Thế giới

Khả năng phòng thủ của siêu tăng T-14 Armata trước sát thủ TOW

Với cơ chế phòng thủ "cứng" và "mềm", xe tăng T-14 Armata có thể đối phó hiệu quả với tên lửa diệt tăng TOW, đặc biệt là phiên bản TOW-2A.

kha-nang-phong-thu-cua-sieu-tang-t-14-armata-truoc-sat-thu-tow

Tăng T-14 Armata của quân đội Nga. Ảnh: Sputnik

T-14 Armata là chiếc xe tăng hiện đại nhất của quân đội Nga hiện nay, được cho là có khả năng sống sót rất cao trước các vũ khí chống tăng. Trong khi đó, tên lửa TOW do Mỹ sản xuất từ lâu nổi tiếng với biệt danh "sát thủ diệt tăng" và trở thành thứ vũ khí không thể thiếu trên chiến trường.

Trong một bài viết trên National Interest, chuyên gia quân sự Sebastien Roblin đánh giá khả năng tác chiến của hai loại vũ khí này trong tình huống đối đầu trên chiến trường.

Uy lực tấn công của tên lửa TOW

Theo Roblin, BGM-71 TOW là loại tên lửa chống tăng tầm xa danh tiếng của Mỹ ra mắt năm 1970 và hiện có thêm nhiều tính năng như điều khiển không cần dây dẫn, đầu đạn kép, tấn công vào phần nóc xe tăng và phá hủy boongke. Hiện tên lửa này có hai phiên bản là TOW-2A và TOW-2B.

Tên lửa TOW-2A sử dụng hệ thống dẫn đường bằng dây dẫn kết nối tên lửa với ống phóng, giúp xạ thủ điều chỉnh đường bay của tên lửa sau khi phóng đi. Vũ khí này cũng sử dụng hệ thống điều khiển bán chủ động SACLOS vừa giúp xạ thủ dẫn đường tên lửa qua kính ngắm quang học, vừa có thể tự động điều chỉnh đường bay của tên lửa.

Tên lửa TOW-2A có thể tấn công mục tiêu ở xa 3,75 km với vận tốc 180 m/s và mất 20 giây để bay tới mục tiêu ở tầm bắn tối đa. Với thời gian đó, kíp tăng mục tiêu hoàn toàn có thể cơ động để ẩn nấp, né tránh nếu phát hiện tên lửa kịp thời.

Hệ dẫn hữu tuyến của tên lửa TOW-2A có ưu điểm là không bị gây nhiễu dưới hầu hết mọi hình thức, tuy nhiên nhược điểm của nó là xạ thủ phải ở nguyên vị trí và dùng kính ngắm quang học để điều khiển tên lửa tới khi nó bắn trúng mục tiêu, nên các biện pháp đối phó như tạo màn khói có thể khiến tên lửa bắn trượt.

Khi trúng mục tiêu, tên lửa TOW-2A sẽ kích nổ đạn xuyên giáp sức công phá lớn (HEAT) chứa nhiều mảnh kim loại văng ra ở tốc độ cao giúp xuyên phá sâu tới 900 mm qua lớp giáp đặc (RHA).

Tuy nhiên, kể từ thập niên 1980, các nhà thiết kế xe tăng đã tìm cách vô hiệu hóa đầu đạn HEAT. Trong khi các nước phương Tây sử dụng vật liệu composite để chế tạo giáp cho xe tăng Abrams và Challenger, các kỹ sư Liên Xô sử dụng giáp phản ứng nổ (ERA), chứa các khối thuốc nổ có thể tự kích hoạt khi bị bắn trúng, đẩy văng đầu đạn HEAT ra ngoài trước khi nó xuyên qua vỏ xe tăng.

Để đối phó với giáp phản ứng nổ, tên lửa TOW-2A cải tiến sử dụng đầu đạn kép, một đầu đạn bay phía trước để kích nổ giáp phản ứng nổ, để đầu đạn thứ hai lao tới xuyên qua lớp giáp xe tăng.

Phiên bản tên lửa TOW-2B và bản nâng cấp TOW-2B Aero tầm bắn xa 4,5 km thay thế hệ dẫn hữu tuyến bằng công nghệ dẫn đường không dây sử dụng tần số bảo mật. Tuy tín hiệu dẫn đường có thể bị gây nhiễu, ưu điểm của hệ thống này là không cần xạ thủ ở nguyên vị trí để điều khiển tên lửa.

kha-nang-phong-thu-cua-sieu-tang-t-14-armata-truoc-sat-thu-tow-1

Tên lửa TOW phóng từ xe thiết giáp Humvee của Mỹ. Ảnh: US Army

Đạn tên lửa TOW-2B được phóng thẳng lên trời để khi bay đến gần mục tiêu sẽ kích nổ hai đầu đạn xuyên phá uy lực lao xuống ngay trên nóc xe tăng. Đây là một phương án tấn công rất hiệu quả bởi lớp giáp trên nóc xe tăng rất mỏng. Mỹ hiện cũng sản xuất tên lửa TOW-2A sử dụng hệ dẫn không dây.

Khả năng phòng thủ của T-14 Armata

Trong khi đó, siêu tăng T-14 Armata có các tính năng phòng thủ ưu việt hơn nhiều so với các dòng xe tăng trước của Nga, nhờ trang bị các hệ thống phòng thủ tối tân để đối phó với các cuộc tấn công bất ngờ.

Trước hết, T-14 được trang bị Hệ thống Phòng thủ Chủ động Afganit gồm hai cơ chế phòng thủ cứng và mềm nhờ radar mảng pha chủ động (AESA) sóng mm tiên tiến giúp nó bao quát xung quanh và cảnh báo khi bị tên lửa tấn công.

Cơ chế "phòng thủ mềm" được sử dụng để đánh lừa tên lửa. Ngay sau khi radar AESA phát hiện tên lửa đang bay tới, 4 quả lựu đạn khói đa quang phổ lập tức được phóng ra, tạo thành một bức màn khói dày đặc che phủ xe tăng, giúp nó che giấu tín hiệu hồng ngoại và vô hiệu hóa các thiết bị chỉ thị mục tiêu bằng radar và laser.

Bị màn khói dày đặc này che mắt, xạ thủ điều khiển tên lửa TOW dẫn đường bằng quang học sẽ rất dễ bắn trượt mục tiêu. Việc radar phát hiện tên lửa từ sớm cũng giúp kíp lái có thêm thời gian để cơ động đến vị trí an toàn.

Cơ chế "phòng thủ cứng" dùng để vô hiệu hóa các tên lửa tấn công bất ngờ. Hệ thống radar Afganit tự động điều khiển tháp pháo hướng về phía tên lửa để 5 ống phóng mỗi bên phóng rocket diệt mục tiêu đang tiếp cận. Hệ thống Afganit tuy chưa được thử nghiệm trong thực chiến nhưng các hệ thống phòng thủ cứng khác như Trophy của Israel đã tỏ ra hiệu quả trong đối phó tên lửa.

Tuy nhiên, hệ thống Afganit dường như không được thiết kế để phóng rocket bắn chặn theo phương thẳng đứng, nên sẽ gặp nhiều khó khăn trước các tên lửa chuyên tấn công phần nóc như TOW-2B.

Trong trường hợp tên lửa vượt qua được hai lớp phòng thủ cứng và mềm, lớp giáp phản ứng nổ Relikt của T-14 sẽ được kích hoạt. Radar của xe sẽ căn thời gian để kích nổ lớp giáp ERA ngay khi tên lửa hoặc đạn pháo bắn trúng và vô hiệu hóa đầu đạn kép.

kha-nang-phong-thu-cua-sieu-tang-t-14-armata-truoc-sat-thu-tow-2

Một xe tăng phóng lựu đạn khói để tự bảo vệ trước tên lửa. Ảnh: Military Review

Ngoài ra, lớp giáp thường của T-14 được cho là mỏng hơn một chút (nặng khoảng 40-60 tấn) so với tăng M1A2 Abrams (nặng 70 tấn) và Leopard 2. Theo các nguồn tin từ Nga, giáp ERA hợp kim gốm có độ bền ngang với lớp giáp đặc RHA dày 120-140 cm để chống lại đạn HEAT, có thể chống lại đạn xuyên giáp đặc 90 cm của tên lửa TOW-2A. Tuy nhiên, lớp giáp này có thể bị vô hiệu trước tên lửa TOW-2B, bởi phần nóc xe và tháp pháo thường có lớp giáp mỏng hơn.

Tuy nhiên, tháp pháo của T-14 Armata được thiết kế không có người bên trong, nên dù tên lửa TOW-2B có thể phá hủy các thiết bị quan sát, cảm biến, kíp tăng bên trong vẫn sống sót. Xe tăng có thể rút lui an toàn để sửa chữa, nhờ các lớp giáp bên thân vẫn hoạt động tốt. Việc giúp kíp tăng sống sót là mục tiêu cuối cùng của các nhà thiết kế hệ thống phòng thủ xe tăng.

Theo Roblin, với những tính năng trên, xe tăng T-14 dường như có thể đối phó tốt với tên lửa TOW, đặc biệt là biến thể TOW-2A, tuy nhiên kết quả cuộc chiến giữa hai khí tài hiện đại của Nga và Mỹ này vẫn là một dấu hỏi cho đến khi chúng đối đầu thực sự trên chiến trường, ông nhấn mạnh.

Xem thêm: Armata Nga đọ sức với xe tăng huyền thoại Mỹ

Duy Sơn

VNExpress

tên lửa TOW, siêu tăng T-14 Armata, tên lửa chống tăng, giáp phản ứng nổ


© 2021 FAP
  4,054,332       10/1,008