Thế giới

Sự lột xác của chiến thuật bộ binh thế kỷ 21

Công nghệ robot tự động và chiến thuật tác chiến theo tổ là những yếu tố làm nên sức mạnh bộ binh trong thế kỷ 21.

su-lot-xac-cua-chien-thuat-bo-binh-the-ky-21

Máy bay không người lái mẫu UAV MQ-5B của Mỹ. Ảnh: Sat News 

Trong lịch sử quân sự, hỏa lực hạng nặng ngày càng được biên chế xuống các cấp đơn vị thấp hơn trong quân đội, giúp các nhóm nhỏ bộ binh có thể kiểm soát được một khu vực rộng lớn, đồng thời tiêu diệt được lượng lớn sinh lực địch. Ngày nay, chỉ hai người lính trang bị súng máy của thế kỷ 20 có sức mạnh tác chiến tương đương một trung đoàn súng trường thế kỷ 19, theo Warontherocks.

Theo thời gian, những tiến bộ trong công nghệ robot, công nghệ thu nhỏ và quan trọng nhất là chiến thuật tác chiến kết hợp yếu tố con người và máy móc tiếp tục mang đến diện mạo mới cho bộ binh trong thế kỷ 21.

Jules Hurst, cựu chuyên gia phân tích tình báo quân đội Mỹ, đưa ra dẫn chứng về việc quân nổi dậy ở Syria đã bắt đầu sử dụng máy bay không người lái (UAV) ở cấp tổ bộ binh để chống lại quân chính phủ. Giá thành rẻ, nhỏ gọn và cơ động, các UAV này có thể mang theo theo vũ khí sát thương giúp quân nổi dậy dễ dàng tấn công các cứ điểm, lực lượng bộ binh hoặc xe tăng đối phương. 

Dựa vào chiến thuật tác chiến, quy mô xung đột, và thực tế sức mạnh của đối phương, các chỉ huy quân sự sẽ quyết định mức độ sử dụng UAV. Bất chấp điểm yếu là dễ bị gây nhiễu, những tiến bộ trong công nghệ robot sẽ giúp các UAV trong tương lai tự động tìm diệt mục tiêu và vô hiệu hóa các đòn tấn công điện tử của kẻ địch.

Việc Nga sử dụng UAV để trinh sát trên chiến trường Syria cho thấy máy móc đang dần thay thế nhiệm vụ của con người. Các trung đội bộ binh trong tương lai hoàn toàn có thể sử dụng một UAV liên tục theo dõi và sẵn sàng tấn công đối phương bằng các tên lửa dẫn đường chính xác, hoặc chỉ thị mục tiêu cho các lực lượng mặt đất thông qua các kênh thông tin liên lạc hiện đại.

Dưới mặt đất, các robot sinh học như Spot của công ty Boston Dynamic có thể đảm nhận các nhiệm vụ như vận chuyển vũ khí, nhiên liệu và lương thực băng qua các địa hình gồ ghề hiểm trở, giảm bớt gánh nặng cho các đơn vị tiếp tế đường không.

Dù vậy, theo Hurst, những tiến bộ công nghệ này không mang đến những khả năng mới cho bộ binh mà chỉ đơn thuần là tối ưu hóa sức mạnh hiện có. Với việc sử dụng UAV, các đơn vị cấp trung đội hiện nay hoàn toàn có được sức mạnh hỏa lực và khả năng được yểm trợ bằng đường không vốn chỉ được cung cấp cho các đơn vị cấp sư đoàn và lữ đoàn trước kia.

Bộ binh hiện đại muốn phát huy sức mạnh luôn hiệp đồng với thiết giáp, pháo binh và không quân, nhưng những hệ thống mới đang được phát triển sẽ cung cấp cho lực lượng này khả năng độc lập trong tác chiến trong khi vẫn duy trì và tăng cường được sức mạnh.

su-lot-xac-cua-chien-thuat-bo-binh-the-ky-21-1

Một robot sinh học của lục quân Mỹ. Ảnh: Warontherocks

Chiến thuật tổ bộ binh trong tương lai

Hầu hết các chiến thuật tấn công tổ bộ binh hiện nay đều dựa vào việc tận dụng ưu thế hỏa lực để cơ động chiếm lĩnh vị trí có lợi trước đối phương. Điểm yếu của chiến thuật này là lực lượng tiến công tiên phong gặp nguy hiểm khi phải nỗ lực tấn công thọc sườn hoặc tập hậu kẻ thù.

Trong trường hợp này, các robot sinh học có thể đảm nhiệm vai trò của xe tăng nhỏ, hứng chịu rủi ro thay cho bộ binh khi băng qua địa hình trống trải dưới làn hỏa lực địch. Trang bị vũ khí hạng nhẹ, các robot không biết sợ hãi này sẽ giúp tổ bộ binh tiến công chiếm lĩnh vị trí trước khi các lực lượng bạn phối hợp hiệp đồng tác chiến.

Trong lúc các robot mặt đất giúp tổ bộ binh nhanh chóng cơ động trên chiến trường, các đạn dẫn đường chính xác thu nhỏ (PGM) hoặc hỏa lực yểm trợ trên không của UAV sẽ tăng cường khả năng áp chế đối phương tốt hơn so với đạn súng cối. 

Hiện nay, hỏa lực yểm trợ chủ yếu của bộ binh Mỹ là khẩu cối 60 mm, chỉ được biên chế ở cấp đại đội. Các khẩu đội này không thể biên chế ở các cấp nhỏ hơn như trung đội bởi chúng chỉ phát huy tác dụng khi khai hỏa đồng loạt với số lượng lớn. Bên cạnh đó, độ chính xác trong tấn công không cao cũng là lý do khiến cối hạng nhẹ không được sử dụng trong cận chiến

Kích cỡ nhỏ của đạn PGM sẽ giúp UAV khắc phục nhược điểm của súng cối trong các nhiệm vụ yểm trợ. Việc biên chế UAV cho cấp trung đội hoặc cấp thấp hơn sẽ khiến việc chi viện hỏa lực hiệu quả hơn bao giờ hết.

Trong tác chiến đô thị, các UAV cỡ siêu nhỏ có khả năng thực hiện các nhiệm vụ tình báo, trinh sát và giám sát (ISR) sẽ giảm thiểu rủi ro cho bộ binh khi thực hiện các nhiệm vụ khó khăn như đột kích một tòa nhà.

Ngoài ra, lựu đạn thông minh điều khiển từ xa trang bị camera có thể giúp người lính tránh thương vong cho dân thường. Lựu đạn này sẽ không phát nổ nếu không có đối phương trong phòng. 

"Trong chiến tranh hiện đại ngày nay, đã đến lúc người lính cần được trang bị UAV, hệ thống PGM và các công nghệ tiên tiến khác để thử nghiệm trong thực chiến cấp tổ bộ binh. Từ đó để tìm ra các chiến thuật mới, khắc phục các điểm hạn chế và nhân rộng ra cấp trung đội, đại đội cho đến cấp lữ đoàn", Hurst nhấn mạnh.

Xem thêm: Iskander - vũ khí có thể xuyên thủng lá chắn tên lửa Mỹ ở Romania.

Duy Sơn

VNExpress

Sự lột xác của chiến thuật bộ binh thế kỷ 21 - VnExpress


© 2021 FAP
  3,953,071       3/910