Thể thao

Bài 2: Thất bại?

Ngoài tấm HCV điền kinh (nhảy xa) của Bùi Thị Thu Thảo, Asiad 18 có thể coi là thất bại nặng nề đối với các VĐV của 8 môn được đầu tư trọng tâm, trọng điểm của thể thao Việt Nam (TTVN). Có ít nhất 6 niềm hy vọng vàng rơi rụng, thậm chí còn không có được HCĐ.

TIN LIÊN QUAN

Thạch Kim Tuấn không thể giúp đoàn thể thao Việt Nam có huy chương vàng tại Asiad 18.
Thạch Kim Tuấn không thể giúp đoàn thể thao Việt Nam có huy chương vàng tại Asiad 18.

Một lần nữa nhà vô địch Olympic, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh lại vô duyên với Asiad, thậm chí anh còn không vượt qua vòng loại (chỉ đứng thứ 9/14) ở nội dung sở trường 10m súng ngắn từng đăng quang ở Rio 2016. Nhà vô địch châu Á xe đạp đường trường nữ Nguyễn Thị Thật, từng được Liên đoàn Xe đạp thế giới mời đích danh tập huấn 5 tháng tại Thụy Sĩ trước thềm Asiad, không những không bảo vệ được tấm HCB tại Incheon 2014 mà còn trắng tay khi chỉ về thứ 5. Đương kim HCV wushu thương thuật - kiếm thuật, người hùng từng cứu cho TTVN khỏi kỳ Asiad trắng HCV 4 năm trước, Dương Thúy Vi chỉ giành HCĐ. Hy vọng đổi màu huy chương của nhà vô địch thế giới 2017 Thạch Kim Tuấn khi hạng cân 56kg nam của cử tạ không có sự góp mặt của VĐV Trung Quốc cũng bất thành, một lần nữa anh thất bại trước đối thủ quen thuộc Om Yun Chol của Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, thậm chí còn không vượt qua được thành tích của chính mình. Đội tuyển quyền taekwondo tuy mang về chiếc huy chương đầu tiên cho đoàn TTVN tại Asiad 18 (HCĐ đồng đội nam) nhưng niềm hy vọng vàng ở đồng đội nữ, từng nhiều lần vô địch thế giới, sớm bị loại từ tứ kết. Rồi những Lê Thanh Tùng (thể dục dụng cụ), Nguyễn Thị Ngoan (karate), Trương Thị Kim Tuyền (taekwondo) cũng đều trắng tay.

Không phải là niềm hy vọng vàng nhưng thất bại gây sốc nhất thuộc về Nguyễn Thị Ánh Viên - nữ kình ngư 4 năm liên tiếp là VĐV xuất sắc nhất của TTVN. Quyết tâm đổi màu huy chương ở nội dung sở trường bơi 400m hỗn hợp, nhưng Ánh Viên không chỉ mất HCĐ mà còn hoàn toàn sa sút phong độ khi kém xa kết quả của chính mình 4 năm trước ở Incheon. Thành tích VĐV đoạt HCB là Kim Seo Yeong (Hàn Quốc) chỉ là 4’38”63, trong khi Ánh Viên từng đạt 4’36”, nhưng tại Indonesia cô phải bơi mất 4’42”81, chỉ về thứ 5. Ở nội dung 200m hỗn hợp sau đó còn tệ hơn, Ánh Viên chỉ đứng thứ 11/19 VĐV ở đợt bơi vòng loại, không được vào chung kết.

Ngoài ra, những môn được xem là thế mạnh của Việt Nam như: taekwondo, karatedo, wushu, bắn súng, cầu mây…đều có thành tích quá kém so với khả năng. Điệp khúc “áp lực tâm lý” từ sự kỳ vọng một lần nữa lại được đưa ra để giải thích cho nguyên nhân của những thất bại. Nhưng đã là VĐV chuyên nghiệp, thi đấu ở đấu trường đỉnh cao như Asiad, VĐV quốc gia nào chẳng phải chịu sức ép thành tích?

                                              Đông Kha

Bài 3: Nguyên nhân và hướng đến tương lai

Đồng Nai

© 2021 FAP
  989,417       4/853