Khi diễn thuyết công khai, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố việc Trung Quốc ngày càng mạnh mẽ đòi hỏi trong tranh chấp chủ quyền và Triều Tiên theo đuổi hạt nhân là các mối lo ngại lớn nhất về an ninh.
Nhưng trong hậu trường, qua các cuộc phỏng vấn của hãng Reuters với các cố vấn của ông Abe, chính trị gia và chuyên gia an ninh, thì có một sự thực khác, đó là Nhật có một mối lo ngày càng lớn: một ngày kia Mỹ sẽ không thể hoặc không muốn bảo vệ Nhật Bản. Mối lo này trở thành động lực cho chương trình tăng sức mạnh hải quân và không quân của Nhật, song hành cùng quá trình nới lỏng dần các quy định cấm hành động quân sự được quy định trong hiến pháp Nhật Bản.
Nỗ lực củng cố quốc phòng của Nhật diễn ra trong bối cảnh đối thủ chính của nước này là Trung Quốc duy trì mức tăng chi tiêu quốc phòng ở mức hai con số suốt nhiều năm liền. Triều Tiên, quốc gia sở hữu tên lửa có thể bắn tới Nhật Bản, luôn có các biểu hiện thất thường và tiếp tục theo đuổi tham vọng vũ khí hạt nhân bất chấp các lệnh cấm của quốc tế.
"Nếu anh là một chiến lược gia hoặc là nhà hoạch định kế sách với đồng minh, anh phải sẵn sàng chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất", một cựu quan chức ngoại giao rất thân thiết với ông Abe nói, khi đề cập đến mối lo ngại rằng sức mạnh quân sự và độ sẵn sàng của người Mỹ giảm đi.
"Chúng tôi cần phải bàn bạc về các nhiệm vụ và trọng trách, cả về các loại vũ khí mà chúng tôi đang có và chưa có", ông nói thêm.
Thủy quân lục chiến Mỹ và binh sĩ lực lượng phòng vệ Nhật Bản trong một cuộc tập trận giả định chiếm đảo ở California, Mỹ, tháng 2/2013. Ảnh: Kyodo/Reuters |
Những chính trị gia Nhật theo đường lối bảo thủ như ông Abe từ lâu đã mong muốn có sự tự chủ hơn nữa trong quan hệ với Mỹ, tuy nhiên không một ai tiến xa tới mức cho rằng Nhật - nước đang là chủ nhà của 50.000 lính đồn trú Mỹ - sẽ tự tách ra đứng một mình.
"Liên minh Nhật - Mỹ là liên minh quan trọng nhất và sẽ không thay đổi", Yosuke Isozaki, cố vấn an ninh quốc gia cho ông Abe, nói. "Nhưng Nhật Bản sẽ trưởng thành hơn, trở thành một quốc gia bình thường".
Nhật Bản thậm chí đã bắt đầu nghiên cứu xem có nên tăng năng lực quân sự đến mức có thể tấn công phủ đầu vào các căn cứ của đối phương hay không, mặc dù triển vọng này vừa đắt đỏ vừa gây tranh cãi gay gắt và vẫn xa vời.
Bên cạnh tăng năng lực quốc phòng, Nhật đang tìm kiếm các mối quan hệ an ninh thân thiết hơn với các nước Đông Nam Á, Ấn Độ, Australia và cả Nga để đề phòng trường hợp sự hỗ trợ quân sự từ Mỹ bị suy giảm.
Trong khi đó Washington liên tục trấn an Tokyo rằng liên minh quân sự keo sơn suốt 6 thập niên qua là vững chắc.
"Liên minh Mỹ - Nhật là hòn đá tảng đối với an ninh và thịnh vượng của khu vực", một quan chức quốc phòng kỳ cựu của Mỹ nói. "Chính phủ Mỹ cam kết tăng cường mối liên minh Mỹ - Nhật và thực thi mọi nghĩa vụ được quy định trong hiệp ước an ninh".
Bất chấp những lời cam kết, thậm chí cả quyết định của Tổng thống Mỹ Obama về việc tái cân bằng chiến lược tới châu Á Thái bình dương, Tokyo vẫn lo ngại không biết Washington có duy trì mong muốn và năng lực để bảo vệ Nhật Bản. Điều này xuất phát từ nhận thức ở Nhật rằng vị thế siêu cường của Mỹ đang suy giảm trong khi sức ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng lớn, và mối giao thương Mỹ - Trung ngày càng tăng về độ lớn và tầm quan trọng.
Các nhà ngoại giao Nhật Bản hy vọng rằng chuyến thăm tháng 4 tới của ông Obama sẽ làm dịu đi mối lo này, và là cơ hội để Obama tỏ rõ với Trung Quốc - nước đang tranh chấp gay gắt với Nhật về chủ quyền biển đảo - rằng Washington đứng về bên nào.
Chuyến thăm của Obama "là cơ hội cực kỳ quan trọng để Mỹ thể hiện tầm nhìn về vai trò mà Mỹ sẽ đảm nhiệm", đại sứ Nhật tại Washington Kenichiro Sasae phát biểu trong một hội nghị gần đây. "Chúng tôi muốn Mỹ làm rõ ai là bạn và đồng minh, ai là kẻ gây rối hoặc có nguy cơ trở thành kẻ gây rối".
Sửa lại hiến pháp
Mỹ không đứng về bên nào trong tranh chấp giữa Nhật và Trung Quốc về các đảo trên biển Hoa Đông, nhưng Mỹ công nhận quyền quản lý hiện hữu của Nhật đối với các đảo, và khẳng định các đảo này nằm trong phạm vi của hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật, và Mỹ có trách nhiệm bảo vệ đồng minh.
Mối lo ngại về sự yếu đi trong quan hệ liên minh là một trong các lý do dẫn đến chủ trương của ông Abe, người thừa hưởng quan điểm bảo thủ từ ông ngoại là Nobusuke Kishi vốn luôn mong muốn có mối quan hệ cân bằng hơn với Mỹ.
Ông Kishi là một thành viên nội các Nhật thời trước Thế chiến II, từng bị giam nhưng không bị kết tội phạm chiến tranh, trở thành thủ tướng Nhật năm 1957 và từ chức ba năm sau đó do một vấn đề liên quan đến hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật.
Abe muốn hoàn thành giấc mơ của ông ngoại, đó là viết lại bản hiến pháp mà người Mỹ đã soạn. Các chính trị gia theo đường lối bảo thủ cho rằng văn bản này hạn chế khả năng phòng vệ của Nhật. Trong ngắn hạn, ông Abe muốn nới lỏng các điều ràng buộc đó bằng cách diễn giải lại các quy định.
Thủ tướng Abe trong một lẫn phát biểu về chính sách. Ảnh: Reuters. |
"Trước thực tế là Obama đang cắt giảm ngân sách quốc phòng, gặp rắc rối trong điều hành quốc nội, bị phân tán bởi khủng hoảng Trung Đông, thì chủ trương của Abe ngày càng được tín nhiệm", Michael Green, chủ tịch Ban nghiên cứu Nhật Bản tại Viện Chiến lược và Quốc tế Washington, nhận xét. "Abe ủng hộ Mỹ nhưng ông ấy cũng chủ trương để Nhật Bản có sự tự chủ lớn hơn".
Mối quan hệ Nhật - Mỹ gặp khó hồi tháng 12, khi ông Abe tới thăm ngôi đền thờ người Nhật chết trong chiến tranh, đền Yasukuni. Chuyến thăm khiến quan hệ giữa Nhật với Trung Quốc và Hàn Quốc xấu đi nghiêm trọng do hai nước này coi ngôi đền là biểu tượng cho chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản, từng khiến hàng triệu người châu Á bỏ mạng.
Mỹ đã ra một thông cáo hiếm hoi, lấy làm "thất vọng" với chuyến thăm và lo ngại việc này có thể dẫn đến xung đột quân sự giữa Nhật và Trung Quốc.
Một số chính trị gia Nhật thể hiện sự bất bình một cách rõ rệt.
"Mỹ nói rằng họ thất vọng, nhưng thay vì quan tâm đến cảm xúc của người Trung Quốc, họ nên nhạy cảm hơn với cảm xúc của đồng minh Nhật Bản", trợ lý của ông Abe trong đảng Dân chủ Tự do Seiichi Eto nói. "Chúng tôi mới chính là những người nên thất vọng".
Năng lực tấn công phủ đầu?
Nhật và Mỹ đã bắt đầu xét lại các quy định về hợp tác phòng thủ. Washington từ lâu khuyến khích Nhật đảm nhận vai trò lớn hơn nữa trong việc chia sẻ gánh nặng về an ninh, và các nhà làm chính sách ở Tokyo hy vọng rằng, nếu làm được việc này, họ sẽ đảm bảo sự hỗ trợ chắc chắn của Mỹ.
Liệu Nhật Bản có thể đi xa đến đâu trong việc đề cao vai trò quân sự trong liên minh với Mỹ, điều đó phụ thuộc vào khả năng của ông Abe trong việc chấm dứt các quy định tự hạn chế trong phòng thủ chung và trợ giúp đồng minh trong trường hợp đồng minh bị tấn công.
Thay đổi cách diễn giải hiến pháp đã tồn tại nhiều thập kỷ nay về việc cho phép Nhật thực hiện quyền tự vệ tập thể "sẽ giúp làm sâu sắc thêm quan hệ liên minh Nhật - Mỹ vốn mang nặng tính một chiều như hiện nay", cố vấn Isozaki nói.
Thủ tướng Abe ủng hộ các thay đổi theo hướng này, và một ban cố vấn của ông đang hy vọng có thể trình bày bản kiến nghị trước tháng 4. Một số cố vấn cho rằng Nhật không chỉ nên hỗ trợ Mỹ mà cả các quốc gia có chung lợi ích chiến lược với Nhật. Tuy nhiên, đảng thiểu số trong liên minh cầm quyền - New Komeito - với quan điểm ôn hòa hơn, lo ngại trước bất kỳ thay đổi nào.
Vấn đề quan hệ liên minh Mỹ - Nhật còn làm nảy sinh những lời kêu gọi Nhật xây dựng khả năng tấn công phủ đầu. Nhật từ lâu nay hoàn toàn dựa vào Mỹ trong việc răn đe trước các mối đe dọa từ Trung Quốc và Triều Tiên, tướng Nakatani, cựu bộ trưởng quốc phòng và hiện là phó tổng thư ký của LDP, nhận xét.
"Nếu anh nghĩ đến tình huống người Mỹ rút đi, chúng ta phải xem xét để có đủ khả năng đánh trả, bởi chúng ta không chỉ ngồi im đó mà chờ chết".
Tuy nhiên, với ý định thay đổi các quy định về phòng thủ chung, ông Abe không cần đánh cuộc để đi xa đến mức chấp nhận một quan điểm có thể bị Trung Quốc coi là gây hấn và Mỹ coi là không đáng hoan nghênh như thế. Theo ông Kyouji Yanagisawa, quan chức quốc phòng kỳ cựu của Nhật, việc nói đến khả năng tấn công phủ đầu sẽ làm thay đổi bản chất liên minh hiện nay, trong đó Nhật giống như lá chắn và Mỹ như thanh gươm. Xây dựng khả năng phủ đầu cũng là điều hết sức tốn kém, đòi hỏi tên lửa hành trình, máy bay tấn công, hệ thống vệ tinh và thậm chí cả lực lượng đặc nhiệm có thể xâm nhập lãnh thổ đối phương.
"Tôi nghĩ chính phủ đang cân nhắc việc đó", cựu ngoại trưởng Seiji Maehara, nhà lập pháp có tư tưởng cứng rắn và ủng hộ chủ trương của thủ tướng Abe, nói. "Nhưng vấn đề đòi hỏi khá cao về tài chính, và tôi không nghĩ là Nhật có tiền cho việc này".
Ánh Dương (theo Reuters)
Đằng sau quyết tâm tăng sức mạnh quân sự của Nhật - VnExpress