Tuy không có ưu thế vượt trội, nhưng một sô vũ khí của Trung Quốc có thể giúp Mỹ cải thiện phần nào năng lực tác chiến trên biển.
Mặc dù tất cả các loại vũ khí hiện nay, cũng như trong 20 năm tới của Trung Quốc chưa thể bắt kịp Mỹ về công nghệ, quân đội Mỹ vẫn còn một số lỗ hổng trong năng lực tác chiến mà 5 vũ khí sau của Trung Quốc có thể giúp khắc phục phần nào, theo National Interest.
Thủy phi cơ AG600
Thủy phi cơ AG600 do Trung Quốc tự chế tạo. Ảnh: Xinhua |
Trong Thế chiến II, Mỹ đã sử dụng rất nhiều thủy phi cơ trong các hoạt động cứu hộ phi công và trinh sát tầm xa. Tuy nhiên, sau khi chiến tranh kết thúc, Lầu Năm Góc đã không còn chú trọng phát triển loại máy bay này.
Trong tương lai, nếu phải tham chiến ở chiến trường Thái Bình Dương rộng lớn, Mỹ sẽ lại cần sử dụng một loại máy bay tầm xa có thể hạ cánh trên biển. Thủy phi cơ khổng lồ AG600 mới của Trung Quốc chính là giải pháp có thể phần nào khắc phục lỗ hổng này.
Với kích cỡ lớn ngang một chiếc Boeing 737, AG600 là chiếc thủy phi cơ lớn nhất thế giới với khả năng chở được tới 50 người, tầm hoạt động hơn gần 5.000 km và có thể bay liên tục tới 12 giờ.
Vũ khí siêu vượt âm DF-ZF
Lầu Năm Góc gần đây dành nhiều quan tâm đến các vũ khí siêu vượt âm, có vận tốc gấp 5 lần vận tốc âm thanh. Một số dự án, gồm cả dự án chế tạo vũ khí X-51 đang trong quá trình phát triển, tuy nhiên chưa một hệ thống vũ khí nào trong số này đi vào vận hành, dù Mỹ có nhiều lợi thế về công nghệ.
Trong khi đó, vũ khí siêu vượt âm DF-ZF của Trung Quốc dường như có tiến độ phát triển nhanh hơn Mỹ. Với vận tốc hành trình từ 6.437 đến 11.265 km/h, chậm hơn so với vũ khí siêu vượt âm Mỹ, nhưng DF-ZF đã có 7 lần thử nghiệm thành công và dường như gần đạt đến trạng thái vận hành hơn các vũ khí cùng loại đang phát triển ở Mỹ.
Xe chiến đấu bộ binh lưỡng dụng ZBD-05
Xe chiến đấu bộ binh lưỡng dụng ZBD-05. Ảnh: Ausairpower |
Thủy quân lục chiến Mỹ đang tìm phương án thay thế xe tấn công lưỡng dụng AAV-7 sau 4 thập kỷ biên chế. Tuy nhiên, dự án chế tạo xe chiến đấu viễn chinh tiến hành năm 1988 đã thất bại dù đã tiêu tốn tới 3 tỷ USD và bị hủy bỏ vào năm 2011.
Trong khi đó, Bắc Kinh đã biên chế chính thức xe chiến đấu bộ binh lưỡng dụng ZBD-05. Đây là loại xe do nhà thầu quốc phòng Norinco của Trung Quốc phát triển, có kíp vận hành ba người, có thể chở thêm 10 binh sĩ. Nhờ được trang bị pháo 30 mm trên tháp pháo, súng máy đồng trục 7.62 x 54 mm Type 80, hai ống phóng tên lửa chống tăng Hong Jian-73C ở hai bên tháp pháo và 8 lựu đạn khói 76 mm, xe ZBD-05 có thể chống lại đạn 12,7 mm và mảnh đạn, đạt vận tốc gần 29 km/h khi di chuyển trên mặt nước.
Tàu đổ bộ Type 072A
Năng lực đổ bộ sẽ là yếu tố then chốt trong bất kỳ cuộc xung đột nào trong tương lai ở tây Thái Bình Dương. Hạm đội tàu đổ bộ Mỹ hiện nay chủ yếu là các tàu đổ bộ lớp Wasp, America và San Antonio, tuy nhiên các tàu này dễ thu hút sự chú ý của đối phương do luôn có các tàu hộ tống đi kèm.
Tàu đổ bộ Type 072 của Trung Quốc có kích cỡ ngang một khinh hạm, dài hơn 118 m, nặng 3400 tấn. Tàu có thể chở 300 quân, 12 xe tăng hoặc 800 tấn hàng hóa. Trên boong tàu có một bãi đáp trực thăng ở đuôi và có thể mang theo các tàu đổ bộ đệm khí LCAC phiên bản Trung Quốc. Đây là loại tàu có thể âm thầm tiếp cận và đổ bộ một đại đội thủy quân lục chiến lên một khu vực mà không cần đội tàu hộ tống hùng hậu đi theo bảo vệ.
Tàu hộ vệ Type 056
Tàu hộ vệ Type 056 của Trung Quốc. Ảnh: Wikipedia |
Để đáp ứng nhu cầu về một loại tàu chiến ven biển uy lực, hải quân Mỹ đã bỏ ra hơn một thập kỷ phát triển chương trình Tàu Chiến đấu Ven biển (LCS). Tuy nhiên, đến nay Mỹ chỉ xây dựng được một hạm đội tàu LCS ở mức tối thiểu, chủ yếu được trang bị một pháo 57 mm và hai pháo 30 mm.
Được xem là đối thủ xứng tầm, tàu hộ vệ Type 056 của Trung Quốc là loại tàu chiến nhỏ nặng 1500 tấn. Tuy không được đóng theo công nghệ module nhiệm vụ như tàu LCS, nhưng Type 056 lại có lợi thế giá thành rẻ, dễ sản xuất và biên chế.
Tàu được trang bị một pháo 76 mm, hai pháo 30 mm và 4 tên lửa diệt hạm YJ-83 chứa đầu đạn nổ văng mảnh uy lực nặng 190 kg tầm bắn 180 km. Ngoài ra, tàu này cũng trang bị ống phóng FL-3000N sử dụng cho tên lửa phòng không.
Về khả năng săn ngầm, tàu Type 056 được lắp hai ống phóng ngư lôi ba nòng 324 mm và các biến thể hiện đại hơn có thêm hệ thống định vị thủy âm mảng pha. Trên tàu có một bãi đáp dành cho trực thăng săn ngầm, nhưng không có khoang chứa máy bay.
Xem thêm: Những hệ thống vũ khí Mỹ khiến Nga thèm muốn.
Duy Sơn
AG600, vũ khí, Trung Quốc, DF-ZF