Thế giới

Các tàu mắc kẹt ở Nam Cực thoát khỏi băng

Hai con tàu của Nga và Trung Quốc hôm nay hoàn toàn thoát khỏi lớp băng dày ở Nam Cực sau nhiều ngày mắc kẹt ở đây.

tuyet-long-7088-1389107130.jpg

Tàu Tuyết Long của Trung Quốc bơi trong vùng biển thoáng hôm nay sau khi thoát khỏi lớp băng dày. Ảnh: Xinhua

Tàu nghiên cứu của Nga Akademik Shokalskiy, bị kẹt tại vùng biển Nam Cực từ Giáng sinh năm ngoái, di chuyển chậm qua vết nứt của lớp băng, hãng tin ITAR-TASS dẫn lời thuyền trưởng Igor Kiselyov cho hay.

"Cuối cùng, gió cũng chuyển sang hướng tây và một vết nứt xuất hiện trên băng. Chúng tôi đi theo rãnh nứt đó và di chuyển chầm chậm về phía bắc", thuyền trưởng tàu Nga nói.

Tàu phá băng Tuyết Long của Trung Quốc, đến để giải cứu tàu và hành khách Nga nhưng sau bị mắc kẹt, cũng đã "thoát ra khỏi băng và di chuyển vào vùng biển thoáng", phóng viên hãng thông tấn Xinhua đưa tin từ trên tàu.

Đài truyền hình trung ương của nước này cho biết tàu Tuyết Long đã nỗ lực phá băng trong 14 giờ đồng hồ và đến được vùng biển thoáng vào 10h00 GMT (17h giờ Hà Nội).

Tuy nhiên, thuyền trưởng của các tàu xác nhận việc di chuyển vẫn đang rất khó khăn vì sương mù dày đặc và tầm nhìn chưa đầy 500 m.

Trực thăng của Tuyết Long hôm 2/1 đã sơ tán thành công 52 hành khách từ tàu du lịch Nga Akademik Shokalskiy đến một tàu tiếp vận Australia.

Akademik Shokalskiy bị mắc kẹt trong băng ở châu Nam Cực từ hôm 24/12. 52 người, gồm các hành khách, bao gồm nhà khoa học, phóng viên, khách du lịch, dự kiến có mặt ở Australia trong hai tuần tới.

Tuy nhiên, sau đó, chính con tàu phá băng của Trung Quốc lại trở thành nạn nhân của băng Nam Cực. Nỗ lực tự giải thoát hôm 4/1 của nó không thành. Có 101 người trên tàu Tuyết Long, trong khi 22 thủy thủ vẫn chôn chân trên tàu Shokalskiy.

Băng bao quanh Tuyết Long dày đến 4 m và vùng biển thoáng gần nhất cách nó đến 21 km. Tuy nhiên, con tàu, với nhiều tiện ích như phòng tập thể hình, rạp phim và bàn bóng bàn, vẫn có đủ lương thực đến tận tháng 4 và đủ nước sạch đến tháng sau.

Trong những ngày qua, Tuyết Long đã chuẩn bị cho khả năng giải thoát khỏi băng bằng cách làm nóng động cơ và tạo ra một con kênh dài một km, được mô tả là "một đường phá băng".

Polar Star, tàu phá băng lớn của lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ, đã lên đường đến châu Nam Cực để giải cứu hai tàu trên và dự kiến có mặt ở đây vào ngày 12/1 tới. Polar Star có khả năng liên tục phá băng với độ dày 1,8 m trong khi di chuyển với vận tốc 3 hải lý mỗi giờ. Nó cũng có thể phá băng dày hơn 6 mét bằng cách đâm qua.

Vũ Hà - Anh Ngọc

VNExpress

Các tàu mắc kẹt ở Nam Cực thoát khỏi băng - VnExpress


© 2021 FAP
  3,034,657       1/658