Các cụm tàu sân bay Mỹ đang tích cực cải thiện năng lực tác chiến chống ngầm để chống lại mối đe dọa nguy hiểm nhất ẩn tàng dưới lòng biển.
Tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ. Ảnh: US Navy |
Trong bối cảnh lực lượng tàu ngầm tấn công, tuần dương hạm, khu trục hạm hoặc trực thăng đang bị thiếu hụt nghiêm trọng để bảo vệ tàu sân bay, hải quân Mỹ đang phải xem xét phát triển năng lực chống ngầm cho các "pháo đài nổi" này nhằm khắc chế mối đe dọa đến từ những tàu ngầm ngày càng mạnh của đối phương, theo National Interest.
Theo Jerry Hendrix, giám đốc chương trình Đánh giá và Chiến lược thuộc Trung tâm An ninh Mỹ, hải quân nước này đang đứng trước một số lựa chọn như đưa máy bay săn ngầm S-3 Viking trở lại hoạt động, phát triển mẫu máy bay S-4 thế hệ mới theo cấu hình có người lái lẫn không người lái, hoặc cải tiến máy bay không người lái (UAV) tiếp liệu trên không MQ-25A Stringray thành một nền tảng tác chiến chống ngầm.
Để có thể bảo vệ hiệu quả tàu sân bay Mỹ trước các mối đe dọa dưới lòng biển, những vũ khí săn ngầm này đều phải có khả năng hoạt động lâu dài và cơ động linh hoạt để theo dõi và tấn công tàu ngầm đối phương.
Bryan McHrath, giám đốc điều hành hãng tư vấn hải quân FerryBridge Group, cho rằng sử dụng máy bay không người lái chống ngầm là phương án hiệu quả nhất hiện nay để bảo vệ tàu sân bay Mỹ.
"Một số UAV tầm trung, thời gian hoạt động lâu có các gói liên kết dữ liệu với một tàu mặt nước như tàu hộ tống hoặc tàu sân bay. Khi kết nối với hệ thống ống phóng thẳng đứng (VLS), chúng có thể nhanh chóng phóng vũ khí tấn công trong phạm vi 120-160 km. Tên lửa và bom chống ngầm hoặc ngư lôi ở đuôi nhanh chóng tách ra và buộc tàu ngầm đối phương rơi vào thế phòng thủ", McHrath đánh giá.
Một lựa chọn nữa là cải tiến trực thăng lai V-22 Osprey thành một thiết bị chống ngầm, dù vẫn còn nhiều tranh cãi về tầm bay và thời gian hoạt động.
Hendrix cho rằng, bằng mọi giá hải quân Mỹ phải khắc phục hạn chế trong tác chiến chống ngầm bởi các tàu ngầm đối phương hiện trở thành mối đe dọa nguy hiểm nhất với bất kỳ tàu mặt nước nào.
Ngư lôi phóng từ tàu ngầm là mối đe dọa lớn nhất với tàu sân bay Mỹ. Ảnh minh họa: Wikimedia Commons |
Trong khi đội tàu hộ tống trong cụm tàu sân bay chiến đấu Mỹ có thể dễ dàng phát hiện và vô hiệu hóa tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình diệt hạm của đối phương, chúng lại khó có thể ngăn chặn được các tàu ngầm trang bị ngư lôi hạng nặng cỡ 533 mm và 650 mm của Nga, vốn có khả năng đánh chìm các tàu cỡ lớn.
"Các vũ khí như tên lửa đạn đạo diệt hạm DF-21 của Trung Quốc hay tên lửa hành trình diệt hạm có thể gây hư hại phần cấu trúc thượng tầng của tàu sân bay nhưng không đánh đắm được nó. Còn một quả ngư lôi hạng nặng hoàn toàn có thể đánh trúng phần sống tàu, khiến tàu sân bay chìm hoàn toàn", Hendrix nói.
Các ngư lôi hạng nặng không nhất thiết phải bắn trúng thân tàu sân bay, mà chỉ cần phát nổ bên dưới, tạo ra áp lực khổng lồ với nhiều đợt sóng lớn bẻ gãy thân tàu, khiến đáy tàu bị vỡ.
Trong trận hải chiến Midway thời Thế Chiến II, tàu sân bay USS Yorktown của Mỹ cũng bị ngư lôi phóng từ tàu ngầm Nhật Bản bắn chìm bằng cách này. Bởi vậy, mối nguy hiểm nhất với tàu sân bay chính là các quả ngư lôi phát nổ trong lòng biển.
Dave Majumdar, chuyên gia phân tích quốc phòng của National Interest cho rằng, nguy hiểm nhất là các quả ngư lôi dẫn đường do Nga thiết kế bởi chúng rất khó đối phó và ngăn chặn.
Đáng ngại hơn, những quả ngư lôi này thường được trang bị trên tàu ngầm diesel - điện lớp Kilo vốn có độ ồn rất thấp và gần như không thể bị phát hiện khi hoạt động ở vùng biển nông gần bờ. Những "hố đen đại dương" này có thể lặng lẽ phục kích một tàu sân bay hoặc các tàu hộ tống của Mỹ rồi bất ngờ phóng ngư lôi tấn công.
Hải quân Mỹ đã bắt tay vào phát triển một hệ thống phòng thủ ngư lôi để đối phó với mối hiểm họa này. Các hệ thống phòng thủ chống ngư lôi đã được thử nghiệm trên tàu sân bay USS George H.W. Bush, tuy nhiên mức độ hiệu quả hiện vẫn chưa rõ ràng.
"Các quả ngư lôi dẫn dường không phải là một mối đe dọa mới. Mỹ đã, đang và sẽ phải tìm cách đối phó chúng trong tương lai", Hendrix nhấn mạnh.
Xem thêm: Dàn phi cơ, chiến hạm bảo vệ tàu sân bay Mỹ đang tuần tra Biển Đông.
Duy Sơn
tàu sân bay, tàu ngầm, S-3 Viking, Jerry Hendrix