Các chuyên gia quân sự Nga cho rằng các lá chắn tên lửa của Mỹ không thể đánh chặn tên lửa siêu vượt âm ở tầng khí quyển giữa.
Mô hình tên lửa siêu vượt âm Yu-71 của Nga. Ảnh: National Interest |
Cuộc cạnh tranh về sức mạnh của các hệ thống tên lửa giữa các cường quốc trên thế giới mà điển hình là Mỹ và Nga dường như sẽ không có hồi kết, khi mỗi bên đều nỗ lực tìm cách phát hiện điểm yếu, cũng như khắc phục bằng được nhược điểm của mình để chiếm lợi thế trước đối phương, theo Reseau international.
Kể từ sau Thế chiến 2, Mỹ đã duy trì một lực lượng quân sự mạnh trên khắp thế giới nhằm đảm bảo khả năng can dự vào các điểm nóng trên toàn cầu.
Trên biển, Mỹ thống trị các đại dương lớn, với hàng trăm chiến hạm có khả năng triển khai lực lượng lính thủy đánh bộ, xe thiết giáp, các phương tiện chiến tranh khác. Do vậy, các đơn vị hải quân Mỹ, với trung tâm là các tàu sân bay, xung quanh là tàu đổ bộ, đoàn hộ tống từ lâu được Nga coi là một nguy cơ lớn đối với an ninh nước này.
Các lực lượng này được nhiều hệ thống vũ khí hiện đại bảo vệ, trong đó, đặc biệt có các tàu khu trục Aegis, được trang bị tên lửa SM-3 có khả năng tiêu diệt tên lửa đạn đạo ở độ cao từ 100-150 km.
Hệ thống này vừa được Mỹ lần đầu triển khai trên bộ tại Romania và sắp tới là tại Ba Lan. Hệ thống phòng thủ thứ hai là THAAD (hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối), có tính cơ động cao và được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo ngay khi chúng đi vào khí quyển trái đất, ở độ cao khoảng 80-100 km.
Ở tầm thấp hơn, Mỹ có tên lửa Patriot, chuyên tiêu diệt tên lửa ở giai đoạn cuối của hành trình, tức ở độ cao khoảng 35 km.
Dựa trên phạm vi đánh chặn của các tên lửa thuộc các hệ thống phòng thủ này, các chuyên gia Nga đã phát hiện ra rằng lá chắn tên lửa của Mỹ không thể đánh chặn tên lửa ở tầng khí quyển giữa (từ 35-80 km). Chính vì thế Nga chủ trương xác định cách thức chống lại các lá chắn tên lửa đông đảo của Mỹ là sử dụng các phương tiện vũ khí có tốc độ siêu vượt âm hoạt động tại độ cao này.
Với tốc độ cực nhanh và khoảng cách tương đối gần, các tên lửa đánh chặn của Mỹ hầu như không thể phản ứng kịp.
Việc xếp loại các tên lửa được dựa trên tốc độ của chúng. Có các loại tên lửa bay chậm hơn tốc độ âm thanh, hay còn gọi là Mach 1 (khoảng 1.200 km/h), tên lửa siêu thanh với vận tốc từ Mach 1 đến Mach 5 (6.000 km/h) và tên lửa siêu vượt âm, tức tốc độ từ Mach 5 đến Mach 10 (12.000km/h).
Hệ thống tên lửa Iskander của Nga khai hỏa. Ảnh: Sputnik |
Để hiện thực hóa chiến lược này, Bộ Quốc phòng Nga đã đầu tư 2-5 tỷ USD cho một quỹ nghiên cứu tiên tiến (ARF), tương đương Trung tâm nghiên cứu công nghệ cao của quân đội Mỹ (DARPA), nhằm thiết kế các loại vũ khí siêu vượt âm, được bắt nguồn từ lửa vũ trụ Yu-71 (Dự án 4202). Từ năm 2013, tên lửa Yu-71 đã được Nga thử nghiệm gắn vào đưa các loại tên lửa chiến lược hạng nhẹ UR-100 và R-29RMU2.
Qua nhiều lần thử nghiệm, tên lửa Yu-71 đã chứng tỏ có khả năng bay với vận tốc 6.000 tới 11.200 km/h trên đoạn hành trình dài 5.500 km và ở độ cao trên 80 km. Tuy nhiên, khác với các loại tên lửa đạn đạo khác, đầu đạn Yu-71 sau khi tách khỏi tên lửa đẩy, có khả năng thay đổi quỹ đạo bay theo độ cao và hướng bay. Trong trường hợp này, Yu-71 sẽ hạ độ cao xuống dưới 80 km trước khi thực hiện hành trình hướng vào mục tiêu.
Bên cạnh đó, Nga cũng đang tích cực triển khai các hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander có tốc độ Mach 6 và quỹ đạo bay cũng phức tạp không kém Yu-71, nhưng có tầm bắn gần hơn. Phần lớn hành trình bay của Iskander được thực hiện ở độ cao 40 km, tức nằm trong khoảng trống sơ hở của lá chắn tên lửa Mỹ (35-80 km)
"Nếu các tên lửa chiến thuật có tốc độ siêu vượt âm như Iskander là lời đáp trả đối với các lá chắn của Mỹ ở Rumania và Ba Lan, thì tên lửa đạn đạo Yu-71 là biện pháp đối phó hữu hiệu với các hệ thống của nước này ở biển Baltic và Đại Tây Dương, thậm chí ở các địa điểm xa xôi hơn", Valentin Vasilescu, học viện không quân Bucharest, nhận định.
Xem thêm: Iskander - vũ khí có thể xuyên thủng lá chắn tên lửa Mỹ ở Romania.
Nguyễn Hoàng
Nga nhắm vào 'gót chân Asin' của lá chắn tên lửa Mỹ - VnExpress