Đa số người hành nghề mại dâm ở Trung Quốc không sử dụng bao cao su vì nếu bị cảnh sát bắt, công cụ phòng tránh bệnh lây nhiễm này sẽ là bằng chứng chống lại họ.
Cảnh sát Trung Quốc đột nhập vào một nơi bán dâm. Ảnh: Shanghaiist |
Theo Shanghaiist, tổ chức Asia Catalyst tiến hành nghiên cứu trên ba thành phố lớn ở Trung Quốc, thu thập ý kiến của 518 người bao gồm cả nam, nữ và phụ nữ chuyển giới, thực hiện 74 cuộc phỏng vấn chuyên sâu.
Nội dung nghiên cứu nhằm tìm hiểu ảnh hưởng của luật pháp và các lực lượng thực thi pháp luật tới việc tiếp cận và sử dụng bao cao su của người hành nghề mại dâm, cũng như tác động tới tỷ lệ lây nhiễm HIV và ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng.
Theo báo cáo công bố hôm 25/7, người hành nghề mại dâm từng bị cảnh sát thẩm vấn có xu hướng ít sử dụng bao cao su nhất. 67,8% số người chưa từng bị thẩm vấn nói có sử dụng bao cao su, so với 47,7% số người từng bị thẩm vấn.
Họ cho biết, việc chỉ mang trong người bao cao su đã hội đủ lý do để bị bắt, ngay cả khi cảnh sát không bắt quả tang họ đang bán dâm.
Một người chuyển giới hành nghề mại dâm có tên Shasha nói rằng, có lần cô đang ở trên phố thì bị cảnh sát bắt và cáo buộc cô đang bán dâm, chỉ vì trong túi xách có bao cao su và chất bôi trơn, mặc dù hôm đó cô không đi làm.
"Lúc đó tôi rất tức giận. Họ không có bằng chứng, cũng không bắt quả tang tôi đang quan hệ hay trò chuyện với bất kỳ người nào. Họ dựa vào đâu mà nói rằng tôi hành nghề mại dâm?" cô nói.
"Nếu tôi đứng trong một con hẻm, chắc chắn sẽ bị cảnh sát hỏi thăm. Nếu trong người không có bao cao su, cảnh sát sẽ đứng đó hỏi vài câu, nhưng chỉ cần chối mình đi ngang qua đây, họ sẽ không thể bắt tôi. Tuy nhiên, nếu trong người có bao cao su, chắc chắn tôi sẽ bị bắt", Xiaoxue, một gái bán dâm khác kể lại.
Người hành nghề mại dâm thường giấu bao cao su trong tủ lạnh, thùng gạo hay gần bãi rác để tránh bị cảnh sát phát hiện. Ảnh: Shanghaiist |
Ở Trung Quốc, các cơ quan y tế và sức khỏe cộng đồng dựa vào việc phân phát bao cao su miễn phí để phòng tránh các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục (STIs) và HIV.
Việc phân phát bao cao su ở những tụ điểm vui chơi giải trí cũng bị cảnh sát gây trở ngại. Zhaoke, nhân viên một tổ chức y tế cho biết, mặc dù Bộ Y tế yêu cầu phải các cơ sở này phải cung cấp bao cao su nhưng chủ kinh doanh không dám vì ngại bị cảnh sát thăm hỏi.
Ke từng chứng kiến một cảnh sát hỏi viên quản lý, "Ở đây đang kinh doanh bất hợp pháp phải không?" rồi bắt thu dọn hết bao cao su. Một người quản lý cho biết, kết quả là, khi thanh tra y tế đến họ sẽ bày bao cao su ra cho kiểm tra, rồi lại cất đi khi cảnh sát tới.
"Không chỉ gia tăng nguy cơ lây nhiễm HIV, mà việc này còn nhạo báng vào nỗ lực phân phối bao cao su của chính phủ tới các nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao", Kryn Kaplan, giám đốc điều hành khu vực châu Á của Asia Catalyst cho biết.
Tỷ lệ nhiễm HIV đang tăng ở Trung Quốc, đặc biệt là trong giới thanh niên thành thị. Năm 2014, cả nước có 104.000 ca nhiễm mới, 92,2% do quan hệ tình dục không an toàn. Giang mai, lậu, các bệnh STIs cũng gia tăng đáng báo động năm 2015.
"Các hoạt động của lực lượng thực thi pháp luật đang ảnh hưởng sâu sắc tới sức khỏe và an toàn của người hành nghề mại dâm, bao gồm cả thói quen sử dụng bao cao su", Kaplan nói.
"Người hành nghề mại dâm thường thích chiều khách hàng không muốn sử dụng bao cao su, vì như thế họ sẽ đỡ phải mang nhiều bao cao su, hoặc thử nhiều cách để cất giấu bao cao su tại những chỗ khác".
Meimei, một gái bán dâm cho biết họ thường giấu bao cao su ở nhiều chỗ khác nhau.
"Ví dụ, chỗ thường giấu nhất là ở ngoài nhà, nhét trong túi nilon đặt ở hốc ngoài cửa sổ, cùng với rác rưởi, sẽ không ai để ý tới. Nếu chỉ có vài cái, chúng tôi sẽ để để trong nhà, như trong lọ thuốc rỗng hoặc trong túi nilon siêu thị để trong tủ lạnh, hay trong thùng gạo. Đó là những chỗ họ chẳng bao giờ ngó tới", Meimei nói.
Mang bao cao su trong người là đủ lý do để người hành nghề mại dâm bị cảnh sát bắt. Ảnh: HSW |
Tại Trung Quốc, mại dâm là vi phạm hành chính, thường bị phạt tiền hoặc giam giữ. Theo một báo cáo năm 2014 của Tổ chức Quan sát Nhân quyền, người hành nghề mại dâm thường được trả tự do nhanh hơn nếu chấp nhận đóng tiền phạt, vì "tiền phạt giúp bổ sung ngân sách cho các hoạt động của lực lượng hành pháp địa phương".
Tuy nhiên, tiền phạt thường không được ghi vào hồ sơ xử phạt, nên không rõ cảnh sát đã thu của gái mại dâm bao nhiêu tiền đóng phạt. Nhiều tổ chức ở Trung Quốc đã kêu gọi hợp pháp hóa nghề mại dâm, vì an toàn sức khỏe cho người hành nghề ở nước này.
Xem thêm: Cảnh sát Nga bắt gái mại dâm và khách hàng diễu phố
Hồng Hạnh
cảnh sát, Trung Quốc, người hành nghề mại dâm, bao cao su, mâu thuẫn, bắt giữ