Thế giới

Những kèn cựa khiến cảnh sát Pháp để lọt khủng bố

Một ủy ban điều tra vừa công bố bản báo cáo đặc biệt chỉ ra những sai sót của lực lượng an ninh Pháp dẫn tới hệ quả là họ không thể ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố ở Paris.

canh-sat-phap-de-lot-khung-bo-vi-canh-tranh-noi-bo

Cảnh sát Pháp hỗ trợ một nạn nhân ngoài nhà hát Bataclan sau vụ xả súng chết người. Ảnh: Reuters

Chuỗi các cuộc tấn công do những phần tử Hồi giáo cực đoan thực hiện hồi năm ngoái ở Paris, khiến 147 người thiệt mạng, đã không thể bị chặn đứng bởi những thất bại về tình báo ở Pháp cũng như một số quốc gia khác. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh cùng tình trạng hoạt động chồng chéo giữa các đơn vị, lực lượng chống khủng bố càng khiến tình hình trở nên rối ren hơn, AP hôm 5/7 dẫn kết luận của chủ tịch ủy ban điều tra vụ khủng bố tại thủ đô của Pháp.

Một ví dụ điển hình là trường hợp Salah Abdeslam, nghi phạm duy nhất sống sót sau cuộc tấn công thảm sát ở Paris hồi năm ngoái, lẽ ra không thể trốn sang Bỉ và ẩn náu ở đây khi mà y đã nằm trong tầm giám sát của lực lượng an ninh địa phương từ lâu. Trong khi đó, kẻ chủ mưu Abdelhamid Abaaoud lại có thể đi qua biên giới các nước châu Âu một cách dễ dàng, dù đã nằm trong danh sách những thành phần bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa cực đoan, ông Georges Fenech, chủ tịch ủy ban điều tra, lấy dẫn chứng.

Trước đó, cơ quan tình báo Pháp cũng nắm thông tin về hai anh em gây ra vụ thảm sát tại tạp chí Charlie Hebdo và kẻ bắt cóc, sát hại con tin ở cửa hàng tạp hóa Hyper-Kosher, Paris, hồi tháng một năm ngoái nhưng cũng không thể ngăn chặn.

"Hoạt động tình báo của Pháp đã thất bại", ông Fenech phát biểu tại một cuộc họp báo sau 6 tháng điều tra. "Tất cả những kẻ khủng bố tại nhà hát Bataclan, tạp chí Charlie Hebdo hay cửa hàng Hyper Kosher... đều từng nằm trong tầm theo dõi của ta. Nếu không vì những thất bại đó, chúng ta đã có thể ngăn chặn cuộc tấn công ở nhà hát Bataclan", ông nhấn mạnh.

canh-sat-phap-de-lot-khung-bo-vi-canh-tranh-noi-bo-1

Nghi phạm chủ mưu vụ khủng bố Paris Abdelhamid Abaaoud. Ảnh: AP

Ủy ban điều tra đã lần theo dấu vết hoạt động của từng kẻ cực đoan khi thực hiện nhiệm vụ nhằm phân tích ưu khuyết điểm của các biện pháp chống chủ nghĩa cực đoan mà Pháp đang áp dụng và đi đến kết luận rằng Pháp cũng như các quốc gia châu Âu khác, đặc biệt là Bỉ, vẫn còn rất yếu kém về nghiệp vụ tình báo.

Ủy ban đưa ra 40 khuyến nghị, trong đó đáng chú ‎ý nhất là đề xuất thành lập lực lượng chống khủng bố quốc gia, tương tự cơ quan do Mỹ thành lập sau vụ khủng bố 11/9.

Một số đề xuất quan trọng khác bao gồm vạch ra phương án xử lý hiệu quả hơn đối với các nạn nhân khủng bố, kiên quyết không giảm án cho những kẻ bị kết tội liên quan đến mạng lưới khủng bố, thành lập những đơn vị đặc biệt trực thuộc lực lượng cảnh sát châu Âu Europol với nhiệm vụ phát hiện những phần tử cực đoan tiềm tàng ở các quốc gia thành viên.

Ủy ban cũng khuyến nghị tăng cường an ninh biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria bởi hiện tại, rất nhiều thanh niên Pháp và châu Âu sử dụng Thổ Nhĩ Kỳ như một trạm trung chuyển để tới các khu vực do Nhà nước Hồi giáo (IS) kiểm soát ở Syria. Các nhà điều tra đồng thời kiến nghị triển khai thêm nhân viên Europol tới điểm nóng Hy Lạp để quản lý hiệu quả hơn dòng người di cư.

Ủy ban đã thăm Trung tâm Phòng chống Khủng bố Quốc gia của Mỹ và "nhận thấy cần phải thành lập một trung tâm tương tự tại châu Âu", ông Fenech cho hay. "Trung tâm chống Khủng bố Mỹ có 1.200 đặc vụ. Trong khi đó, đơn vị điều phối do tổng thống Pháp điều hành chỉ có 8 nhân viên".

Bên cạnh đó, các nhà điều tra nhận thấy hoạt động tình báo không phải là thất bại duy nhất. Tình trạng cạnh tranh nội bộ và các quy định không thống nhất cũng gây cản trở, khiến các đơn vị cảnh sát và quân đội khó phối hợp hành động tại hiện trường. 

Khi phát động chiến dịch đột kích vào nhà hát Bataclan để tiêu diệt những kẻ khủng bố, giải cứu con tin, cảnh sát ban đầu đề nghị quân đội cho họ mượn những khẩu súng trường Fanas. Tuy nhiên lực lượng quân đội có mặt tại hiện trường, với quy định không được phép rời bỏ vũ khí, đã từ chối lời đề nghị từ lực lượng cảnh sát.

Nhiều tiếng nói chỉ trích đã xuất hiện sau khi bản báo cáo được công bố, nhất là từ Stephane Gicquel, người đại diện cho các nạn nhân trong vụ thảm sát ở nhà hát Bataclan.

"Chúng tôi không biết người ta sẽ áp dụng những khuyến nghị này như thế nào, ai sẽ là người ra quyết định và vào thời điểm nào", Stephane nói. Ông cũng lo ngại các giải pháp đó chỉ là những "ước muốn xa vời, trong khi thực tế, đến thời điểm này, người ta phải đưa ra được những kế hoạch hành động hết sức rõ ràng".

Xem thêm: Bên trong nơi chủ mưu khủng bố Paris cố thủ khi bị đột kích

Vụ thảm sát ở Paris làm thay đổi cục diện chính trị phương Tây

Trần Việt

VNExpress

Pháp, khủng bố, Paris, cảnh sát, lỗ hổng, an ninh


© 2021 FAP
  2,869,465       16/1,116