Thế giới

Thủ tướng: 'Các đại sứ đừng kín cổng cao tường'

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị đại sứ, trưởng đại diện các cơ quan của Việt Nam ở nước ngoài cần hoà nhập hơn nữa để thể hiện hình ảnh của đất nước.

thu-tuong-cac-dai-su-dung-kin-cong-cao-tuong

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Giang Huy

"Các bạn cần hoà đồng hơn nữa vào xã hội mình đang làm việc, để nắm rõ cấu trúc xã hội, các xu thế vận động và biết lợi ích của Việt Nam ở lĩnh vực nào, khu vực nào", Thủ tướng Phúc nhấn mạnh trong phát biểu tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 sáng nay.

Thủ tướng cho hay, các cán bộ ngoại giao không phải là cánh tay nối dài, là tai là mắt, mà chính là hình ảnh Việt Nam. Các cán bộ phải biểu hiện chân thực nhất, tối ưu hình ảnh và lợi ích của Việt Nam. Những điều đó sẽ giúp các nước bạn tin tưởng và yêu quý Việt Nam thực sự. Lời phát biểu của Thủ tướng đã nhận được tràng pháo tay tán thưởng rộ lên trong hội trường gần 700 đại biểu.

Theo Thủ tướng, các đại sứ, trưởng đại diện Việt Nam ở nước ngoài cần giao lưu với cộng đồng doanh nghiệp sở tại để biết doanh nghiệp nào, thậm chí cá nhân nào có thể giúp ích cho Việt Nam. Việc này cũng giúp nhận ra các sản phẩm nào của Việt Nam có thể tiêu thụ ở thị trường đó. Sự giao lưu với cộng đồng khoa học cũng sẽ giúp các đại sứ tìm kiếm các cơ hội công nghệ cho đất nước.

"Người ta hay nói là đừng kín cổng cao tường quá", ông Nguyễn Xuân Phúc cho hay.

Thủ tướng cũng dẫn chứng tại Việt Nam, một số đại sứ nước ngoài đã đạp xe xuyên Việt, tìm hiểu ẩm thực Việt, thậm chí là thả chim bồ câu nhân ngày Rằm. Có người còn cùng ông đi nghe nhạc Trịnh Công Sơn. Điều đó thể hiện họ hiểu văn hoá Việt Nam sâu sắc.

Đề cập tới tình hình khu vực, ông Nguyễn Xuân Phúc lưu ý môi trường đối thoại luôn tiềm ẩn những nguy cơ khó lường. Việt Nam nằm trong khu vực phát triển năng động, nhưng cũng là nơi cạnh tranh địa chiến lược gay gắt của các cường quốc, như chiến lược tái cân bằng châu Á của Mỹ, sự trỗi dậy của nền kinh tế Trung Quốc với chiến lược một vành đai một con đường, chiến lược hoà bình của Nhật Bản, chiến lược hướng đông của Ấn Độ.

Những năm gần đây, nguy cơ bất ổn của khu vực này đang ngày càng tăng, đặc biệt những mâu thuẫn về tranh chấp chủ quyền , lãnh thổ trên Biển Đông và Hoa Đông, bán đảo Triều Tiên.

"Đây là những vấn đề gây bất ổn, tác động trực tiếp đến hợp tác và phát triển kinh tế quốc tế của Việt Nam", Thủ tướng nói.

Lưu ý đến Hiệp hội ASEAN, ông Nguyễn Xuân Phúc đánh giá Việt Nam cần đóng vai trò chủ chốt trong thể chế này, hướng tới sự thống nhất thực sự của khối. Trong khi đó, nhận thức của người dân và doanh nghiệp về Cộng đồng ASEAN kém nhất trong 10 nước thành viên.

"Mặc dù còn nhiều khó khăn và cần những bước tiến dài hơn nữa, ASEAN sẽ là một trong những nền tảng hợp tác quốc tế quan trọng, nếu không nói là quan trọng nhất trong bảo vệ chủ quyền , an ninh, phát triển kinh tế xã hội và phát huy vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế", ông nói.

Ở mức độ toàn cầu, Thủ tướng cho rằng thế giới trong một thập kỷ qua luôn ở trong tình trạng tiềm ẩn rủi ro lớn, đặc biệt kinh tế thế giới phục hồi chậm, luôn thường trực sự đe doạ, bất ổn, an ninh chính trị, khủng hoảng kép, chủ nghĩa bảo hộ, chiến tranh tiền tệ giữa các nền kinh tế lớn và nguy cơ đảo ngược của toàn cầu hoá ở khu vực, Brexit là một ví dụ.

Thủ tướng cho rằng là một quốc gia có độ mở lớn và hội nhập sâu rộng, Việt Nam sẽ dễ bị rơi vào tình trạng thiếu chủ động, chịu những tác động từ bên ngoài và đáp ứng những luật chơi tầm quốc tế.

"Chúng ta đang sống trong một giai đoạn mới của thế giới, khi các nguy cơ luôn thường trực và khó dự đoán. Điều này đòi hòi chúng ta phải làm chắc tay hơn nữa công tác dự báo chiến lược, luôn có sự nhạy bén thường trực và tinh thần thường trực để đối phó với những cú sốc bên ngoài. Ăng ten báo cho đảng và nhân dân chính là ngành ngoại giao, trực tiếp là các đồng chí đại diện ở nước ngoài", Thủ tướng nói.

Nhắc tới tình trạng các bộ ngành trong nước không thực hiện đến cùng các đề xuất của các đại sứ, trưởng đại diện ở nước ngoài, ông Nguyễn Xuân Phúc gợi ý các đại sứ, trưởng đại diện ở nước ngoài khi thấy điều gì có lợi cho đất nước thì phải báo ngay về cho bộ trưởng Bộ Ngoại giao, kể cả điện trực tiếp cho thủ tướng.

"Việc gì có lợi cho tổ quốc tôi sẽ chỉ đạo thực hiện ngay , khắc phục tình trạng nói không ai nghe, nghe xong không thực hiện đến nơi đến chốn", ông nói.

Việt Anh

VNExpress

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đại sứ, cơ quan đại diện, nước ngoài, Hội nghị Ngoại giao 29


© 2021 FAP
  3,701,128       1/705