Sức khỏe

3 phương pháp phát hiện sớm ung thư vú

Tự khám tại nhà, khám chuyên khoa thường xuyên và chụp X-quang định kỳ để phát hiện sớm ung thư vú.

Giáo sư Nguyễn Bá Đức, Nguyên giám đốc Bệnh viện K trung ương, Phó chủ tịch Hội phòng chống ung thư Việt Nam cho biết, ung thư vú thuộc nhóm những bệnh ung thư có thể phát hiện được sớm. Ung thư là bệnh có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Ngược lại, khi phát hiện bệnh ở các giai đoạn muộn, điều trị tốn kém, ít hiệu quả, chủ yếu chỉ có thể kéo dài và giảm nhẹ triệu chứng bệnh.

Vì vậy, phát hiện ung thư vú ở giai đoạn sớm vô cùng quan trọng, là cơ hội may mắn cho bất cứ ai để chữa khỏi bệnh. 

Tự khám tại nhà

Tự khám vú là phương pháp đơn giản, không tốn kém và nếu được thực hiện đúng có thể giúp người bệnh phát hiện sớm các khối u ở vú, được điều trị sớm. Phương pháp tự khám vú được khuyến cáo tiến hành hằng tháng sau khi sạch kinh 5 ngày đối với phụ nữ từ 20 tuổi trở lên. 

Các bước tiến hành theo thứ tự được mô tả như sau:

Đầu tiên, chị em nên chọn nơi tiến hành tự khám vú kín đáo, tạo không gian thoải mái, tốt nhất ở buồng ngủ hoặc ở buồng tắm, có đầy đủ ánh sáng, có thể ngồi trên ghế hoặc đứng rồi khám theo các bước sau:

Các bước tự khám vú tại nhà.

Các bước tự khám vú tại nhà.

Bước 1: Đứng xuôi tay, quan sát xem có các thay đổi ở vú như: u cục, dầy lên, lõm da hoặc thay đổi màu sắc da...

Bước 2: Đưa tay ra sau gáy, sau đó quan sát lại.

Bước 3: Chống tay lên hông làm cử động cơ ngực lên xuống bằng động tác nâng vai lên hoặc hạ vai xuống. Động tác này làm rõ hơn các thay đổi ở vú (nếu có).

Bước 4: Sờ nắn 

Nặn nhẹ đầu vú xem có dịch chảy ra hay không?

Đưa tay phải ra sau gáy. Dùng tay trái sờ nắn vú phải, 4 ngón tay đặt sát vào nhau thành một mặt phẳng, ép đều đặn lên các vùng khác nhau của tuyến vú vào thành ngực theo hướng vòng xoáy ốc từ đầu vú ra phía ngoài.

Nên nhớ kiểm tra từng vùng của vú và cả về phía hố nách và làm tương tự với vú bên kia.

Bước 5: Chuyển sang tư thế nằm ngửa thoải mái. Sau đó, đặt một gối mỏng ở dưới lưng bên khám và lặp lại quá trình khám như ở tư thế đứng. Khám xong một bên cần chuyển gối, làm lại các bước cho bên vú còn lại.

Trong quá trình khám, chị em cần lưu ý những dấu hiệu cảnh báo bệnh ung thư vú như: 

Thấy khối u, cục không đau ở ngực; 

Thường xuyên bị ngứa và rát quanh núm vú; 

Núm vú bị rỉ máu, tiết dịch khác thường hoặc thụt vào, co lại;

Làn da trên vú bị sần da cam và dày lên hoặc bị lún xuống, có nếp gấp;

Có hạch ở hố nách.

Giáo sư Nguyễn Bá Đức cho biết, khi một phụ nữ có những dấu hiệu trên, chưa hẳn đã là ung thư vú, nhưng cần đến khám tại cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và chẩn đoán chính xác.

khi một phụ nữ có những dấu hiệu trên, chưa hẳn đã là ung thư vú, nhưng cần đến khám tại cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và chẩn đoán chính xác.

Nếu có những dấu hiệu bất thường, chị em cần đến khám tại cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và chẩn đoán chính xác. (Ảnh minh họa).

Khám vú tại cơ sở y tế chuyên khoa

Theo Giáo sư Nguyễn Bá Đức, phụ nữ từ 30 tuổi trở lên, nên định kỳ đến khám vú tại các cơ sở y tế chuyên khoa từ 1 đến 3 năm một lần. Đối với phụ nữ từ 40 tuổi trở lên, cần định kỳ đến khám mỗi năm một lần. Khi phát hiện được khối u vú, có hạch nghi ngờ, bác sĩ sẽ  tiến hành các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán xác định.

Chụp X-quang tuyến vú 

Phụ nữ từ 40 tuổi trở lên cần định kỳ đi chụp X-quang tuyến vú, đồng thời với khám vú tại cơ sở y tế. Chụp X-quang tuyến vú có thể phát hiện các tổn thương bất thường ở tuyến vú ngay cả khi chưa sờ thấy khối u.

Đối với những phụ nữ có nguy cơ cao như đã từng xạ trị vùng ngực, gia đình có người bị ung thư vú hoặc ung thư buồng trứng, mang gen hoặc mắc một số hội chứng di truyền, hoặc bản thân bị u vú đã điều trị thì cần đi khám sớm hơn và theo lịch cụ thể tùy từng trường hợp. 

Nha Trang 

VNExpress

ung thư vú, ung thư ở nữ giới, Sống như những đóa hoa vươn về phía mặt trời, Genk STF


© 2021 FAP
  2,266,246       1/1,132