Thế giới

Những người ruột thịt 60 năm mới gặp một lần

Bà Ri Jong Sil, người Triều Tiên, khắc khoải hỏi chị gái người Hàn Quốc trong cuộc gặp hôm qua, rằng sao chị không nhận ra bà. Họ không gặp nhau kể từ năm 1953 và có thể lại sắp chia ly mãi mãi.

Cuộc đoàn tụ hôm qua diễn ra quá muộn đối với bà Seo Jeong-suk, người mới qua đời ở Hàn Quốc ở tuổi 90. Con gái bà, Kim Yong-ja, 68 tuổi, nức nở đưa cho người chị ruột thất lạc từ lâu bức ảnh bà Seo. Bà Kim Yong Sil ôm chặt tấm ảnh vào ngực. "Đây là ảnh của mẹ", bà nói.  

Đối với một số gia đình khác, tuổi già và bệnh tật không ngăn cản được cuộc đoàn tụ, nhưng khiến người trong cuộc vừa mừng vừa tủi. "Chị, sao chị không nghe thấy em?", bà Ri Jong Sil, 84 tuổi, người Triều Tiên, hỏi bà Lee Yong-sil, 87 tuổi. Người chị cao tuổi gặp khó khăn trong việc nhận biết mọi người vì bệnh Alzheimer. 

Nước mắt chảy trên gương mặt nhăn nheo của bà Ri, khi con gái bà Lee bắt đầu khóc nức. "Mẹ, đấy là dì của con. Đó là dì con. Dì là em gái mẹ", người con gái nói với bà Lee. 

Sự khác biệt trong họ của hai chị em là một hệ quả của cuộc chia cắt bán đảo Triều Tiên. Hai người có cùng một họ trong tiếng Hàn/Triều, nhưng mỗi nước sử dụng luật đánh vần tiếng Anh khác nhau cho một họ nhất định. 

Ông Ri Chol Ho, 77 tuổi và  Triều Tiên, sử dụng một tấm giấy để giao tiếp với anh trai Lee Myeong-ho, 81 tuổi, từ Hàn Quốc, người có vấn đề về thị giác. "Mẹ từng nói với em rằng anh sẽ trở về nhà và mua cho em một đôi giày cao su", ông Ri viết lên giấy và đưa cho anh trai. 

Khoảng 80 người Hàn Quốc hôm qua cùng gia đình đi qua vùng biên giới đầy giá tuyết để gặp lại những người con, anh, chị em, những hôn phu, hôn thê và những người thân khác tại khu nghỉ dưỡng trên núi Kumgang, Triều Tiên. Seoul trước đó cho hay khoảng 180 người Triều Tiên dự kiến tham gia.

Những người cao tuổi này chỉ là một nhóm nhỏ may mắn. Hàng triệu người phải xa lìa những người thân yêu do tình trạng hỗn loạn và đổ máu trong cuộc chiến tranh 1950-1953. Trong giai đoạn trước khi tái lập liên lạc giữa hai miền, khoảng 22.000 người Hàn-Triều có những cuộc đoàn tụ ngắn, trong đó có 18.000 người được gặp mặt ngoài đời, còn những người khác gặp qua video. Không ai có cơ hội đoàn tụ lần hai, Seoul cho biết. 

Đây là lần đầu tiên hai nước tổ chức đoàn tụ thân nhân từ năm 2010. Các cuộc đoàn tụ gia đình là một bằng chứng cho thấy 60 năm hiềm khích, hiểu lầm, đe dọa và thỉnh thoảng cả những vụ nã pháo, đường biên giới được vũ trang dày đặc nhất thế giới đang chia cắt một dân tộc.

Các cuộc đoàn tụ lần này được chia làm hai lượt. Lượt hôm qua kết thúc vào ngày mai. Một nhóm thứ hai gồm 360 người Hàn Quốc dự kiến đến khu nghỉ dưỡng trên núi để gặp 88 người cao tuổi Triều Tiên. Lượt đoàn tụ hai sẽ kết thúc vào đầu tuần tới. 

Ông Kang Neung-hwan, 93 tuổi, thông qua quá trình nộp đơn mà nhận ra ông để lại một đứa con trai khi rời Triều Tiên trong chiến tranh. Ông Kang Jong Kuk, nay 64 tuổi, lúc đó vẫn còn trong bụng mẹ, và cha ông không hay biết bà có thai. Khi hai người gặp nhau hôm qua, người cha nói đùa nhẹ nhàng. "Con trông già quá", ông nói với con. "Lại đây ôm cha nào". 

Trọng Giáp (Theo AP, Video: Reuters)

VNExpress

Những người ruột thịt 60 năm mới gặp một lần - VnExpress


© 2021 FAP
  3,687,428       2/1,295