Chuẩn đô đốc Michiel Hijmans cho rằng máy bay trinh sát săn ngầm P-3C Orion là loại khí tài tuần tra biển phù hợp nhất với Việt Nam hiện nay.
Chuẩn đô đốc Michiel Hijmans. Ảnh: NVCC |
Sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam, các nhà thầu quốc phòng Mỹ cho biết họ hy vọng sẽ bán được máy bay trinh sát săn ngầm tầm xa P-3C Orion cho Việt Nam. Chuẩn đô đốc Michiel Hijmans, cựu phó Phái đoàn quân sự Hà Lan tại NATO và EU, phụ trách Liên minh An ninh Hàng hải, Hà Lan, trao đổi với VnExpress về vấn đề này.
- Mới đây, một số hãng sản xuất vũ khí của Mỹ đánh tiếng rằng họ muốn bán máy bay trinh sát săn ngầm P-3C Orion cho Việt Nam. Ông nghĩ sao về điều này?
- Tôi cho rằng máy bay tuần thám săn ngầm P-3C Orion là một lựa chọn rất tốt cho Việt Nam để duy trì, bảo vệ an ninh trên Biển Đông, vì đây là một loại máy bay tuần tra tầm xa. P-3C có thể bay liên tục suốt 10-12 tiếng đồng hồ trên biển mà không cần tiếp thêm nhiên liệu, và có thể hoạt động trên một khu vực rất rộng.
Tôi cho rằng nếu sở hữu P-3C Orion, quân đội Việt Nam sẽ được tăng cường đáng kể khả năng nhận thức an ninh khi nắm bắt kịp thời những gì đang diễn ra trên không, trên biển, chụp ảnh để thu thập thông tin tình báo. Loại máy bay này có những hệ thống cảm biến, radar rất tốt, nên nó rất hữu hiệu khi thực hiện các hoạt động tuần tra trên biển.
- Hiện nay quân đội Mỹ đã thay thế P-3C Orion bằng máy bay trinh sát thế hệ mới P-8, và hầu hết P-3C của Mỹ đang được cất giữ tại một sa mạc. Những chiếc máy bay như vậy nếu về Việt Nam sẽ có hiệu suất hoạt động như thế nào?
- Quân đội Hà Lan chúng tôi cũng vận hành những chiếc P-3C Orion như vậy trong suốt nhiều năm, và chúng thường xuyên được bảo dưỡng, sửa chữa và nâng cấp. Sau một vài năm, nhà sản xuất lại thay thế các cảm biến mới, đôi khi họ còn thay thế cả động cơ máy bay, nhưng khung thân máy bay thì có thể hoạt động được trong thời gian rất dài mà không cần phải lo lắng nhiều.
Những chiếc P-3C của Mỹ dù đã cũ, nhưng nếu được bảo dưỡng, nâng cấp định kỳ, chúng vẫn rất phù hợp để tiến hành các hoạt động trinh sát, tuần tra trên biển.
- Chi phí cho các hoạt động nâng cấp này như thế nào thưa ông?
- Tất nhiên việc nâng cấp các loại vũ khí, khí tài hiện đại đều khá tốn kém, bởi vậy chúng ta chỉ nên nâng cấp, thay thế các hệ thống mới khi thật cần thiết.
Nếu mua P-3C của Mỹ, Việt Nam cần nghiên cứu kỹ để xem nên thay thế, nâng cấp những bộ phận nào. Chẳng hạn như nếu động cơ vẫn hoạt động tốt, các bạn nên giữ lại động cơ đó và tập trung vào các cảm biến và hệ thống máy tính trên máy bay.
Hãng Lookheed Martin nói rằng họ sẽ lắp đặt cánh mới và đuôi ngang mới cho những chiếc P-3C Orion nếu được bán cho Việt Nam. Tôi cho rằng với việc lắp đặt những bộ phận này, P-3C có thể tăng thời gian phục vụ lên đáng kể, có thể là tới 20 năm nữa.
Những nâng cấp này là cần thiết, và từ kinh nghiệm của mình, tôi cho rằng chiếc máy bay tuần thám mạnh mẽ này sẽ rất hữu ích cho Việt Nam và có thể sẽ hoạt động tốt trong thời gian dài.
Máy bay trinh sát săn ngầm P-3C Orion của quân đội Mỹ. Ảnh: US Navy |
- Cảm nhận của ông khi trực tiếp sử dụng loại máy bay tuần thám này?
- Hà Lan và một số quốc gia khác thuộc khối NATO cũng có những chiếc P-3C để thực hiện nhiệm vụ tuần tra trên biển trong khối. Điều đáng tiếc là gần đây, vì phải cắt giảm ngân sách quốc phòng, Hà Lan đã buộc phải bán số P-3C Orion này cho Đức và Tây Ban Nha.
Trong giai đoạn 2010-2011, tôi đã ngồi trên những chiếc P-3C này thực hiện các chuyến bay tuần tra trên Ấn Độ Dương để thực hiện các sứ mệnh chống cướp biển, và tôi nhận thấy đây là loại máy bay trinh sát rất tốt, rất hiệu quả trong việc thực hiện các hoạt động giám sát, trinh sát và kể cả chống ngầm.
- Phi công Việt Nam có thể được huấn luyện, làm chủ loại máy bay hiện đại này trong bao lâu?
- Tôi không rõ quy trình huấn luyện của các phi công quân sự Việt Nam, nhưng thông thường khi tiếp nhận một loại máy bay mới, nhất là loại hiện đại như P-3C Orion, họ sẽ phải mất một thời gian để làm quen với các hệ thống điều khiển, cảm biến, máy tính.
Các phi công Việt Nam vốn quen điều khiển các loại máy bay Nga, khác hoàn toàn với máy bay Mỹ và phương Tây, nên họ sẽ phải được huấn luyện lại, trang bị những kiến thức mới về loại máy bay mới.
Tuy nhiên tôi tin rằng với kỹ năng của mình, các phi công Việt Nam có thể nhanh chóng làm chủ loại khí tài hiện đại này, từ khoảng một năm rưỡi đến hai năm để lái thuần thục và sử dụng các hệ thống trinh sát, giám sát trên đó.
- Ông đánh giá gì về hệ thống vũ khí trên P-3C?
- Tôi nghĩ Việt Nam nếu mua P-3C thì chủ yếu phục vụ mục đích trinh sát, giám sát, tuần tra trên Biển Đông, nên các hệ thống vũ khí như ngư lôi săn ngầm, tên lửa diệt hạm trên máy bay này là chưa cần thiết, và nhiều khả năng Mỹ cũng sẽ lược bỏ hệ thống vũ khí này trên những chiếc máy bay bán cho Việt Nam.
P-3C còn được trang bị các hệ thống tự vệ, chẳng hạn như pháo sáng hoặc mồi bẫy nhiệt để đánh lạc hướng tên lửa đối phương. Tuy nhiên đây là các hệ thống tự động, được kích hoạt lập tức khi máy bay gặp nguy hiểm mà gần như không cần tới sự can thiệp của con người.
- Ngoài Mỹ, Việt Nam còn có thể mua được những hệ thống khí tài như vậy từ đâu?
- Các nước châu Âu cũng có một số loại máy bay tuần tra biển tầm xa khác, tuy nhiên theo tôi nghĩ, P-3C là loại máy bay phù hợp nhất, hiệu quả nhất với Việt Nam hiện nay.
Ngoài máy bay tuần tra biển, Việt Nam có thể xem xét mua sắm một số loại khí tài hiện đại khác của các nhà sản xuất châu Âu, chẳng hạn như radar giám sát bờ biển của Thales hay Terma. Đây là loại khí tài có chất lượng rất tốt nhưng lại không quá đắt đỏ mà Việt Nam có thể mua sắm dễ dàng từ các nước châu Âu.
Với những khí tài này, Việt Nam có thể giám sát chặt chẽ các diễn biến tình hình trên Biển Đông, theo dõi và nắm được các hoạt động bất thường, phục vụ cho công cuộc bảo vệ chủ quyền của mình.
Trí Dũng
Tướng NATO: Phi cơ P-3C phù hợp cho Việt Nam tuần tra biển - VnExpress