Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) cho biết việc Bắc Kinh tăng chi tiêu quân sự có thể khiến các nước láng giềng tăng đầu tư cho quốc phòng, nhưng Trung Quốc vẫn cần vài thập kỷ nữa để là một siêu cường quân sự như Mỹ.
Tàu khu trục Yancheng của Hải quân Trung Quốc tại cảng nhà ở Thanh Đảo, trước khi đến Vịnh Aden và Somalia. Trung Quốc là nước đứng đầu châu Á về chi tiêu quốc phòng trong năm 2013. Ảnh: AFP |
Chi tiêu quân sự của châu Á trong năm 2013 tăng 11,6% so với năm 2010, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế có trụ sở tại London, Anh, đưa ra báo cáo trên hôm qua, trong nghiên cứu thường niên về năng lực và chi tiêu quân sự toàn cầu.
Đông Á là khu vực chi tiêu tăng nhiều nhất. Ba quốc gia vùng này là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc chiếm hơn một nửa ngân sách quân sự của cả châu lục.
Trung Quốc chi tiêu gấp ba lần Ấn Độ và nhiều hơn Nhật Bản, Hàn Quốc, đảo Đài Loan và Việt Nam cộng lại, AFP dẫn báo cáo viết.
"Điều này đang thúc đẩy cuộc chạy đua về chi tiêu quân sự trong một khu vực vốn tồn tại nhiều tranh chấp về lãnh thổ cũng như nhiều điểm nóng tiềm ẩn lâu dài", Tổng giám đốc IISS John Chipman nói.
Christian Le Miere, chuyên gia về hải quân và an ninh hàng hải, nói: "Tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải chắc chắn sẽ thúc đẩy cuộc chạy đua về chi tiêu quân sự. Khi các nước ngày càng tập trung vào vấn đề an ninh ở châu Á, về lý thuyết họ sẽ càng chi tiêu nhiều trước những lo ngại về căng thẳng do Trung Quốc tạo ra".
Ông nói thêm rằng cách tuyên bố chủ quyền hàng hải của Trung Quốc là "quản lý tranh chấp thay vì giải quyết tranh chấp".
Theo IISS, căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã tăng lên đáng kể và hai nước cần các cuộc tham vấn quân sự để giảm thiểu nguy cơ xung đột hay khủng hoảng chiến lược.
Tương quan Trung - Mỹ
Các chuyên gia của IISS cũng dự đoán rằng Trung Quốc sẽ đuổi kịp chi tiêu quốc phòng của Mỹ vào những năm 2030. Tuy nhiên, năng lực, sức mạnh và khả năng triển khai lực lượng thì còn cần nhiều năm để theo kịp Mỹ. Ngoài ra, các nước phương Tây vẫn duy trì năng lực mạnh với những lực lượng nhỏ hơn, khiến mốc thời gian này có thể còn xa hơn nữa.
Giri Rajendran, trợ lý nghiên cứu về quốc phòng và kinh tế, nói rằng nếu Trung Quốc có thể duy trì tỷ lệ tăng trưởng kinh tế hiện tại thì nước này sẽ bắt kịp chi tiêu của Mỹ vào "giữa và cuối thập niên 30". "Nhưng ngay cả nếu bắt kịp chi tiêu vào cuối những năm 2030, thì Trung Quốc cũng phải mất 20-30 năm nữa mới đạt được thế cân bằng về quân sự", ông nói.
Chi tiêu quốc phòng của Mỹ dẫn đầu thế giới và bỏ xa các nước khác với ngân sách 600,4 tỷ USD trong năm 2013. Các nước xếp sau lần lượt là Trung Quốc (112,2 tỷ USD) và Nga (68,2 tỷ). Nhật Bản đứng thứ 7 với 51 tỷ USD, Ấn Độ thứ 9 với 36,3 tỷ, Hàn Quốc thứ 11 với 31,8 tỷ.
Tuy nhiên, theo chuyên gia về chiến tranh trên bộ Ben Barry, sức mạnh quân sự của Trung Quốc "không nên bị coi là hoàn toàn tiêu cực". Nước này đã đóng vai trò ngày một lớn trong lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc và tham gia mạnh mẽ vào hoạt động chống cướp biển ở Ấn Độ Dương.
Vũ Hà
Trung Quốc dẫn đầu cuộc đua vũ trang châu Á - VnExpress