Trong khi quan chức Đức, Ba Lan tỏ ra bi quan trước kết quả trưng cầu dân ý cho thấy người Anh lựa chọn rời khỏi EU thì một số nước khác cho rằng đây là động lực để thúc đẩy sự cải cách trong khối.
Những người ủng hộ Anh rời khỏi EU vẫy cờ bên ngoài Phố Downing ở London sau khi có kết quả trưng cầu dân ý. Ảnh: Reuters |
Ngoại trưởng Đức Frank-WalterSteinmeier viết trên Twitter: "Tin tức từ Anh thực sự nghiêm trọng. Có vẻ như một ngày buồn cho châu Âu và Anh".
Người đồng cấp của Ba Lan Witold Waszczykowski cũng gọi Brexit là một tin xấu cho cả Anh và châu Âu. "Đó là dấu hiệu EU cần thay đổi", ông nói.
Anton Boerner, chủ tịch hiệp hội thương mại nước ngoài của Đức thậm chí gọi đây là "một kết quả thảm khốc cho Anh cũng như châu Âu và Đức, đặc biệt với nền kinh tế Đức". "Thật đáng lo ngại khi nền dân chủ lâu đời nhất thế giới quay lưng với chúng tôi", ông nói.
Thủ tướng Bỉ Charles Michel cho rằng các thành viên EU nên gặp nhau để "xác định các ưu tiên và thiết lập một tương lai mới cho châu Âu".
Malcolm Turnbull, Thủ tướng Australia, cho hay từ góc nhìn pháp lý, tác động ngay lập tức và trực tiếp của quyết định trên với Australia là không đáng kể bởi Anh sẽ mất thêm vài năm mới có thể đi khỏi EU.
"Tuy nhiên, chúng ta đã chứng kiến sự tụt dốc mạnh trên thị trường chứng khoán và sự bất ổn sẽ còn kéo dài một thời gian nữa", ông nói.
Đảng Quốc gia Scotland (SNP) có khả năng kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý mới riêng rẽ với Anh. Trong khi người Anh ủng hộ việc tách khỏi EU thì hầu hết người Scotland muốn ở lại.
"Điều quan trọng Scotland cần làm sẽ không bao giờ là rời khỏi EU", cựu lãnh đạo SNP Alex Salmond nói.
Thủ tướng Áo Christian Kern nhận định rằng cuộc bỏ phiếu của Anh sẽ không gây ra "hiệu ứng domino" với các quốc gia thành viên khác và Áo cũng sẽ không tổ chức cuộc trưng cầu tương tự.
Tuy nhiên ông dự đoán "châu Âu sẽ mất vị thế và sự quan trọng trên thế giới do bước đi của Anh và những tác động lâu dài về kinh tế sẽ còn diễn ra".
Reuters dẫn lời ông Donald Tusk, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC), cho biết trong một thông báo: "Chúng tôi thực tế muốn có một kết quả khác từ cuộc trưng cầu dân ý hôm qua. Tôi hoàn toàn hiểu mức độ nghiêm trọng liên quan đến chính trị và không thể dự đoán tất cả hậu quả chính trị do sự kiện này gây ra, đặc biệt là đối với Anh".
Tuy nhiên, theo ông Tusk, giờ không phải là lúc phù hợp để phản ứng kích động. "Tôi muốn trấn an mọi người rằng chúng tôi đã chuẩn bị cho kịch bản xấu này", ông Tusk cho biết thêm.
Ông Tusk trong hai ngày trước đó đã trao đổi với tất cả lãnh đạo EU, gồm thủ tướng, tổng thống và người đứng đầu các cơ quan thuộc EU, về khả năng Brexit, tức Anh rời khỏi EU.
"Hôm nay, đại diện cho 27 lãnh đạo, tôi có thể nói rằng chúng tôi quyết định giữ sự đoàn kết ở con số 27. Đối với chúng tôi, liên minh là khuôn khổ cho tương lai chung", thông báo viết.
'Cải cách hoặc chết'
Các giao dịch viên tại BGC, một công ty môi giới toàn cầu tại trung tâm tài chính Canary Wharf ở London trong phiên giao dịch hôm nay, sau khi nhận được kết quả trưng cầu. Ảnh: Reuters |
Trong khi đó, chủ tịch Nghị Viện châu Âu Martin Schulz tuyên bố cơ quan này tôn trọng kết quả ý nguyện của người dân Anh.
"Bây giờ là lúc để chúng ta cư xử thận trọng và có trách nhiệm. David Cameron có trách nhiệm với đất nước của ông ấy, chúng tôi có trách nhiệm với tương lai của EU. Các bạn có thể nhìn thấy những gì đang diễn ra với đồng bảng Anh trên thị trường. Tôi không muốn điều tương tự xảy ra với đồng euro", ông nói.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte khẳng định kết quả bỏ phiếu ở Anh là "không thể đảo ngược" và cho rằng nó sẽ thúc đẩy EU giải quyết những vấn đề bức xúc của các nước khác trong khối.
"Sự bất mãn mà các bạn thấy ở Anh cũng hiện diện ở các nước khác, trong đó có nước tôi", ông nói khi rời The Hague đến hội nghị của các lãnh đạo châu Âu tại Brussels. "Đây phải là một sự kích thích để gia tăng cải cách và phúc lợi nhiều hơn nữa".
Ông Rutte cho hay quá trình rút đi của Anh khỏi EU sẽ cần nhiều thời gian và phụ thuộc phần lớn vào việc chính phủ Anh phản hồi thế nào với kết quả trên.
"Đầu tiên, Anh phải quyết định xem khi nào họ muốn bắt đầu quá trình rút lui. Quá trình này có thể sẽ phải chờ đến sau cuộc bầu cử ở Đức năm tới", ông nói.
Ông Gerard Araud, đại sứ Pháp tại Mỹ, đồng quan điểm trên. "Bây giờ là lúc các nước thành viên khác cứu lấy EU khỏi sự tan vỡ ngăn cản hoạt động như bình thường, đặc biệt là tại Brussels. Cải cách hoặc là chết!".
Manfred Weber, lãnh đạo của nhóm lớn nhất trong Nghị viện châu Âu, cho hay các cuộc thỏa thuận về sự ra đi của Anh sẽ kéo dài tối đa là 2 năm và sẽ "không có sự đối xử đặc biệt nào".
Một quan chức Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Barack Obama đã được thông báo về diễn biến trên. Ông có thể sẽ trao đổi với Thủ tướng Cameron về vấn đề này vào ngày mai.
Xem thêm: Vì sao người Anh nằng nặc chia tay EU
Anh Ngọc
Phản ứng của thế giới khi Anh quyết định rời EU - VnExpress