Hướng chú ý vào thỏa thuận chống biến đổi khí hậu có thể là cách để lãnh đạo Mỹ - Trung che đậy những căng thẳng nghiêm trọng trong mối quan hệ song phương.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Barack Obama thưởng thức trà sau cuộc gặp song phương trước thềm hội nghị G20 ở Hàng Châu. Ảnh: Xinhua |
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 3/9 cùng đi dạo và có bữa thưởng thức trà đêm bên Tây Hồ, thắng cảnh nổi tiếng của thành phố Hàng Châu, sau cuộc gặp song phương kéo dài 4 tiếng trước thềm hội nghị thượng đỉnh G20. Hai nhà lãnh đạo đã cùng trao đổi nhiều vấn đề, theo South China Morning Post.
Tuy nhiên, giới quan sát cho hay những chủ đề liên quan đến mối bất hòa cũng như tình trạng đối đầu giữa đôi bên liên quan đến hàng loạt tranh chấp về an ninh và thương mại lại ít được đề cập.
Thông cáo của Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Trung Quốc miêu tả buổi trò chuyện giữa ông Tập và Obama là "thẳng thắn". Song theo ngôn ngữ ngoại giao, cụm từ này thường ám chỉ những cuộc đàm phán khó khăn với ít kết quả tốt đẹp.
"Cuộc nói chuyện thẳng thắn với ông Tập diễn ra sai thời điểm và nó sẽ không đem đến bất kỳ tác động đáng kể nào", Steve Tsang, nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Chính sách Trung Quốc thuộc Đại học Nottingham, Anh, nhận định. "Ông Tập hiểu rằng ông Obama sắp rời nhiệm sở nên chắc hẳn không mấy để tâm đến những gì ông Obama nói".
Shi Yinhong, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ từ Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, cho rằng mặc dù hai nhà lãnh đạo có thảo luận khoảng 20 vấn đề song phương, của khu vực và trên toàn cầu nhưng triển vọng thì vô cùng ít ỏi.
"Họ cũng không giảm bớt lập trường cứng rắn xung quanh các tranh chấp ở Biển Đông", ông Shi cho biết thêm.
Theo thông báo từ Nhà Trắng, Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập đã bàn về phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) do Liên Hợp Quốc bảo trợ ở The Hague, Hà Lan, theo đó bác bỏ yêu sách "đường 9 đoạn" mà Bắc Kinh đơn phương vẽ ra trên Biển Đông. Trung Quốc coi đây như một đòn giáng chí mạng vào tuyên bố chủ quyền của nước này, đồng thời liên tục phủ nhận phán quyết.
Theo ông Pang Zhongying, nhà phân tích từ Đại học Nhân dân, bất chấp việc các cuộc thảo luận về an ninh hàng hải và nhân quyền gặp nhiều khó khăn, điều khiến Tổng thống Obama quan tâm hơn cả vẫn là di sản ngoại giao mà ông dày công gây dựng, đặc biệt là trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu.
"Hiển nhiên, điều tốt đẹp nhất mà Mỹ và Trung Quốc có thể đạt được lúc này là chấp nhận rằng hai bên tồn tại những quan điểm trái ngược trên hầu hết tất cả các lĩnh vực và tranh cãi sẽ chẳng giải quyết vấn đề gì", Pang nhận xét.
Song dù có khác biệt, cả hai lãnh đạo đều hiểu rõ tầm quan trọng của mối quan hệ Mỹ - Trung, giới phân tích đánh giá.
"Thực tế, việc Chủ tịch Tập, người chắc chắn có một lịch trình dày đặc ở G20, vẫn dành thời gian nói chuyện với Tổng thống Obama, cho thấy ông ấy rõ ràng đặt ưu tiên hàng đầu cho mối quan hệ với Mỹ", Pang nói.
Đáp lại, Tổng thống Obama đã cố gắng hết sức để không làm phật lòng lãnh đạo nước chủ nhà, đồng thời bày tỏ thái độ coi trọng những cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc.
"Các cuộc thảo luận song phương của chúng tôi ngày hôm qua cực kỳ hiệu quả và sẽ tiếp tục hướng tới những lĩnh vực hợp tác lớn hơn", ông Obama hôm 4/9 khẳng định.
Theo bình luận viên Shi Jiangtao từ SCMP, ông Obama thay vào đó có thể chọn cách đối đầu với Trung Quốc tại hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sắp diễn ra ở Lào. Tại đây, Tổng thống Mỹ cùng các đồng minh được dự đoán sẽ cùng xoáy sâu vào tranh chấp Biển Đông. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng dự sự kiện này.
Dự đoán về tương lai, các nhà phân tích đều đồng tình rằng căng thẳng vẫn sẽ là xu hướng chủ đạo trong mối quan hệ Mỹ - Trung.
Tuy nhiên, Tao Wenzhao, nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh và Washington có sự thấu hiểu lẫn nhau trong việc duy trì mối quan hệ song phương tương đối ổn định ở những tháng cuối nhiệm kỳ của ông Obama.
Hai quốc gia sẽ tiếp tục bất đồng trên nhiều vấn đề, bao gồm cả tranh chấp hàng hải và an ninh mạng. "Sự đồng thuận duy nhất là đôi bên đều không muốn xảy ra chiến tranh bởi tranh chấp Biển Đông", Tao nhận xét.
Mặt khác, theo giới quan sát, việc Tổng thống Mỹ Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 3/9 tuyên bố tham gia Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu cũng chỉ là biện pháp để che đậy những căng thẳng đã ăn sâu trong quan hệ song phương. Nhưng đây là một nước đi hợp lý.
Chuyên gia Shi Yinhong nhận định thông báo trên chỉ đơn giản là cách để hai nước xác nhận lại những cam kết trước đó song "bầu không khí chắc chắn sẽ căng thẳng hơn nếu thiếu vắng một động thái như vậy".
Theo Tsang, việc phê chuẩn Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu là "một yếu tố quan trọng trong kế hoạch mà Bắc Kinh đề ra nhằm định hướng nhận thức toàn cầu về khả năng lãnh đạo của nước này tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu".
"Thời gian sẽ chứng minh nó được thực hiện ra sao nhưng bằng cách này hay cách khác, Trung Quốc đã đảm bảo được một thành công ngoại giao", Tsang nhấn mạnh.
Xem thêm: Quan chức Trung Quốc chặn đường cố vấn an ninh tháp tùng Obama
Mỹ, Trung Quốc, trà đêm, Tập Cận Bình, Obama