PNO – Saudi Arabia vừa cho phép phụ nữ làm nhân viên cứu thương sau cái chết của nữ sinh viên trong khuôn viên trường đại học vì không được cứu chữa kịp thời.
Ảnh minh họa: news.com.au
Khoảng 100 nữ y tá sẽ được đào tạo lại để trở thành nữ cứu thương, tác nghiệp tại những nơi không cho phép sự có mặt của nam giới. Hơn 3.000 nữ y tá sẽ được huấn luyện trong những năm tới.
Quyết định này đánh dấu một bước tiến tuy nhỏ nhưng mang nhiều ý nghĩa trong việc giải phóng phụ nữ tại Saudi Arabia. Tuy nhiên, nó cũng dấy lên một câu hỏi mang tính logic. Hầu hết phụ nữ không tự lái xe đến những địa điểm cấp cứu vì lệnh cấm nữ giới cầm lái. Vậy là, phải chăng các nữ y tá sẽ túc trực thường xuyên tại các địa điểm quy định hoặc được hộ tống bằng tài xế nam? Quyết định cũng không nêu rõ là họ có được cứu chữa cho nạn nhân là nam giới không, nếu không thì cũng là một sự phí phạm tại các địa điểm cần cấp cứu.
Bước chuyển này là hệ quả từ cái chết của nữ sinh viên tại trường Đại học King Saud ngay tại thủ đô Riyadh. Khi nam nhân viên cứu thương đến nơi, đã bị chặn lại ngay tại cổng trong khuôn viên trường chỉ toàn nữ sinh hơn một giờ.
Nữ sinh Amna Bawazeer, 27 tuổi bị ngất do bị nhồi máu cơ tim và nhân viên cứu thương chỉ được vào sau khi toàn bộ nữ sinh đã thay trang phục Hồi giáo. Cô Bawazeer qua đời vì không được cứu chữa kịp thời. Anh của nạn nhân đã chạy đến hiện trường và van xin được mang cô đến xe cứu thương đang đợi bên ngoài nhưng cũng bị từ chối.
Tai nạn này nhắc đến trường hợp tương tự xảy ra năm 2002 khi ngọn lửa đã thiêu rụi ngôi trường Hồi giáo tại Mecca, làm chết 15 em gái và bị thương 50 em khác. Cảnh sát tôn giáo tại Saudi Arabia không cho các em chạy ra ngoài vì không mặc đúng trang phục của đạo Hồi.
Dù vậy, trong một cuộc khảo sát gần đây, 63% dân chúng Saudi thích phụ nữ mặc áo choàng che kín người (niqab) hoặc khăn che kín tóc và gần hết khuôn mặt.
THỦY TRÚC (Theo Times)
Saudi Arabia, Amma Bawazeer, nữ cứu thương