Thế giới

Lãnh đạo biểu tình dọa bắt thủ tướng Thái

Người biểu tình Thái Lan hôm nay phong tỏa tòa nhà chính phủ và đe dọa sẽ đóng cửa chính phủ trong vài ngày tới, nếu không được thì sẽ bắt giữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra cùng các bộ trưởng.

suthep-1646-1389690010.jpg

Lãnh đạo biểu tình Suthep Thaugsuban phát biểu trước những người ủng hộ ở Bangkok. Ảnh: AP

Hàng nghìn người tuần hành bên ngoài những tòa nhà chính phủ, ngăn không cho các công chức của các bộ, cục hải quan, cơ quan kế hoạch và Ngân hàng Trung ương Thái Lan tới công sở, nhằm gây áp lực để Thủ tướng Yingluck từ chức. Một số người biểu tình cũng đe dọa đóng cửa thị trường chứng khoán, trong khi các giao lộ chính ở thủ đô vẫn bị chặn.

"Trong hai hoặc ba ngày tới, chúng ta phải đóng cửa chính phủ", Reuters dẫn lời lãnh đạo phong trào biểu tình Suthep Thaugsuban nói với đám đông. "Nếu không được, chúng ta sẽ bắt thủ tướng và các bộ trưởng. Chúng ta sẽ bắt đầu cắt điện nước ở nhà của họ. Tôi khuyên họ hãy sơ tán con cái của mình".

Một nhóm sinh viên liên minh với Hội đồng Cải cách Dân chủ Nhân dân (PDRC) của ông Suthep còn đe dọa tấn công sở giao dịch chứng khoán. Nhóm sinh viên này cho rằng thị trường chứng khoán là hiện thân của "hệ thống tư bản xấu xa trải thảm cho Thaksin trở thành tỷ phú".

Tuy nhiên, phát ngôn viên của PDRC, Akanat Promphan cho biết thị trường chứng khoán không phải mục tiêu của họ.

"Chúng tôi sẽ không bao vây những nơi phục vụ lợi ích công cộng gồm sân bay, nhà ga hay sở giao dịch chứng khoán. Nhưng chúng tôi sẽ chặn đường vào các tòa nhà chính phủ để chính phủ phải ngừng hoạt động", Akanat nói.

Mặc dù tình hình khá ổn định và không khí biểu tình của hàng chục nghìn người giống như lễ hội, nhưng các nhà phân tích cho rằng khả năng về một giải pháp hòa bình để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị ở đây ngày càng thu hẹp.

"Khi những người biểu tình chống chính phủ tăng cường hoạt động, nguy cơ về bạo lực lan rộng trên đất nước ngày càng tăng và càng nghiêm trọng", báo cáo của Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế (ICG) nhận định.

Việc gián đoạn hoạt động của chính phủ là một vấn đề lớn nữa mà bà Yingluck phải đối mặt sau khi đã phải giải tán quốc hội từ tháng 12 và kêu gọi cuộc bầu cử vào tháng 2 tới. Bà Yingluck đang làm việc từ một cơ sở của Bộ Quốc phòng ở ngoại ô Bangkok và điều hành một chính quyền lâm thời với quyền lực hạn chế.

Bà vừa lên tiếng mời các lãnh đạo biểu tình và các chính đảng tới thảo luận về khả năng hoãn bầu cử tới tháng 5 nhưng bị từ chối. Ông Suthep nói không có hứng thú với bầu cử, ông muốn chính phủ được thay thế bởi "hội đồng nhân dân", thay đổi hệ thống bầu cử để làm suy yếu các thế lực của cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra

"Thỏa thuận hoãn cuộc bầu cử có thể giúp kéo dài thời gian để đàm phán nhưng chỉ là giải pháp tạm thời chứ không toàn diện, không thể trở thành thỏa thuận lâu dài cho trật tự chính trị trong tương lai", ICG viết. "Thái Lan đang có sự phân cực nghiêm trọng và triển vọng đạt được thỏa thuận là rất nhỏ".

Tổ chức này cho rằng nếu tình hình tiếp tục diễn biến căng thẳng, cơ quan tư pháp hoặc quân đội sẽ phải vào cuộc dù đã cố gắng giữ thái độ trung lập và từ chối đứng về phe nào. Quân đội Thái Lan từng tổ chức 18 lần đảo chính hoặc can thiệp vào chính trường trong 81 năm tồn tại của nền dân chủ nước này. 

Video người biểu tình Thái quyết đóng cửa thủ đô

Vũ Hà (Video: Reuters)

VNExpress

Lãnh đạo biểu tình dọa bắt thủ tướng Thái - VnExpress


© 2021 FAP
  3,028,335       13/622