Dù đang sống và làm việc tại Việt Nam hay chỉ ghé thăm Việt Nam vào dịp tết nguyên đán, họ đều đang đón chờ, trải nghiệm cái Tết đầy ý nghĩa tại đây.
Những chàng rể ngoại
Đây là năm thứ tư Mariusz người Ba Lan ăn tết Việt Nam. Tết đầu tiên, anh ở Sài Gòn với bạn bè, nhưng kể từ cái tết thứ hai, anh thường về Phan Rí ăn tết với gia đình vợ. Và với anh, kể từ khi được về nhà ba mẹ vợ ăn tết, anh mới thực sự hiểu và yêu thích cái tết của người Việt Nam.
Làm việc ở Sài Gòn, vợ chồng anh về ăn tết với ba mẹ vợ 1 tuần từ ngày 28 tết. “Tôi phải về giúp mẹ vợ chuẩn bị đồ nấu ăn. Năm nào cũng thế, nhiệm vụ của tôi là làm và vắt măng để làm món vịt nấu măng. Được tham gia chuẩn bị đồ ăn đón tết với gia đình là điều rất ý nghĩa với tôi. Nó ấm áp, thân thiện và giúp tôi gần gũi với gia đình nhà ngoại dù chưa thể giao tiếp bằng ngôn ngữ”.
Mariusz lì xì cho các cháu nhỏ trong gia đình vợ ở Phan Rí. |
Với Mariusz, tết ở Sài Gòn là sự trang trí, đèn điện, pháo hoa, đi uống vài ly bia với bạn bè. Anh chỉ cảm nhận sâu sắc về không khí và ý nghĩa thực sự của tết cổ truyền Việt khi về quê vợ ăn tết. “Đó là sự xum họp gia đình thực sự. Ở Sài Gòn thì đẹp, nhưng chỉ thế thôi, còn ở quê thì ấm áp, thân thiện, vui vẻ với nhiều việc làm như đi viếng nghĩa trang, cúng cơm, chúc tết lúc giao thừa hoặc đầu năm mới, đi thăm họ hàng và đôi khi đi chơi cùng đại gia đình", anh chia sẻ.
"Tôi nhớ nụ cười của anh em đánh bài ngày đầu năm, dù thua hay thắng, ai cũng vui vẻ. Rồi những đứa bé háo hức chờ người lớn lì xì. Đây là truyền thống đáng yêu, khác với hình ảnh những đứa trẻ châu Âu tìm quà dưới gốc cây Noel vào dịp giáng sinh và năm mới. Năm nay, con tôi cũng bắt đầu biết nhận lì xì, tôi chờ đợi chứng kiến cậu khi nhận những phong bì đỏ đó”, Mariusz nói thêm.
Iliya người Nigeria và Johnny người Ấn Độ cũng là hai chàng rể ngoại quốc đã đón gần chục cái tết Việt. Cả hai khẳng định, tết là thời gian rảnh rỗi để họ gặp gỡ bạn bè người Việt, tụ tập với cộng đồng, ăn uống, nói chuyện, tán gẫu về công việc đã làm trong năm cũ, chia sẻ những kế hoạch trong năm mới. Năm nay, các anh lên kế hoạch đưa gia đình đi du lịch ở Đà Lạt và Nha Trang.
Trong khi nhiều chàng rể ngoại đã sẵn sàng bên gia đình Việt đón xuân, thì anh chàng người Mỹ David lại bận rộn tại Chợ hoa công viên 23/9. Hai vợ chồng anh từ Bạc Liêu lên Sài Gòn, mang theo mớ sản phẩm bằng tre thủ công giới thiệu tại chợ hoa. Yêu đất nước và con người Việt Nam, David từ California đến Việt Nam nửa năm nay và đây là cái tết Việt đầu tiên anh trải nghiệm.
Quầy hàng của vợ chồng anh bán những sản phẩm trang trí gồm những chiếc rổ, rá, dế để nồi cơm nhỏ xíu, các mô hình thu nhỏ của những dụng cụ đánh bắt tôm cá của người dân miền tây nằm lọt thỏm giữa chợ hoa. Khách đi tới đi lui nhưng ít người quan tâm nhiều đến mặt hàng mà vợ chồng anh bày bán trừ vài du khách nước ngoài.
Vợ chồng anh muốn giới thiệu mặt hàng và cố gắng duy trì làm những sản phẩm này vì không muốn nghề thủ công đan lát truyền thống của Việt Nam mai một. Tuy nhiên, chọn vị trí chợ hoa bày bán mặt hàng này có lẽ là sai lầm vì rất ít người chú ý do họ đến đây chủ yếu để mua hoa kiểng về trưng tết. Thậm chí khách cũng không nhiều vì tình hình kinh tế khó khăn. “30 tết chúng tôi mới về lại Bạc Liêu. Đây là cái tết mà tôi hiểu và thông cảm cho tâm trạng của những người bán đồ trang trí tết ở chợ này”, David cho hay.
Những người thân quen với cuộc sống Việt
Chị Sadhna và những món ăn Việt. |
Gần 30 năm nay, cứ gần tết, chị Sadhna lại mua hoa mai về trưng và mua thực phẩm để nấu những món ăn Việt, cùng gia đình người Ấn của chị đón tết cổ truyền Việt. Là người am hiểu văn hóa Việt chị chia sẻ bằng tiếng Việt: “Tết Việt, ăn đồ Việt là ngon nhất. Nhà tôi ai cũng thích ăn bánh chưng và bánh tét. Tôi cũng tự nấu một số món Việt cho cả nhà như gỏi tôm cá, các món cua, bánh xèo, canh chua, bánh hỏi, sườn nướng”.
Chị là người chứng kiến sự đổi thay của Sài Gòn trong những dịp tết nhiều năm qua. “Khi tôi mới đến, Sài Gòn ít người và ít đồ nhập khẩu. Người dân đón tết rất đơn giản, chủ yếu là tận hưởng thời gian nghỉ ngơi, cùng người thân, bạn bè đón năm mới. Mọi người chở nhau trên những chiếc xe đạp, đến thăm nhà và chúc tết nhau. Không khí đó ấm áp và gần gũi. Khoảng chục năm nay, không khí tết thay đổi nhiều. Nhà cửa cao tầng mọc lên, đường phố giăng mắc nhiều đèn, hoa và người dân ra đường vui chơi nhiều hơn. Gia đình tôi cũng thường đi ra đường phố, ngắm đường hoa, xem pháo bông. Chúng tôi đặt bàn ở những nhà hàng trên cao của các khách sạn cùng gia đình ăn uống, đón giao thừa”.
Trong khi đó, nếu đến đường hoa Nguyễn Huệ xuân này, bạn sẽ gặp họa sĩ người Ý Valentina ngồi ký tặng độc giả cho cuốn sách Cánh buồm đỏ thắm của văn hào người Nga được dịch ra tiếng Việt và do bà vẽ tranh bìa. Mới đến Việt Nam được sáu tháng, Valentina trải qua cái tết Việt đầu tiên bằng việc chứng kiến hàng ngàn người đổ về đường hoa du xuân trong những ngày tết. Và sự yêu thích đọc sách của những bạn trẻ Việt khi họ đến thăm đường sách vào mỗi dịp xuân về. Cô đã quyết định ở lại Việt Nam làm việc, vì bị sự năng động của thành phố này thu hút.
Du khách đến Việt Nam dịp tết
Anna và Hana, hai du khách người Anh, quyết định đến Việt Nam vào dịp tết nguyên đán. Lang thang đường phố Sài Gòn những ngày giáp tết, hai cô gái ngoài 20 tuổi rất tâm đắc cơ hội được tận hưởng những giây phút người dân tất bật chuẩn bị đón năm con ngựa: “Chúng tôi đi dọc những con đường ở khu trung tâm, đến đường hoa, chợ hoa. Thành phố rực rỡ đèn hoa trang trí, các gia đình đưa trẻ em đi chơi xuân. Người dân chạy xe máy trên đường, chở những chậu hoa, chậu trái cây, những món quà gói giấy màu. Mọi thứ nhộn nhịp và rất khác với London khi đón năm mới. Chúng tôi sẽ đón giao thừa tại Nha Trang, thực sự rất háo hức trải nghiệm những nét truyền thống Việt đầu năm mới”.
Một nhóm bạn già người Đức thì tụ tập tại Sài Gòn những ngày giáp tết, ngồi uống bia và ngắm phố phường. Họ từ Đức, Úc, Thái Lan cùng đến Sài Gòn thăm 2 người bạn đang sống và làm việc tại Việt Nam. Ông Jack khoe bạn mình những tấm hình ông chụp được sau một ngày đi thăm thành phố như cảnh cô gái Việt mặc áo dài chụp hình bên những khóm hoa xuân; biểu tượng ngựa của năm giáp ngọ; những ông đồ ngồi viết thư pháp ở đường sách, đường hoa, thưởng thức trà Việt…
Trả lời cho câu hỏi tại sao lại chọn Sài Gòn để gặp mặt, tất cả đồng ý một lý do rất đơn giản: thời tiết tại Sài Gòn ấm áp, người dân thân thiện, và ở đây họ tìm thấy những nét truyền thống, những đặc sản Việt đặc sắc độc đáo mà chỉ có vào mỗi dịp tết nguyên đán.
Nhóm khách người Đức hội ngộ tại Sài Gòn. |
Kim Dung
Tết Nguyên đán qua cảm nhận của người nước ngoài - VnExpress