Các tụ điểm tổ chức bắn pháo hoa đông nghịt người. Một số đôi trẻ nắm chặt tay nhau, ngước lên bầu trời chờ đón màn pháo hoa, mong cho năm mới mạnh khỏe, mọi việc hanh thông.
Tại TP HCM, hơn trăm bạn trẻ tụ tập trước Nhà hát Thành phố chờ xem pháo hoa ở khoảnh khắc giao thừa. Không gian rộn rã bởi tiếng múa lân sư rồng và tiếng nhạc ở các khách sạn cao cấp kế bên.
Nguyễn Thị Thảo Vy (21 tuổi, quê Trà Vinh) cho biết đây là lần đầu tiên cô được ăn Tết ở Sài Gòn ở nhà người thân. "Tôi muốn một trải nghiệm mới, đón giao thừa ở Sài Gòn, rồi mùng 2 sẽ về quê với ba mẹ", Vy chia sẻ.
CSGT và công an đứng kín các các tuyến đường trung tâm thành phố như Đồng Khởi, Đông Du, Hai Bà Trưng, Lê Thánh Tôn... để điều tiết giao thông và đảm bảo an ninh trật tự.
![]() |
Người dân TP HCM ngồi bệt chờ xem pháo hoa. Ảnh: Quỳnh Trần. |
Cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn (quân đảo Trường Sa) được đơn vị tổ chức cho gọi điện về nhà chúc Tết gia đình. Lần đầu tiên ăn Tết ngoài đảo xa, nhiều chiến sĩ dặn dò bố mẹ giữ sức khoẻ, kể chuyện đón Tết ở đảo, nhớ nhà nhưng không buồn vì có đồng đội.
“Năm mới, chúc bố mẹ hai bên gia đình an khang, vợ và hai con gái sức khoẻ. Chúc nhân dân cả nước đón một mùa xuân mới an lành, hạnh phúc. Những người lính Trường Sa sẽ luôn vững vàng tay súng, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liên của Tổ quốc”, trung tá Đoàn Sơn Nam, chính trị viên đảo Sinh Tồn hai năm liên tiếp đón giao thừa ngoài đảo gửi lời chúc tới đất liền trước phút giao thừa.
![]() |
Chiến sĩ đảo Sinh Tồn gọi điện về nhà. |
Tại TP HCM, lúc 23h, các tuyến đường Hàm Nghi, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Huệ... đã hoàn toàn cấm xe lưu thông để phục vụ chương trình bắn pháo hoa mừng năm mới. Trên đường Tôn Đức Thắng, hàng nghìn người đã ngồi xuống đường để "xí" chỗ xem pháo hoa. Nhiều gia đình mang theo thức ăn, bạt... cùng nhau quây quần chờ xem pháo hoa. Lúc này, nhiều cửa hàng trên phố đo bộ cũng đã cho nhân viên bày biện đồ cúng giao thừa.
![]() |
Các cửa hàng ở trung tâm quận 1 chuẩn bị mâm cúng giao thừa. Ảnh: Quỳnh Trần. |
![]() |
Hai bố con đốt pháo mừng năm mới. Ảnh: Quỳnh Trần. |
![]() |
Đôi bạn trẻ nước ngoài chờ đón thời khắc giao thừa ở Việt Nam. Ảnh: Quỳnh Trần. |
Tại Đà Nẵng, người dân đổ về khu vực đường hoa xuân hai bên sông Hàn ngày một đông. Từ khu vực cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý hay cầu quay sông Hàn đều có thể ngắm được pháo hoa tầm cao trên sông Hàn.
Nhiều gia đình mang theo con nhỏ đón giao thừa ở ngoài đường. Nhiều khách nước ngoài cũng hòa vào nhịp sống đêm ở Việt Nam. Họ đến đường hoa, hay đứng trong các quán bar nhỏ ven đường Bạch Đằng để lắc lư theo điệu nhạc.
![]() |
Nhiều gia đình đưa con nhỏ đến đường hoa ven sông Hàn. |
![]() |
Đôi bạn trẻ chờ xem pháo hoa. Ảnh: Nguyễn Đông |
Tại phố cổ Hà Nội, bà Lộc bắt đầu cúng giao thừa. Mâm cỗ cúng năm nay thiếu cành đào vì chồng bà mới mất. "Phải cúng sớm và hóa vàng vào lúc 12h để tiễn các ông cũ đón các ông mới", bà lý giải.
![]() |
Bà Lộc cúng sớm một tiếng trước giao thừa. Ảnh: Đỗ Mạnh Cường |
Còn một tiếng nữa mới bắn pháo hoa đón giao thừa nhưng hàng nghìn người đã kéo về khu vực bến Ninh Kiều, Cần Thơ. Cảnh sát văng dây không cho xe cộ vào khu vực này, chỉ dành riêng cho người đi bộ. Nhiều bạn trẻ ngồi bệt trên công viên ăn uống, vui chơi, đợi xem bắn pháo hoa.
"Năm ngoái không có bắn pháo hoa nên tiếc lắm. Lần này quyết coi bằng được nên em cùng người thân đến bến Ninh Kiều trước hai tiếng để chọn chỗ đẹp, có thể ngắm trọn vẹn màng bắn pháo hoa suốt 15 phút", bạn Nguyễn Thanh Tâm vượt hơn 40 km từ quận Thốt Nốt về trung tâm Cần Thơ đón giao thừa, nói.
![]() |
Người dân Cần Thơ ngồi bệt chờ xem pháo hoa. Ảnh: Cửu Long. |
Tại bang Floria (Mỹ), ông Nguyễn Văn Dũng (51 tuổi) cho biết tiết trời khá tốt, nhiệt độ chừng 22 độ C. Gia đình ông có bốn người định cư tại Mỹ, nhưng hai con trai sống tại bang Texas. Tại khu vực vợ chồng ông sống ít người Việt, nên việc đón Tết cổ truyền ít khi được tổ chức. Hôm nay, ông vẫn đi làm bình thường.
Ông bảo ở đấy tính theo lịch dương, nên ông đã tải lịch vạn niên về điện thoại để theo dõi ngày tháng tại Việt Nam. Từ nhiều ngày trước, vợ ông có nhờ một số người quen mua một vài món ăn của Việt, cho vào tủ lạnh trữ. Số ít, họ gửi cho hai con trai. "Tối nay đi làm về, vợ chồng làm bữa cơm, thắp nén nhang rồi tranh thủ điện thoại hỏi thăm người thân ở quê nhà", người đàn ông 51 tuổi nói.
Dù khá nhớ quê hương, song ông bảo suốt ba năm nay, gia đình chưa về ăn Tết và mong muốn ít năm nữa sẽ cùng mọi người trở về. "Thấy bạn bè chia sẻ nhiều hình ảnh, gọi hỏi thăm khiến mình thấy tủi thân khi bao lần chưa được ăn Tết quê nhà", ông chia sẻ.
Trong khi đó, bạn Nguyễn Thị Ngọc Duyên, một du học sinh vừa nhập học một tháng ở đại học Mcneese state, thành phố Lake Charle, bang Louisiana thuộc miền Đông Nam nước Mỹ so sánh: "Thật ra thì Tết xa nhà nên không khí rất khác so với lúc còn ở Việt Nam. Mọi người vẫn đi làm, đi học bình thường".
Đang sống cùng gia đình dì, Duyên chia sẻ: "Tuần trước dì mình lái xe đi Houston mua bánh mứt và đồ ăn truyền thống ngày Tết vì khu mình ở không có chợ của người Việt. Tối nay dượng sẽ chở cả nhà lên chùa cầu an sau khi đón giao thừa. Riêng mình chỉ mong đến giờ xem táo quân cho đỡ nhớ nhà", Duyên trải lòng.
![]() |
Nữ sinh Nguyễn Thị Ngọc Duyên vẽ bức vẽ trái tim nở hoa cùng lời nhắn Chúc mừng năm mới, I miss you đến bố mẹ ở quê nhà. |
Thành phố Lào Cai (tỉnh Lào Cai) bắn pháo hoa sớm hơn các tỉnh thành khác. Màn pháo hoa nghệ thuật diễn ra khoảng 20 phút sau khi kết thúc đêm biểu diễn đại nhạc hội. Tuyến đường An Dương Vương đã được cấm phương tiện, tạo thuận lợi để người dân ngắm pháo hoa.
TP Lào Cai tổ chức bắn pháo hoa sớm. Video: Nguyễn Nga
Ở Nga, anh Bùi Quang Minh (27 tuổi) sống tại thủ đô Matxcơva nói rằng gia đình sang Nga được sáu năm, buôn bán tại chợ khu Liublino. Suốt thời gian ấy, họ chưa về Tết. "Những hôm này, thấy người thân, bạn bè chụp ảnh về quê đón xuân mà lòng nôn nao", anh Minh nói.
Từ chiều, vợ cùng em trai anh đã về nhà để chuẩn bị mọi thứ để cúng Tết cổ truyền. Anh tranh thủ bán ít hàng, rồi về cùng đón Tết với mọi người. Anh cho biết, tại khu chợ vợ chồng kinh doanh có khá nhiều người Việt sống nên những món ăn quê hương được bày bán khá nhiều, song phải mua sớm bởi sẽ hết hàng. Từ những hôm trước, vợ anh đã đặt mua gà cúng, bánh chưng, chả… để chuẩn bị cúng Tết cổ truyền.
Anh cho biết, rất muốn lần về nước đón Tết, nhưng vì nhiều lý do khác nhau nên gác lại. "Hy vọng một vài năm nữa, khi kinh tế ổn hơn mình sẽ đưa vợ về", anh mong muốn. Theo anh, mỗi khi Tết cổ truyền, những khu vực đông người Việt sống theo kiểu tập thể họ sẽ góp tiền lại để tổ chức tiệc. Một số thanh niên độc thân hẹn nhau.
![]() |
Người Việt tại Nga tổ chức tiệc đêm giao thừa. Ảnh: Quang Minh. |
![]() |
Mân cỗ cúng giao thừa của nhà anh Quang Minh tại Nga. Ảnh: Quang Minh. |
Tối 30, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến chúc tết Đảng bộ thành phố Hà Nội. Sau đó, lúc 21h ông cũng lãnh đạo Thủ đô thắp hương ở tượng đài Lý Thái Tổ và đền Ngọc Sơn; chúc Tết người dân ở khu vực phố đi bộ Hồ Gươm.
Đếm ngược chờ đến giao thừa - VnExpress