PN - Học sinh Trung Quốc đã phát triển kỹ năng “đặc biệt” trong việc chế tạo những thiết bị có thể giúp gian lận ở các kỳ thi tuyển đại học, cũng như để trở thành James Bond trong phòng thi.
Vài tuần trước kỳ thi tuyển đại học ở Trung Quốc (TQ) (diễn ra cuối tuần qua), cảnh sát nước này đã công bố với giới truyền thông những thiết bị mà họ tịch thu được từ các thí sinh.
Theo thông tin từ cảnh sát, những thiết bị gian lận thi cử này được sinh viên trường đại học Thành Đô chế tạo. Trên 40 thí sinh, hầu hết quê ở Thượng Hải đã bị bắt quả tang. Đáng nói là các thiết bị đều có hình dạng hệt như những đồ dùng người ta sử dụng hằng ngày.
Trong số các thiết bị thu giữ được, có những camera mini gắn trong viết và kính đeo trên mắt cùng tai nghe không dây tí hon. Thiết bị này có thể gửi tín hiệu ra ngoài phòng thi, thu nhận thông tin từ bên ngoài gửi vào để trợ giúp thí sinh làm bài. Ngay cả chiếc áo sơ mi đơn giản mà thí sinh mặc trên người cũng có thể trở thành thiết bị thu nhận thông tin, phục vụ mục đích gian lận.
“Gian lận trong thi cử có ở mọi quốc gia, nhưng việc này lan tràn đến mức không thể kiểm soát ở TQ”, giáo sư Yong Zhao, Chủ tịch Trường đại học Oregon (Mỹ), từng nói. “Điều này không bao giờ kết thúc trong môi trường giáo dục ở TQ ngày trước cũng như hiện nay”, ông Zhao khẳng định.
Cảnh sát TQ giới thiệu các thiết bị dùng cho việc gian lận trong phòng thi. Ảnh: ChinaNews.com
Hiện nay, giới trẻ TQ xem việc gian lận trong thi cử là... bình thường, không gian lận mới là chuyện lạ. Trong một cuộc tuần hành phản đối việc gian lận ở kỳ thi tuyển đại học năm rồi, người ta nghe được tiếng hô lớn, xem như tuyên ngôn của sinh viên: “Chúng tôi muốn công bằng, nhưng sẽ không có công bằng nếu chúng tôi không được phép gian lận”. Thế đấy, gian lận đã trở thành một “chuẩn mực” trong chuyện học hành và thi cử ở TQ.
Trở thành vấn nạn lớn trong xã hội TQ, việc thi cử ngày càng ám ảnh khủng khiếp với cả chính quyền, phụ huynh lẫn học sinh. Sức ép ngày càng cao trong việc tìm được một chỗ ở giảng đường đại học khiến mọi người làm mọi cách để đạt được mục đích, dù đó là những việc ngoài khuôn khổ luật pháp. Ông Zhao lý giải: “Đối với nhiều người, việc vào đại học là cách duy nhất để con họ có thể bước vào một giai cấp khác, cao hơn thế hệ của họ hiện nay”.
Nhiều học sinh cuối cấp đã phải sống cuộc đời như tù khổ sai suốt năm để có thể đáp ứng kỳ vọng của bố mẹ. “Tôi chỉ có từ ba đến năm phút để ăn tối trước khi bước vào lớp học thêm”, Sun Yaijian nói về thời gian ôn thi đại học của mình. Cậu vừa học xong trung học tại trường Hengshui, một trong những trường trung học nổi tiếng nhất nước. Năm rồi, có 104 học sinh trường Hengshui đậu vào hai trường đại học danh giá nhất TQ. Năm nay, có hơn 4.000 học sinh trường Hengshui thi vào hai trường đại học này. Như vậy, nếu đạt như năm rồi thì tỷ lệ chọi của học sinh trường Hengshui sẽ là 1/40. Chỉ những học sinh thật sự ưu tú mới vượt qua được tỷ lệ này, nên không ít học sinh nghĩ đến chuyện gian lận, với sự đồng tình của bố mẹ.
Kỳ thi đại học năm nay có đến gần 9,4 triệu thí sinh tham gia. Đối với họ, từ giờ cho đến khi tốt nghiệp đại học là một chặng đường dài đầy bất trắc. Chưa kể, khi đã tốt nghiệp, tìm được việc làm tương xứng cũng là điều không dễ. Nhưng biết làm sao khi đậu đại học là mệnh lệnh mà các bậc cha mẹ ở TQ đặt ra cho con mình. Không đủ năng lực thì tìm bất cứ cách cũng được, kể cả gian lận.
THIỆN NGA (Theo New York Times)
Trung Quốc, thi đại học, gian lận, Thành Đô, Thượng Hải