Dù Shahram Amiri đã bị Iran xử tử với cáo buộc tiết lộ bí mật quốc gia nhưng vẫn còn đó nhiều câu hỏi chưa có lời đáp xung quanh cuộc đời nhà khoa học này.
Nhà khoa học hạt nhân Shahram Amiri được chào đón nồng hậu trong ngày từ Mỹ trở về Iran hồi giữa tháng 7/2010. Ảnh: New York Times |
Shahram Amiri 6 năm trước đột ngột bước ra từ bóng tối, xuất hiện trong một đoạn video đăng tải trên Youtube và kể câu chuyện kỳ lạ về việc mình bị Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) bắt cóc như thế nào, theo New York Times.
Nhưng trong một video khác, câu chuyện của Amiri bất ngờ thay đổi. Lần này, ông nói mình tự nguyện đến Mỹ để học tập nhưng rất nhớ đứa con trai yêu dấu còn đang ở quê nhà.
Không lâu sau, Amiri đoàn tụ với con trai ở ngay thủ đô Tehran của Iran. Cuộc gặp gỡ được phát sóng rộng khắp trên các kênh truyền hình. Chính quyền Iran lúc bấy giờ ca ngợi Amiri như một người hùng.
Tiếp đó, Amiri bỗng dưng biến mất không để lại chút dấu vết. Nhiều lời đồn đoán cho rằng ông đã bị tống giam.
Những câu hỏi xung quanh số phận đầy bí hiểm của Amiri vẫn còn đấy: Liệu ông có phải là một gián điệp mà Washington thuê nhằm khai thác các bí mật về chương trình hạt nhân Iran không? Hay ông giữ vai trò như một điệp viên hai mang do Tehran gửi đi để truyền bá những thông tin sai sự thật hoặc thăm dò Mỹ.
Hôm qua, vụ việc tiếp tục xuất hiện diễn biến mới, được cho là bước chuyển biến cuối cùng trong bức tranh cuộc đời Amiri.
"Shahram Amiri bị treo cổ vì tiết lộ bí mật tối quan trọng của quốc gia cho kẻ thù", Gholam Hossein Mohseni Ejei, phát ngôn viên Bộ Tư pháp Iran, thông báo.
Thông tin bất nhất
Vài tuần sau khi Amiri trở về Iran, giới chức tình báo Mỹ đã hé lộ chi tiết về vụ việc cho một nhóm nhỏ các nhà báo. Theo đó, Amiri tình nguyện tìm đến với họ, được phỏng vấn và tham gia một chương trình bảo vệ nhân chứng. Khi Amiri nói với người quản lý trực thuộc CIA về việc muốn quay về Iran, cơ quan tình báo Mỹ đã cảnh báo ông.
Năm 2009, Amiri khi ấy 32 tuổi, rời trường đại học nơi ông làm việc để hành hương tới thánh địa Mecca của người Hồi giáo ở Arab Saudi. Tuy nhiên, ông biến mất khi đến thành phố Medina, chỉ để lại duy nhất bộ đồ cạo râu bên trong một căn phòng khách sạn. Phía Iran đoán rằng Amiri ở cùng người Mỹ và họ cáo buộc Washington bắt cóc ông.
Theo nhận xét từ một số người quen của Amiri, ông hơi vụng về và dễ lo lắng, không giống một gián điệp. Amiri cũng không nằm trong vòng tròn thân cận của Mohsen Fakhrizadeh, nhà khoa học phụ trách mảng vũ khí thuộc chương trình hạt nhân Iran.
Song, Amiri được cho là đã nhìn thấy rất nhiều thứ bởi ông từng làm việc tại một trung tâm nghiên cứu có mối liên quan tới chương trình hạt nhân. Hiện tại, theo thông tin từ phía Iran, Amiri dường như đã cộng tác với Mỹ ngay từ khi còn ở trong nước.
Là một chuyên gia đo đạc mức độ phóng xạ, Amiri có quyền tiếp cận rất nhiều khu vực nhạy cảm của Iran. Đây là một nguồn thông tin vô cùng quý báu đối với giới tình báo.
Theo một số nguồn tin am hiểu vấn đề, chính Amiri là người tiết lộ thông tin về cuộc tranh luận nội bộ ở Iran xung quanh câu hỏi liệu nước này có thực sự cần đến vũ khí hạt nhân không hay chỉ nên duy trì khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân trong thời gian ngắn để tránh vi phạm Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân và kích động phản ứng quân sự từ các nước khác.
Năm 2009, CIA có lẽ cảm thấy Amiri sắp bị phát hiện nên đề nghị đưa ông ra khỏi Iran. Cơ quan tình báo Mỹ hứa sẽ trao cho Amiri 5 triệu USD và một thân phận mới. Amiri tin rằng vợ ông sẽ không bao giờ có thể rời khỏi Iran nên ông quyết định đi một mình, không mang theo cả con trai.
Sau khi trải qua các cuộc phỏng vấn ở Washington, Amiri được sắp xếp đến sống gần thành phố Tucson, bang Arizona, dưới sự bảo vệ và giám sát từ CIA.
Nhưng Amiri ngay lập tức cảm thấy nhớ cậu con trai của mình và bắt đầu gọi về nhà. Theo nhiều nguồn thạo tin, các cơ quan tình báo Iran đã gây áp lực lên gia đình Amiri và đe dọa làm hại con trai ông.
Họ yêu cầu Amiri thực hiện một đoạn video nói rằng ông bị bắt cóc. Amiri làm theo, tuyên bố mình bị bắt tại Medina "trong một chiến dịch chung do các đơn vị chống khủng bố và bắt cóc của CIA và cơ quan tình báo Arab Saudi tiến hành".
Amiri cho hay ông bị đánh thuốc và tra tấn. Hai tháng sau, năm 2010, đoạn video xuất hiện trên kênh truyền hình quốc gia Iran.
Để phản ứng lại, CIA đề nghị Amiri quay một video khác. Trong đó, ông đưa ra thông tin mâu thuẫn hoàn toàn với những gì từng chia sẻ.
"Ở đây, tôi tự do", Amiri nói. "Tôi đảm bảo với mọi người rằng tôi an toàn".
Vợ Amiri nói với kênh truyền hình Iran rằng video thứ hai là giả. "Ông ấy phải đọc ra những lời ấy", bà khẳng định.
Vài tuần sau, Iran đăng tải video thứ ba. Amiri quay trở về với câu chuyện ông bị bắt cóc nhưng đã chạy thoát.
Ở nơi hậu trường, Amiri bộc bạch với những người quản lý mình rằng ông phạm sai lầm khi rời bỏ quê hương và chỉ muốn trở về nhà bên con trai. Phía Mỹ cảnh báo Amiri ông rất có thể sẽ phải đối mặt với án tử nếu quay lại Iran.
Đến tháng 7/2010, Amiri lên xe taxi và tìm đến khu vực lợi ích của Iran thuộc đại sứ quán Pakistan ở Washington để yêu cầu được đưa trở về nhà.
Amiri đáp máy bay xuống Tehran vào ngày 15/7/2010. Con trai ông chờ sẵn tại sân bay để chào đón cha mình. Bức ảnh Amiri cười hạnh phúc, bế con trai trên tay xuất hiện tràn ngập trên các phương tiện truyền thông ở Iran.
Amiri nói với các phóng viên Iran rằng người ta đề nghị chi hàng triệu USD để ông ở lại Mỹ và tiết lộ mọi thứ ông biết về chương trình hạt nhân Iran song ông từ chối. Amiri cũng thêm rằng ông chưa bao giờ đến hai khu vực hạt nhân nhạy cảm nhất của Iran là Natanz và Fordo.
Vài tuần sau, ông biến mất. Mẹ Amiri hồi cuối tuần trước tiết lộ với kênh BBC tiếng Ba Tư rằng con trai bà ban đầu bị tuyên phạt 10 năm tù nhưng các quan chức Iran không thông báo. Tháng trước, bà lại nói hình phạt đã bị thay đổi thành án tử hình. Hiện chưa rõ điều gì khiến nhà chức trách Iran quyết định xử tử nhà khoa học này.
Vũ Hoàng
nhà khoa học, hạt nhân, Iran, Shahram Amiri, Mỹ