Thế giới

'Nghĩa địa Tạo phản' báo hiệu số phận của lính đảo chính Thổ Nhĩ Kỳ

Vụ lính đảo chính Thổ Nhĩ Kỳ bị chôn lặng lẽ trong nấm mộ vô danh đào vội bằng máy xúc đã làm dấy lên làn sóng phản đối trong dư luận nước này.

nghia-dia-tao-phan-bao-hieu-so-phan-cua-linh-dao-chinh-tho-nhi-ky

Những chiếc hố đào sẵn để chôn binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ tham gia đảo chính. Ảnh: Reuters

Thi thể của đại úy Mehmet Karabekir không được tắm rửa trước khi chôn cất. Không ai đọc những đoạn cầu nguyện từ kinh Koran trước khi sĩ quan quân đội Thổ Nhĩ Kỳ này được vùi xuống một hố chôn được đào sơ sài cạnh chuồng gia súc mà không có bất cứ nghi lễ Hồi giáo nào.

Karaberkir là một trong hàng chục quân nhân Thổ Nhĩ Kỳ bị cáo buộc tham gia cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan hồi giữa tháng. Số phận bi thảm của sĩ quan này thể hiện nỗi giận dữ của người dân Thổ Nhĩ Kỳ sau đêm đảo chính đẫm máu, khi xe tăng và súng máy từ trực thăng của quân đội đã khiến hơn 240 dân thường thiệt mạng, theo Reuters.

Nấm mồ không hề có bia mộ của Karaberkir nằm cạnh ba chiếc hố sâu hai mét đã được máy xúc đào sẵn, trên mảnh đất nằm ở khu vực tranh chấp của một công trường xây dựng ở ngoại ô phía đông thành phố Istanbul.

Thị trưởng Istanbul Kadir Topbas gọi khu vực này là "Nghĩa địa của bọn tạo phản", được lập ra chỉ để chôn những binh lính tham gia cuộc đảo chính.

Nhiều nước phương Tây, các tổ chức nhân quyền và một số đảng phái đối lập trong nước đã chỉ trích Ankara đối xử vô nhân đạo với những người bị bắt, sau khi chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện chiến dịch thanh trừng quy mô lớn nhắm đến hàng chục nghìn người trong các cơ quan công quyền, cảnh sát, quân đội vì bị nghi ngờ có dính líu đến âm mưu đảo chính.

Người dùng mạng xã hội Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã bày tỏ nỗi bất bình đối với cách thức lực lượng an ninh đang đối xử với những binh sĩ tham gia đảo chính. Nhiều người cho rằng việc lập ra "Nghĩa địa Tạo phản" là hành động đi quá xa với truyền thống và phong tục Hồi giáo ở nước này.

Dù giới chức tôn giáo Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định sẽ không tổ chức lễ tang Hồi giáo cho các binh sĩ đảo chính, giáo sĩ cấp cao Mehmet Gormez tuyên bố không ủng hộ hành động lập ra một nghĩa trang riêng như vậy, vì cho rằng việc đó sẽ gây tổn thương tới thân nhân của những người đã chết.

Những phản ứng quyết liệt từ dư luận đã khiến các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách chối bỏ sự liên quan của mình với "Nghịa địa Tạo phản". Hôm thứ năm, thị trưởng Topbas cho biết ông đã ra lệnh gỡ bỏ tấm biển "Nghĩa địa Tạo phản" ở trước khu đất, nhưng không rõ địa điểm này có tiếp tục được sử dụng để chôn cất lính đảo chính hay không.

Hiện chưa có bất cứ bằng chứng nào cho thấy Tổng thống Erdogan hay chính quyền trung ương có liên quan tới quyết định lập "Nghĩa địa Tạo phản" ở Istanbul.

Truyền thông địa phương cho hay gia đình của đại úy Karabekir từ chối nhận xác của anh, buộc nhà chức trách phải chôn cất anh ta trong nấm mồ đào vội hôm thứ hai. Khi được phóng viên Reuters liên hệ, chị dâu của Karabekir cho biết gia đình không muốn đưa ra bất cứ bình luận nào vào thời điểm này.

"Không ai nên đến với Thượng đế trong hoàn cảnh tối tăm như vậy", một người dân sống ở quận Acibadem, thành phố Istanbul, nói. Báo chí và các quan chức địa phương nói rằng đại úy Karabekir đã bắn chết một công chức khi chỉ huy nhóm lính đảo chính tìm cách chiếm lấy trụ sở chính quyền.

Củng cố quyền lực

nghia-dia-tao-phan-bao-hieu-so-phan-cua-linh-dao-chinh-tho-nhi-ky-1

Lính đảo chính Thổ Nhĩ Kỳ bị người dân đánh đập trên đường. Ảnh: Reuters

Tổng thống Erdogan cho rằng kẻ chủ mưu đứng sau vụ đảo chính bất thành tối 15/7 là Fethullah Gulen, giáo sĩ đang sống lưu vong tại Mỹ, người từng một thời là đồng minh chính trị của ông Erdogan.

Dù giáo sĩ Gulen bác bỏ cáo buộc này, nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ vẫn phát động chiến dịch truy quét quy mô lớn nhằm phá sập mạng lưới những người trung thành với ông, trong đó có nhiều binh sĩ quân đội, cảnh sát, thẩm phán, công tố viên, nhà ngoại giao và cả các nhà báo.

Gần 2/3 người dân Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng giáo sĩ Gulen đứng sau vụ đảo chính, theo một khảo sát do hãng Andy-Ar thực hiện qua điện thoại hôm thứ ba. Tuy nhiên, nhiều nhà hoạt động cho rằng chiến dịch thanh trừng này đang bị ông Erdogan lợi dụng để đàn áp mọi hình thức bất đồng, chống đối đối với ông.

Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết họ nhận được những bằng chứng đáng tin cậy cho thấy binh lính đảo chính bị đánh đập và tra tấn, thậm chí bị cưỡng hiếp trong chuồng ngựa. Các quan chức Bộ Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ đã bác bỏ cáo buộc này.

"Nghĩa địa Tạo phản", được cảnh gác bởi các bảo vệ tư nhân, nhận được sự tán đồng của một số người dân địa phương, nhưng lại hứng chịu làn sóng chỉ trích từ nhiều phía.

"Hành động này là không đúng, và Tổng cục trưởng Gormez của chúng tôi đã bày tỏ sự bất bình với nhà chức trách có liên quan", người phát ngôn Tổng cục Tôn giáo Thổ Nhĩ Kỳ cho hay.

Tuy vậy, không ai dám chắc chắn rằng những người lính đảo chính khác sẽ không phải chịu kết cục bi thảm tương tự, khi chiến dịch thanh trừng vẫn đang sục sôi trên khắp đất nước Thổ Nhĩ Kỳ. "Chúng tôi được thông báo là sẽ có thêm nhiều người được đem đến chôn ở đây, nhưng đến giờ vẫn chưa thấy", một bảo vệ tại nghĩa địa cho biết.

Xem thêm: Vì sao dân Thổ Nhĩ Kỳ xả thân chặn xe tăng phe đảo chính

Trí Dũng

VNExpress

đảo chính thổ nhĩ kỳ, quân đội thổ nhĩ kỳ, lính đảo chính, nghĩa địa


© 2021 FAP
  2,857,310       32/1,378