Thể thao

World Cup 2018: Bóng đá thời "công nghiệp 4.0"

Đây là kỳ World Cup đầy cạm bẫy. Với quán tính tình cảm, nhiều người hâm mộ không khỏi thất vọng khi các tên tuổi lớn được yêu mến, các ngôi sao được thần tượng lần lượt bị rơi rụng.

Ngay nhà vô địch cũng chưa chinh phục hoàn toàn khi không mang đến những cảm xúc thăng hoa, ngây ngất. Rất nhiều những chiến thắng, các đội vào sâu theo kiểu “kéo cưa lừa xẻ, ông thợ nào khỏe…”. Tuy nhiên, dưới góc độ chuyên môn World Cup 2018 đánh dấu nhiều sự thay đổi lớn, từ sơ đồ chiến thuật, hệ thống hóa, cách thức tổ chức lối chơi.

Bỉ (trái) đánh bại tuyển Anh 2-0 ở trận tranh hạng ba World Cup 2018.
Bỉ (trái) đánh bại tuyển Anh 2-0 ở trận tranh hạng ba World Cup 2018.

* Khai tử tiki-taka và bóng đá duy mỹ

Đức và Tây Ban Nha là 2 đội chơi kiểm soát bóng giỏi nhất nhưng cũng là những ứng viên đầu tiên bị loại, thậm chí không qua được vòng bảng. Điều đó cho thấy, chiến thuật đã có sự chuyển biến rất lớn. Rất nhiều trận đấu mà chiến thắng cuối cùng không phải thuộc về đội có thời lượng kiểm soát bóng nhiều hơn, thực hiện nhiều đường chuyền (và chính xác) hơn. Yếu tố quyết định ở đây là tiếp cận cầu môn đối phương một cách nhanh nhất và tận dụng thời cơ hiệu quả nhất. Việc luân chuyển bóng chậm, khiến yếu tố bất ngờ qua đi và khi hàng phòng ngự đối phương đã được tổ chức lại, rất khó để có được bàn thắng.

Cùng với tiki-taka sự lãng mạn, duy mỹ cũng “chết” theo, bóng đá hiệu quả đến thực dụng lên ngôi. Từ đội tuyển nổi tiếng hào hoa, lối chơi của Pháp bị Hazard chỉ trích “phản bóng đá”. Còn chất Samba của Brasil thực chất đã phai nhạt cả chục năm qua. Nhưng trên sân cỏ nước Nga dở thua đã đành mà hay cũng thua, chỉ có “biết” mới thắng. Công thức của “biết” ở đây là tài năng + chiến thuật + gan lì và một chút ranh mãnh. Tỷ lệ bàn thắng từ tình huống bóng chết rất cao, thay vì những pha dàn xếp, phối hợp đẹp mắt hay ngẫu hứng đột phá cá nhân là một minh chứng. Đã qua rồi thời 1 đội bóng có thể lấy công bù thủ, hay trông chờ vào 1 ngôi sao một mình có thể xoay chuyển tình thế. Bóng đá thời “công nghiệp 4.0” thực sự là môn chơi tập thể, chứ không phụ thuộc vào các cá nhân như trước đây nữa.  

* Cách mạng trong phòng ngự

Trong tốp 8 của giải hầu hết đều là những đội có hàng thủ vững chắc và có sự cân bằng giữa phòng ngự với tấn công. Khả năng phòng ngự là điều kiện tiên quyết để thành công. Tổ chức phòng ngự kín kẽ và rình rập, phản công đã trở thành một xu thế ở World Cup năm nay.

Tuy nhiên, việc tổ chức và xây dựng lối chơi phòng ngự trong xu thế mới của bóng đá hiện đại không hẳn là phòng thủ số đông hoặc đeo bám một kèm một. Hàng phòng thủ của các đội giờ được xây dựng nhiều tầng, nhiều lớp, phong tỏa theo khu vực với sự tham gia của cả những cầu thủ ở tuyến trên (kỳ tích á quân châu Á của U.23 Việt Nam cũng chính từ cách chơi này). Nhưng cuộc cách mạng thực sự ở đây là sự chuyển đổi trạng thái. Khả năng và tốc độ chuyển đổi từ phòng ngự sang tấn công và ngược lại là cú đấm quyết định. Khi đối phương mất bóng là cú phản đòn chớp nhoáng chỉ 2, 3 đường chuyền (bàn thắng Mexico hạ gục Đức), thậm chí đợt phản công có thể bắt đầu từ cú phát bóng nhanh từ thủ môn (bàn mở tỷ số của Morocco vào lưới Tây Ban Nha). Ngược lại, khâu phòng ngự được bắt đầu từ tiền đạo chơi cao nhất, tìm cách giành lại bóng nhanh nhất có thể.

Nói thì đơn giản nhưng để có thể thực hiện đòi hỏi cầu thủ phải có nền tảng thể lực cực tốt cùng ý thức chiến thuật đóng góp vào lối chơi chung, sự hy sinh cái “tôi” cho “chúng ta”, nhưng đồng thời mỗi đội bóng cũng cần phải có một “cầu thủ - bộ não” với tốc độ tư duy cao. World Cup 2018 là nơi tôn vinh những cầu thủ ngôi sao có lối chơi đồng đội như Modric.

Hài lòng hay không, tốt hơn hay xấu đi, người ta cũng không cưỡng lại được xu thế mà chỉ có thể chờ đợi cuộc “cách mạng 5.0”. Với một xu thế mới ra đời hoặc cũng có thể sẽ là quay về cái cũ, thời bóng đá lãng mạn, hồn nhiên duy mỹ.

Đông Kha

Đồng Nai

© 2021 FAP
  1,005,714       3/955