mạnh xoay trục sang châu Á

Chuyến thăm của Tổng thống Pháp tới Việt Nam thể hiện mong muốn xích lại gần Đông Nam Á, đẩy mạnh tốc độc xoay trục sang châu Á của cường quốc hàng đầu châu Âu này.

tham-viet-nam-phap-muon-dy-manh-xoay-truc-sang-chau-a

Tổng thống Pháp Francois Hollande. Ảnh: AFP

Tổng thống Pháp Francois Hollande có chuyến thăm tới Việt Nam vào ngày 5-7/9 sau khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20). Chuyến thăm đánh dấu lần đầu tiên một Tổng thống Pháp đến thăm Việt Nam trong 12 năm.

Theo các chuyên gia thuộc tạp chí "Chính sách đối ngoại" của Pháp, sau Thế chiến II, xây dựng châu Âu và hướng tới các nước láng giềng và khu vực châu Phi là những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Pháp. Chính vì thế giai đoạn này, Paris đã ít để tâm tới châu Á, xem đây là một khu vực ở xa, nơi mà những lợi ích ít gắn với lợi ích quốc gia.

Tuy nhiên, bắt từ những năm 1990, châu Á đã được các lãnh đạo Pháp đánh giá là một thách thức chiến lược hàng đầu cần phải vượt qua, với hàng loạt bài diễn văn và văn bản chính thức nhấn mạnh tới tiềm năng kinh tế của khu vực.

Sách trắng về quốc phòng và an ninh quốc gia năm 2008 đã dành một vị trí ưu tiên cho khu vực châu Á và kêu gọi Pháp gia tăng gắn kết với châu lục này.

Tổng thống Pháp Francois Hollande, ngay khi lên nắm quyền đã thể hiện mong muốn đa dạng hoá sự hiện diện của Pháp tại châu Á-Thái Bình Dương, bất chấp việc phải cạnh tranh trực tiếp với Mỹ, quốc gia đang đẩy mạnh chiến lược hướng sang khu vực này nhằm hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc.

"Sự xoay trục về châu Á không phải là một hiệu ứng theo phong trào, mà vì Pháp muốn hiện diện ở một khu vực mà thế giới tương lai đang được xây dựng. Do vậy, rõ ràng châu Á-Thái Bình Dương sẽ là trung tâm của thế kỷ 21", cựu Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius phát biểu tại trụ sở Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tháng 8/2013.

Chuyên gia Odon Vallet thuộc đại học Sorbone nhận định Pháp có một phần lãnh thổ ở Thái Bình Dương đồng nghĩa với việc Pháp cũng là một cường quốc ở châu Á-Thái Bình Dương và có những lợi ích ở khu vực.

Đông Nam Á (một bộ phận quan trọng của châu Á-Thái Bình Dương) lại là khu vực năng động, có tăng trưởng kinh tế rất lớn, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng chung toàn cầu. Chính vì thế, trong những năm qua, quan điểm của Pháp đã thay đổi rất nhiều, theo hướng ngày càng xích lại gần khối này.

Tuy nhiên, ban đầu chiều hướng này bị hạn chế đáng kể bởi các nhà hoạch định chính sách hàng đầu tại Paris đã có những đánh giá chưa chính xác về vấn đề tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông và có thái độ không kiên quyết với Trung Quốc trong vấn đề này.

Theo Vallet, mặc dù Việt Nam và Pháp đã nâng cấp quan hệ lên mức đối tác chiến lược trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Paris vào năm 2013, nhưng quan hệ thực tế giữa hai nước vẫn còn hạn chế so với tiềm năng và lịch sử ngoại giao "nồng nhiệt" giữa hai nước, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam là một quốc gia nằm trong khối cộng đồng Pháp ngữ.

Chuyến thăm đến Việt Nam bị bỏ lỡ của Tổng thống Hollande vào đầu năm 2015 cũng khiến xu hướng xích gần này bị chậm lại, bởi một số quốc gia Đông Nam Á cho rằng Pháp chưa thực sự ủng hộ lập trường của họ đối với các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.

Sau sự kiện đó quan điểm của Pháp đã thay đổi đáng kể. Giới lãnh đạo nước này nhận thức được rằng muốn đẩy mạnh xoay trục sang châu Á, cần xích lại gần hơn nữa với các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam và Philippines.

Paris đã gián tiếp chỉ trích Bắc Kinh một cách mạnh mẽ hơn. Qua kênh chính thức, Pháp kêu gọi tất cả các bên liên quan đến xung đột tiến hành đàm phán, bởi vì đó là giải pháp duy nhất. Nhưng qua các kênh không chính thức, Pháp tỏ ra kiên quyết với Trung Quốc và ủng hộ nhiều hơn các quốc gia khác liên quan đến cuộc xung đột.

Gần đây tại Đối thoại Shangri-la năm 2016, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian đã đề nghị các nước châu Âu thực hiện tuần tra hàng hải chung trên Biển Đông

Vì vậy, chuyến thăm Việt Nam lần này Tổng thống Hollande có thể tận dụng cơ hội bị bỏ lỡ vào năm 2015, tăng uy tín của Pháp ở Việt Nam.

Tờ L'express nhận định Tổng thống Hollande muốn thông qua chuyến thăm này tiếp tục đẩy mạnh tăng cường quan hệ với Việt Nam, một quốc gia có lịch sử gần gũi với Pháp, và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong khu vực Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung, qua đó tăng củng cố chính sách tăng cường sự hiện diện ở châu lục.

"Tháp tùng Tổng thống Hollande đến Việt Nam lần này là một phái đoàn hùng hậu bao gồm hơn 50 lãnh đạo và quản lý các tập đoàn kinh tế hàng đầu của Pháp. Thông qua Việt Nam, Pháp đang thể hiện sự quan tâm ngày càng lớn tới Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung", L'express nhận định.

Xem thêm: Châu Âu nhập cuộc kiềm chế Bắc Kinh trên Biển Đông.

Nguyễn Hoàng

VNExpress

Pháp, Francois Hollande, Việt Nam, Đông Nam Á, Châu Á


© 2021 FAP
  3,766,652       2/1,153