Nhật hoàng Akihito có thể lên truyền hình nói về việc nhường ngôi cho con trai, song ông sẽ tránh dùng từ "thoái vị".
Nhật hoàng Akihito duyệt đội danh dự khi đến thăm Philippines vào tháng 1. Ảnh: Reuters. |
Ngày 8/8, Nhật hoàng Akihito có thể lên truyền hình trực tiếp và nói về việc ông đã phải phẫu thuật tim, bị ung thư tiền liệt tuyến, theo Reuters.
Tuổi tác cao khiến ông không thể "hoàn thành đầy đủ" công việc của một vị hoàng đế. Tuy nhiên, Nhật hoàng 82 tuổi sẽ tránh dùng từ "thoái vị" khi lên sóng truyền hình. Nếu ông Akihito lên truyền hình tuyên bố từ bỏ quyền lực, đây sẽ là động thái chưa từng. Thái tử Naruhito, 56 tuổi, dự kiến là người kế vị.
Truyền thông Nhật Bản cho biết Nhật hoàng Akihito dường như lấy cảm hứng từ việc Nữ hoàng Hà Lan Beatrix năm 2013 tuyên bố thoái vị trên truyền hình khi bà 75 tuổi. Bà Beatrix là nữ hoàng thứ ba thoái vị trong Hoàng gia Hà Lan sau Thế chiến II.
"Nhật hoàng muốn có một hệ thống mà trong đó hoàng đế có thể chuyển giao quyền lực cho thế hệ trẻ, người có thể gần gũi với dân chúng và phản ánh thời đại tốt hơn", một nhà báo Nhật kỳ cựu cho biết.
Đảng Bảo thủ của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe lâu nay phản đối việc Nhật hoàng rời bỏ ngai vàng. Các nguồn tin từ cung điện và chính phủ đều khẳng định việc thoái vị chỉ diễn ra nếu Luật Hoàng gia được sửa đổi. Việc chỉnh sửa bộ luật với các quy định về việc kế ngôi cần được quốc hội Nhật Bản thông qua.
Nhật hoàng Akihito kế vị cha vào năm 1989 và đã tại vị 27 năm. Ông được coi là người đã xoa dịu nỗi đau chiến tranh của dân Nhật sau Thế chiến II và đưa hoàng gia đến gần dân chúng hơn.
Nhật hoàng cũng là biểu tượng của "sự đoàn kết" ở đất nước Mặt trời mọc dù không có quyền lực chính trị. Khác với nhiều chế độ quân chủ ở châu Âu, Nhật Bản không có quy định pháp lý đối với việc vua nhường ngôi, dù trong lịch sử nước này nhiều vị vua từng thoái vị.
Xem thêm: Nữ hoàng Anh có thể phải rời cung điện hoàng gia
Văn Việt
Nhật hoàng, Nhật hoàng là ai, Nhật hoàng thoái vị, Nhật hoàng Akihito