Thế giới

GS Thayer: Trung Quốc đang tăng hăm dọa sau phán quyết 'đường lưỡi bò'

Các hoạt động quân sự gần đây của Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh muốn ép các nước liên quan thực hiện đàm phán theo "luật chơi" của mình sau phán quyết "đường lưỡi bò".

thay-anh-bai-thayer

Trung Quốc điều hàng chục máy bay tiêm kích tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông sau khi Tòa trọng tài ra phán quyết về vụ kiện "đường lưỡi bò". Ảnh: Chinanews

"Trung Quốc có thể đang dùng việc đe dọa quân sự hóa hơn nữa ở Biển Đông như một đòn bẩy để buộc các nước cùng có tranh chấp bước vào thương lượng bên ngoài khuôn khổ của phán quyết mà Tòa trọng tài đưa ra", Giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales, trao đổi với VnExpress.

Giáo sư người Australia đặc biệt lưu ý đến các hình ảnh vệ tinh gần đây do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Mỹ công bố về các sân bay và quy mô xây dựng nhà chứa máy bay phức hợp dành cho các chiến đấu cơ đa chức năng tiên tiến và các máy bay ném bom chiến lược của Trung Quốc ở đá Chữ Thập, đá Subi và đá Vành Khăn.

"Đây là một diễn biến cực kỳ đáng lo ngại", ông nhận định.

Loại nhà chứa lớn hơn trên các đá có thể phục vụ oanh tạc cơ H-6, phi cơ tiếp dầu H-6U, phi cơ vận tải Y-8 và một phi cơ Kiểm soát và Cảnh báo sớm (AWACS) KJ200. Những nhà chứa nhỏ nhất cũng rộng từ 18 đến 21 m, đủ khả năng tiếp nhận chiến đấu cơ lớn nhất của Trung Quốc. Ngoài kích thước, các dấu hiệu còn cho thấy có sự tăng cường về kết cấu.

Ông khẳng định Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng Tuyên bố của các bên về Biển Đông (DOC) mà nước này đã ký với ASEAN tư 2002, trong đó "đề nghị các bên kiềm chế thực hiện các hoạt động có thể làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp". 

Giáo sư Thayer dự đoán khi nhà chứa máy bay được hoàn thành, Trung Quốc có thể sẽ triển khai một số đội máy bay chiến đấu tới Trường Sa và tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ).

"Điều này sẽ dẫn tới đối đầu giữa Trung Quốc với Mỹ và các nước khác. Căng thẳng sẽ gia tăng tới mức chưa từng có", ông dự đoán.

Trong vòng hơn nửa tháng, từ ngày 18/7 đến ngày 6/8, Trung Quốc đã hai lần tuyên bố điều máy bay đến tuần tra ở Biển Đông, sau khi Tòa trọng tài phụ lục VII theo Công ước luật biển 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS) đưa ra phán quyết bác bỏ đường lưỡi bò của nước này. Đội máy bay quân sự được Bắc Kinh sử dụng gồm oanh tạc cơ H-6K, tiêm kích Su-30, phi cơ trinh sát, máy bay cảnh báo sớm và máy bay tiếp liệu trên không. 

gs-thayer-trung-quoc-dang-tang-ham-doa-sau-phan-quyet-duong-luoi-bo-1

Căng thẳng ở Biển Đông có thể lên mức chưa từng có nếu Trung Quốc hoàn thành các nhà chứa máy bay. Ảnh minh họa: CSIS

Trung Quốc trong thời gian này còn thực hiện cuộc tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông, khu vực diễn tập kéo dài từ tỉnh Hải Nam tới quần đảo Hoàng Sa. Hàng chục máy bay tiêm kích đã được điều động tham gia, hàng trăm tên lửa được bắn ra. 

Theo ông Thayer, Trung Quốc đang tìm cách phá bỏ luật quốc tế bằng cách thiết lập "luật của riêng mình trong cuộc chơi". Nhiều nhà phân tích tin rằng thời điểm "cốt yếu" sẽ diễn ra sau khi Trung Quốc tổ chức thượng đỉnh G20 vào tháng tới và trước khi Mỹ tổ chức bầu cử vào tháng 11 này.

Đề cập tới việc đặc phái viên Philippines Fidel Ramos mới đây đến Trung Quốc để "nối lại quan hệ tốt đẹp giữa hai nước", ông Thayer cho rằng khi phán quyết của Tòa trọng tài không có cơ chế ép buộc các bên tuân thủ thì Manila và Bắc Kinh vẫn có những vấn đề khác trong quan hệ song phương cần thảo luận.

Chính quyền của tân tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đang thể hiện thiện ý trong việc mở cánh cửa thảo luận với Trung Quốc và Philippines đang có lợi thế hơn sau khi Tòa ra phán quyết về vụ kiện. 

Giáo sư Thayer dự đoán Manila và Bắc Kinh có thể thảo luận việc để ngư dân Philippines trở lại khu vực bãi cạn Scarborough. Tuy nhiên khả năng này khó xảy ra. Hai nước cũng có thể đàm phán về tình hình ở bãi Cỏ Mây, nơi Philippines tự cho mắc cạn một tàu để nắm kiểm soát và Trung Quốc cử tàu hải cảnh bao vây.

Theo ông Thayer, Trung Quốc có thể muốn đàm phán với đặc phái viên Ramos để tác động đến chính quyền của ông Duterte, vận động Manila giảm hợp tác quốc phòng với Mỹ để đổi lấy hợp tác ở Biển Đông.

Tuy nhiên, theo ông, cả Việt Nam và Philippines đều có lợi nếu cùng thể hiện sự thống nhất trong việc phản đối "đường lưỡi bò".

"Việt Nam cần phải chờ đợi xem thảo luận giữa Manila và Bắc Kinh đem lại điều gì. Nói như câu châm ngôn thì Việt Nam có thể trông đợi điều tốt nhất nhưng cũng phải chuẩn bị cho điều xấu nhất", ông Thayer lưu ý.

Xem thêm: Loạt nhà chứa máy bay chiến đấu Trung Quốc ở Trường Sa

Việt Anh

VNExpress

Biển Đông, Trung Quốc, nhà chứa máy bay, tranh chấp, căng thẳng, Philippines, Việt Nam, phán quyết, Tòa trọng tài, UNCLOS


© 2021 FAP
  3,945,118       6/924