Thủy quân lục chiến Mỹ đã phải trả giá đắt trong chiến dịch đổ bộ lên hòn đảo Tarawa ở Thái Bình Dương do phát xít Nhật chiếm đóng.
Lính Mỹ hứng chịu thương vong nặng nề khi đổ bộ lên bờ biển Tarawa. Ảnh: US Navy |
Sau thắng lợi từ chiến dịch Guadalcanal, đẩy lùi hải quân Nhật ở quần đảo Solomon trên Thái Bình Dương đầu năm 1943 , Mỹ và đồng minh bắt đầu lên kế hoạch chuyển hướng chiến lược tiến công vào vành đai phòng thủ của Đế quốc Nhật Bản bằng trận chiến Tarawa.
Tarawa là hòn đảo ở trung tâm Thái Bình Dương, được Mỹ xác định là bàn đạp để chiếm đảo tiếp theo, thực hiện chiến thuật "nhảy cóc" để từng bước áp sát Nhật Bản, theo Military History.
Đảo Tarawa do lính Nhật Bản kiểm soát, nằm ở vị trí chiến lược trên hướng tiếp cận của quân đồng minh tới quần đảo Marshall, chia cắt tuyến đường liên lạc và tiếp tế của Mỹ với quần đảo Hawaii. Nhận thấy tầm quan trọng của hòn đảo này, quân đồn trú Nhật Bản do chuẩn đô đốc Keiji Shibasaki chỉ huy đã xây dựng trận địa phòng ngự kiên cố nhằm biến Tarwa thành một pháo đài.
Hơn 3.600 binh sĩ và nhân công Nhật đồn trú đã dày công xây dựng một mạng lưới công sự, boongke khổng lồ với hơn 500 hầm ngầm và cứ điểm mạnh, cùng vô số cạm bẫy trên đảo. Lính Nhật còn bố trí 14 pháo phòng thủ bờ biển và 40 khẩu đội pháo quanh đảo cùng 14 xe tăng hạng nhẹ Type 95.
Mỹ sử dụng hạm đội lớn nhất của mình do đô đốc Raymon Spruance chỉ huy gồm 12 thiết giáp hạm, 8 tuần dương hạm hạng nặng, 4 tuần dương hạm hạng nhẹ, 66 khu trục hạm và sư đoàn thủy quân lục chiến số 2 cùng một lực lượng phối thuộc từ sư đoàn bộ binh số 27 của lục quân với tổng số khoảng 3.500 binh sĩ do thiếu tướng Julian C. Smith chỉ huy.
Rạng sáng ngày 20/10/1943, tàu chiến Mỹ ngoài khơi bắt đầu bắn phá dữ dội vào hệ thống phòng thủ của Nhật trên đảo Tarawa, sau đó các chiến đấu cơ xuất kích từ tàu sân bay tấn công mục tiêu để ba đơn vị thủy quân lục chiến Red 1, Red 2 và Red 3 lên các tàu, xuồng đổ bộ tiến về phía đảo.
Tuy nhiên, do hiệp đồng không chặt chẽ, xuồng đổ bộ chỉ xuất phát khi chiến đấu cơ thực hiện những đợt oanh tạc cuối cùng lên đảo. Lính Nhật chui ra khỏi hầm trú ẩn, và bắt đầu bắn dữ dội vào những chiếc xuồng đang tiến vào bờ.
Khi đến gần bờ biển, nhiều xuồng đổ bộ bị mắc kẹt trong rặng san hô do thủy triều không đủ cao để vượt qua. Hứng chịu cơn mưa hỏa lực từ pháo binh Nhật, lính Mỹ buộc phải nhảy xuống nước và bơi vào bờ dưới làn đạn xối xả của súng máy hạng nặng. Chỉ có một lực lượng nhỏ lên được bờ nhưng bị quân Nhật nhanh chóng bắt sống.
Chỉ sau khi tăng quân và triển khai thêm các xe tăng M4-A2 Sherman, thủy quân lục chiến Mỹ mới có thể đổ bộ thành công và bẻ gãy phòng tuyến đầu tiên của Nhật vào chiều cùng ngày. Nhờ hỏa lực từ xe tăng, đến đêm quân Mỹ chiếm được nửa đảo.
"Kế hoạch hậu cần được tập dượt cẩn thận lại trở thành một thảm họa, thủy quân lục chiến đã tính toán sai thời gian thủy triều lên", sử gia Oscar Gilbert viết.
Ngày tiếp theo, đơn vị Red 1 được lệnh chuyển hướng tấn công sang hướng tây với hỏa lực chi viện của hải quân. Các đơn vị Red 2 và Red 3 được giao nhiệm vụ tập kích đường băng trên đảo. Sau đợt giao tranh dữ dội, trận chiến kết thúc vào đầu giờ chiều.
Một chiếc tăng M4 Sherman trong trận Tarawa. Ảnh: US Navy |
Cùng lúc đó, lực lượng quan sát cảnh giới báo cáo quân Nhật đang rút lui theo hướng đông qua bãi cát hướng về mỏm Bairiki. Để ngăn địch trốn thoát, các đơn vị của trung đoàn thủy quân lục chiến số 6 đổ bộ lên khu vực này lúc 5 giờ chiều. Kết thúc ngày giao tranh thứ hai, các lực lượng Mỹ đã tiến thêm và củng cố vị trí chiếm được.
Sáng ngày 22/10, lực lượng tăng cường tiếp tục đổ bộ lên đảo và bắt đầu tấn công xuống phía nam Tarawa, phối hợp với đơn vị Red 3 hình thành tuyến tấn công liên tục dọc mạn phía đông đường băng trên đảo. Quân Nhật cố gắng phản công trong đêm tối nhưng thất bại.
Rạng sáng hôm sau, 300 lính Nhật phát động một đợt tấn công tự sát vào lực lượng Mỹ nhưng bị hỏa lực chi viện từ pháo binh và hải quân trên tàu chiến Mỹ vùi dập. Trong ba giờ tiếp theo, pháo binh và không quân Mỹ liên tục bắn phá các cứ điểm còn lại của quân Nhật.
Những ổ đề kháng đơn lẻ của Nhật sau đó cũng bị lực lượng thiết giáp và các cuộc không kích Mỹ tiêu diệt. Trong 5 ngày tiếp theo, thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ lên các đảo trong chuỗi đảo Tarawa và quét sạch các cứ điểm phòng thủ cuối cùng của quân Nhật.
Trong số 3.600 lính Nhật phòng thủ trên đảo, chỉ có 17 người sống sót. Trận chiến kết thúc khi "gần như mọi cấu trúc trên đảo bị phá hủy và đầy rẫy xác chết nhanh chóng thối rữa dưới cái nắng chói chang", Gilbert viết.
Thủy quân lục chiến Mỹ cũng phải hứng chịu thương vong nặng nề sau trận chiến Tarawa, với gần 1.000 lính tử trận, hơn 2.100 lính khác bị thương trong ba ngày giao tranh.
Trận chiến Tarawa được coi là một trong những trận đánh chết chóc nhất trong Thế chiến II, nhưng cũng từ trận đánh này, các lực lượng Thủy quân Lục chiến đã có nhiều kinh nghiệm quý giá cho các chiến dịch sau này. Đây cũng là một trong những nền tảng xây dựng nên học thuyết tác chiến đổ bộ của Thủy quân lục chiến Mỹ, chuyên gia quân sự Robert Beckhusen của WarIsBoring nhấn mạnh.
Xem thêm: Trung đoàn lính Nhật bị cá sấu xóa sổ trên đảo hoang
Duy Sơn
thế chiến II, trận chiến tarawa, phát xít nhật, thủy quân lục chiến mỹ, tác chiến đổ bộ