Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, cho rằng nước này hoàn toàn đủ năng lực buộc tàu Philippines mắc cạn ở bãi Cỏ Mây đi chỗ khác.
Tàu BRP Sierra Madre. Ảnh: AP |
Nhiều báo Trung Quốc như Sina, Sohu hôm nay đồng loạt đăng tải bài viết của Nhân dân Nhật báo nói rằng nước này thừa sức buộc tàu BRP Sierra Madre di chuyển ra chỗ khác. Đây là con tàu rỉ sét Philippines cho mắc cạn trên bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam từ năm 1999.
"Trung Quốc hoàn toàn đủ năng lực buộc tàu Philippines đi chỗ khác, nhưng vì sự ổn định chung của Nam Hải (tên Trung Quốc gọi Biển Đông), Trung Quốc sẽ nhẫn nại, duy trì thái độ kiềm chế", trích bài viết trên Nhân dân Nhật báo.
Trung Quốc cho rằng bản thân mình không phải "ỷ lớn hiếp nhỏ", mà chính là những quốc gia kia đang "ỷ nhỏ hiếp lớn" và cảnh báo "nhẫn nhịn" của Trung Quốc "có giới hạn".
BRP Sierra Madre là tàu chở dầu đổ bộ dài 100 mét, được đóng cho hải quân Mỹ trong Thế Chiến II. Hải quân Philippines sau khi tiếp nhận đã cố tình cho tàu mắc cạn trên bãi Cỏ Mây để thể hiện sự hiện diện của Manila ở nơi này. Có một nhóm nhỏ binh sĩ Philippines sinh sống trên tàu. Năm ngoái, hải quân nước này đã sử dụng các tàu nhỏ vượt qua tuần duyên Trung Quốc đưa vật liệu tới gia cố tàu.
Phía tây bãi Cỏ Mây là đá Vành Khăn, một trong 7 thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc biến thành đảo nhân tạo, sử dụng cho cả mục đích dân sự lẫn quân sự.
Bài viết chỉ trích Mỹ đã "kích động quân sự hóa" Biển Đông, khiến Trung Quốc thêm lo ngại về lợi ích của mình tại khu vực và càng tăng "quyết tâm tăng cường năng lực tự vệ".
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi pháp với hầu hết diện tích Biển Đông, bất chấp sự phản đối từ cộng đồng quốc tế. Nước này ồ ạt bồi đắp, cải tạo 7 bãi đá tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, biến chúng thành đảo nhân tạo và xây dựng cơ sở phi pháp trên đó. Bắc Kinh từ đầu năm nay còn lộ rõ ý đồ quân sự hóa khi bố trí hệ thống tên lửa, radar và chiến đấu cơ tại Biển Đông.
Trung Quốc đang nỗ lực lôi kéo sự ủng hộ của các nước trước khi Toà trọng tài Thường trực được thành luật theo Công ước luật biển (UNCLOS) ra phán quyết về vụ kiện "đường lưỡi bò" do Philippines khởi kiện. Nhiều chuyên gia dự đoán rằng phán quyết của tòa sẽ có lợi cho Manila. Bắc Kinh không tham gia phiên xử và nói sẽ không công nhận bất cứ phán quyết nào dù nước này là thành viên của UNCLOS và theo quy định phải có nghĩa vụ thực hiện các phán quyết của tòa.
Xem thêm: Philippines gia cố tàu mắc cạn trên bãi Cỏ Mây
Hồng Hạnh
Báo Trung Quốc tuyên bố thừa sức buộc tàu Philippines mắc cạn rời bãi Cỏ Mây - VnExpress