Thể thao

Bài 1: Thành công

Xem lễ đón và vinh danh rình rang, hoành tráng, được cầu truyền hình trực tiếp suốt 5 tiếng đồng hồ từ khi các VĐV đặt chân xuống sân bay Nội Bài, những ai không theo dõi Asiad 18 những tưởng thể thao Việt Nam (TTVN) vừa có một kỳ Á vận hội thành công rực rỡ, đã vào tốp 5, tốp 10 châu Á (!) Sự thực có phải vậy? Cần có những đánh giá thẳng thắn, cái nhìn chuẩn xác về những thành công và thất bại của TTVN tại Jakarta-Palembang vừa qua để hướng tới Hàng Châu 2022 hay trước mắt là Olympic Tokyo 2 năm tới.

Bùi Thu Thảo
Bùi Thu Thảo đã làm nên lịch sử khi mang về tấm HCV điền kinh đầu tiên cho thể thao Việt Nam tại đấu trường Asiad

Hẳn rồi, 4 HCV, 16 HCB, 18 HCĐ là thành tích tốt nhất trong lịch sử tham dự Asiad của TTVN. So với Busan 2002, kỳ Asian Games mà Việt Nam cũng có con số HCV cao nhất 4 chiếc, tuy kém 2 bậc trên bảng tổng sắp chung cuộc (hạng 17 so với 15) nhưng số HCB và HCĐ đều vượt đến 11 chiếc. Đây là bước tiến lớn so với 2 kỳ Asiad thất bại gần đây tại Incheon 2014 và Quảng Châu 2010 chỉ có 1 HCV, là thành quả của chiến lược chuyển hướng đầu tư trọng điểm. Ở đấu trường Đông Nam Á, chúng ta cũng vượt mặt Myanmar, Philippines, Singapore để đứng thứ 4.

Không chỉ vượt chỉ tiêu tối thiểu 3 HCV mà mục tiêu đề ra phải có “vàng” ở môn Olympic cũng xuất sắc hoàn thành, không chỉ 1 mà đến 2 ngôi vô địch. Trong đó HCV nhảy xa nữ của Bùi Thị Thu Thảo là dấu ấn lịch sử bởi đây là lần đầu tiên điền kinh - môn thể thao cơ bản số 1 của Olympic - có vàng Asiad, sau chiếc HCB và đồng đầu tiên của Vũ Thị Hương và Trương Thanh Hằng tại Quảng Châu 2010. Đua thuyền rowing đổi màu vàng HC có phần do đối thủ duy nhất mà chúng ta không thể vượt qua trong nội dung chèo 4 nữ ở 2 kỳ Asiad trước là Trung Quốc bị cấm thi đấu vì doping, nhưng là vô cùng quý giá khi là chiếc HCV đầu tiên, giải cơn khát vàng, cất đi gánh nặng tâm lý cho toàn đoàn.

2 HCV còn lại giúp TTVN hoàn thành chỉ tiêu, tuy thuộc về pencak silat, môn thi “đặc sản” của nước chủ nhà, nhưng cũng rất ý nghĩa trong bối cảnh Indonesia quyết “tận thu”, thâu tóm đến 14/16 ngôi vô địch.

Có những tấm HCB, HCĐ quý như vàng, bởi hoàn toàn vượt ngoài mong đợi. Nếu HCĐ của kình ngư 18 tuổi Nguyễn Huy Hoàng ở nội dung bơi 800m tự do là bất ngờ thì tấm HCB lịch sử đầu tiên của bơi lội Việt Nam - môn thể thao cơ bản số 2 của Olympic, mà VĐV này giành được ở cự ly 1.500m là thành công vượt bậc. Thậm chí tay bơi trẻ Việt Nam chưa từng được đầu tư tập huấn ở nước ngoài này có thời điểm còn vượt mặt nhà vô địch, kỷ lục gia thế giới, Olympic, đoạt 9 HCV Asiad Sun Yang của Trung Quốc (cao gần 2m). Không chỉ trở thành VĐV bơi Việt Nam đầu tiên đoạt HCB Á vận hội, Huy Hoàng còn phá sâu kỷ lục SEA Games của chính mình lập năm ngoái và là tay bơi nam đầu tiên đạt chuẩn A Olympic.

Đó còn là tấm HCB chạy 400m rào nữ của Quách Thị Lan với thành tích phá kỷ lục quốc gia và chỉ kém kỷ lục Asiad mới của HCV Oluwakemi, VĐV gốc Nigeria nhập tịch Qatar chưa đầy 1 giây. Hay tấm HCĐ danh giá cũng của điền kinh ở nội dung tiếp sức 4x400m nữ mà 4 cô gái Việt Nam bỏ xa Thái Lan vượt mặt cả Nhật Bản, Trung Quốc, chỉ về sau Ấn Độ và Bahrain (sử dụng các VĐV gốc châu Phi nhập tịch).

Thành tích gây nức lòng vào bán kết của bóng đá nam cũng là thành tích không trông đợi. Đội tuyển bóng chuyền nam tuy không thành công nhưng ghi điểm sáng với chiến thắng bất ngờ trước Trung Quốc…

Kỳ sau: Thất bại

Đông Kha

Đồng Nai

© 2021 FAP
  1,162,594       1/601