Thế giới

Bản tuyên bố chung đoản mệnh về Biển Đông của ASEAN

Chỉ vài giờ sau khi ra tuyên bố chung kêu gọi tôn trọng luật pháp quốc tế trên Biển Đông, ASEAN đã quyết định rút lại văn kiện này.

ban-tuyen-bo-chung-doan-menh-ve-bien-dong-cua-asean

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và các ngoại trưởng ASEAN tại hội nghị. Ảnh: AFP

Ngày 14/6, các ngoại trưởng ASEAN trong một hội nghị với bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc ở Côn Minh, Vân Nam đã ra tuyên bố chung bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về căng thẳng đang gia tăng ở Biển Đông, thế nhưng màn thể hiện sự đoàn kết hiếm hoi của khối trước Bắc Kinh có vẻ như đã sụp đổ chỉ vài giờ sau đó, khi bản tuyên bố bị rút lại, theo WSJ.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Malaysia đã trao cho hãng AFP bản tuyên bố chung chứa đựng những lời lẽ mạnh mẽ, kêu gọi các bên tôn trọng luật pháp quốc tế trong giải quyết tranh chấp. Lời kêu gọi này được coi như một sự bác bỏ ngầm đối với tuyên bố Trung Quốc đưa ra về việc phớt lờ phán quyết "đường lưỡi bò" của tòa trọng tài quốc tế.

Trong tuyên bố chung này, các ngoại trưởng ASEAN còn cảnh báo rằng những hoạt động gần đây trên các khu vực tranh chấp ở Biển Đông – nơi Bắc Kinh đang bồi lấp, xây dựng trái phép nhiều đảo nhân tạo – đang làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và "có nguy cơ hủy hoại hòa bình, an ninh và ổn định" ở khu vực.

Các ngoại trưởng ASEAN không công khai chỉ trích Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng hay đề cập trực tiếp đến Tòa Trọng tài Thường trực (PCA), thay vào đó chỉ nêu quan điểm phản đối hoạt động "quân sự hóa" và cải tạo đất ở Biển Đông.

Tuyên bố chung này được đưa ra sau một cuộc "trao đổi thẳng thắn" – thuật ngữ mang nặng tính ngoại giao – giữa các ngoại trưởng của khối và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị ở thành phố Côn Minh.

Thế nhưng chỉ vài giờ sau đó, Malaysia cho hay Ban thư ký ASEAN đã quyết định rút lại bản tuyên bố. "Chúng tôi phải rút lại bản tuyên bố đã phát cho giới truyền thông, vì cần phải có những sửa đổi khẩn cấp", người phát ngôn bộ ngoại giao Malaysia nói. Người này giải thích rằng Ban thư ký ban đầu nhất trí công bố bản tuyên bố chung, nhưng sau đó thông báo với phía Malaysia là nó cần phải được thu hồi.

Phía Malaysia không đưa ra giải thích gì thêm cho hành động này, và cho đến sáng nay, khối ASEAN vẫn chưa công bố bản tuyên bố chung sửa đổi.

Một quan chức ngoại giao cấp cao của một nước thành viên ASEAN sau đó nói rằng khối đã quyết định sẽ không đưa ra tuyên bố chung sau hội nghị, và các quốc gia thành viên có thể đưa ra tuyên bố riêng nếu muốn. Trước khi bản tuyên bố chung bị rút lại, Singapore và Indonesia đã ra các tuyên bố riêng, lặp lại những điểm quan trọng trong tuyên bố chung.

Với việc hoạt động dựa trên nguyên tắc đồng thuận, ASEAN trước đây đã nhiều lần phải chật vật tìm tiếng nói chung trong các vấn đề liên quan đến tranh chấp Biển Đông. Một số thành viên của khối ủng hộ phản ứng cứng rắn hơn với Bắc Kinh, trong khi một vài nước khác không muốn động chạm đến đối tác kinh tế khổng lồ của họ. Những bất đồng này lên đến đỉnh điểm vào năm 2012, khi hội nghị các ngoại trưởng ASEAN diễn ra ở Campuchia lần đầu tiên trong lịch sử không ra được tuyên bố chung.

Chiến dịch vận động hành lang

Hội nghị ngoại trưởng ASEAN – Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang thực hiện một chiến dịch ngoại giao ráo riết để lôi kéo sự ủng hộ của các nước khác nhằm chống lại phán quyết sắp tới của PCA, theo bình luận viên Chun Han Wong của WSJ.

Hôm qua, Trung Quốc đã cảm ơn hơn 40 quốc gia mà nước này cho là ủng hộ lập trường của Bắc Kinh trong vụ kiện "đường lưỡi bò", trong đó có hai quốc gia châu Phi mới nhất là Sierra Leone và Kenya, đồng thời nói rằng các nước này đang "ủng hộ công lý", theo Reuters.

ban-tuyen-bo-chung-doan-menh-ve-bien-dong-cua-asean-1

Trung Quốc tiến hành các hoạt động cải tạo, bồi lấp đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông. Ảnh: CSIS

Gần đây, Mỹ và nhiều nước khác đã chỉ trích tuyên bố của Trung Quốc bác bỏ phán quyết do PCA đưa ra và cho rằng đây là hành động "phớt lờ luật biển quốc tế". Theo giới phân tích, bản tuyên bố chung thể hiện sự cương quyết, nhất quán của các quốc gia ASEAN có vẻ như đã bị lấn át bởi chiến dịch vận động hành lang này.

Thế nhưng khi được hỏi về bản tuyên bố chung "đoản mệnh", Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại tỏ ra bối rối trước "vũ điệu ngoại giao" này và nói rằng chưa có bất cứ văn kiện chính thức nào được ban hành. "Chúng tôi đã kiểm tra với phía ASEAN, và cái gọi là bản tuyên bố chung do AFP đưa ra không phải là văn kiện chính thức của ASEAN", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói.

Hội nghị ngoại trưởng ASEAN – Trung Quốc được phía Malaysia đề xuất tổ chức như một nền tảng để nói lên những quan ngại của khối đối với các diễn biến gần đây trên Biển Đông. Thế nhưng với các cuộc thảo luận căng thẳng, hội nghị đã diễn ra quá thời gian, buộc ban tổ chức phải lùi cuộc họp báo của Ngoại trưởng Vương Nghị xuống 5 giờ.

Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan, người đồng chủ trì hội nghị với ông Vương, đã không thể tham dự cuộc họp báo chung với ông Vương theo kế hoạch, do phải lên máy bay về nước cho kịp giờ, theo giải thích của phía Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Singapore chưa đưa ra bình luận nào về diễn biến này.

Theo giới phân tích, dù bị rút lại đột ngột, bản tuyên bố chung của ASEAN sau hội nghị không khác nhiều với những lời lẽ mà khối đưa ra trước đây, trong đó hối thúc đối thoại hòa bình và không trực tiếp chỉ trích Trung Quốc.

"Bản tuyên bố này vẫn là sản phẩm của hướng tiếp cận đồng thuận chung tối thiểu, nhằm tránh những cách diễn giải khác nhau", Aaron Connelly, chuyên gia về Đông Nam Á tại Viện Chính sách Quốc tế Lowy, nhận định.

"Việc bản tuyên bố không công khai đề cập thẩm quyền của PCA hay khuyến nghị Trung Quốc chấp nhận phán quyết mang tính ràng buộc của tòa án cho thấy sự đồng thuận chung tối thiểu của ASEAN vẫn còn tương đối thấp", Connelly nhấn mạnh.

Xem thêm: Malaysia nói ASEAN rút lại tuyên bố quan ngại về Biển Đông

Trí Dũng

VNExpress

Bản tuyên bố chung đoản mệnh về Biển Đông của ASEAN - VnExpress


© 2021 FAP
  3,763,655       3/1,103