Thời sự

Biển người đón năm mới 2018 ở trung tâm Sài Gòn, Hà Nội

Hồ Gươm Hà Nội không còn một chỗ trống từ chập tối, trong khi trên các tuyến đường dẫn vào TP HCM dòng xe nườm nượp chạy dưới đèn màu, cờ hoa rực rỡ.

  • 20h40

    Vành đai quanh phố đi bộ Hà Nội ùn tắc

    Các tuyến đường dẫn đến phố đi bộ Hà Nội như Hai Bà Trưng, Tràng Thi… ùn tắc kéo dài. Nhiều đôi bạn trẻ nhích từng mét mong chọn vị trí thuận lợi để đón thời khắc chuyển giao hai năm.

    Các điểm trông giữ xe quanh hồ Hoàn Kiếm "lắc đầu" từ chối khách. Có mặt ở trung tâm từ 18h, song đến gần 21h chị Trương Quỳnh Hoa (24 tuổi) vẫn chưa tìm được chỗ đứng xem lễ hội đếm ngược (countdown). “Đây là lần đầu tiên tôi đi đón giao thừa Tết Dương lịch ở bên ngoài và rất mong muốn tranh thủ thời khắc thiêng liêng nhất để dành cho người yêu mình một nụ hôn để cả năm may mắn”, chị nói.

    26194784-538907039806821-41917-3077-2817

    Phố Tràng Tiền, Hà Nội.

    Nếu ngày thường, phố đi bộ chỉ hoạt động từ thứ sáu đến chủ nhật thì dịp này hoạt động của phố đi bộ được kéo dài thêm sang ngày thứ hai (1/1/2018). Trong không gian này, nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật đã được lên kế hoạch để phục vụ người dân vui chơi, thưởng thức. Ngành y tế thủ đô cũng chuẩn bị sẵn sàng các phương án cứu nạn trong tình huống khẩn cấp. 

    26237966-538887649808760-12264-4459-1915
  • 20h20

    Tại khu vực trước Dinh Độc Lập, Nhà thờ Đức Bà (quận 1, TP HCM), hàng nghìn người dân, du khách tập trung để xem các chương trình biểu diễn ca nhạc.

    Đưa gia đình bốn thành viên từ quận Thủ Đức lên đây từ 17h, anh Phan Văn Trường cho biết đây là lần đầu cả nhà đón năm mới ở trung tâm thành phố. "Nhà tôi xưa ở huyện Bình Chánh, mới chuyển qua Thủ Đức và đều xa Sài Gòn. Lễ tết vầy đâu đâu cũng đông, đường kẹt cứng nên vợ chồng tôi cũng ngại chở các con đi vì sợ cực nhọc. Năm nay thấy thành phố bắn pháo hoa, các con nô nức muốn xem nên đành chiều", anh nói.

    giao-thua-5-3935-1514726707.jpg

    Mẹ con chị Anh Thư. Ảnh: Thành Nguyễn.

    Còn chị Anh Thư (ngụ quận Tân Phú) đưa hai con gái đi chơi, chia sẻ: "Năm mới, tôi chỉ mong chính quyền thành phố giải quyết vấn nạn kẹt xe hiện nay. TP HCM vốn năng động, người dân thân thiện, nhưng ngặt nỗi kẹt xe trầm trọng quá. Giải quyết vấn đề này, tôi nghĩ chắc chắn thành phố sớm trở thành thành phố đáng sống", chị Thư chia sẻ.

    Tại khu vực Công viên Bạch Đằng trên đường Tôn Đức Thắng, đối diện với hầm Thủ Thiêm (nơi bắn pháo hoa), nhiều bãi giữ xe máy đã đông nghẹt, giá giữ xe từ 10.000 đến 20.000 đồng mỗi chiếc.

    Mỹ Vân cùng nhóm bạn sinh viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM từ làng đại học Thủ Đức đến đây từ rất sớm. "Thành phố bắn pháo hoa nên tụi em rất háo hức, đến sớm để xí chỗ xem được pháo hoa. Ba năm trước tụi em sát giờ mới vào, không có chỗ đứng luôn. Mới thi xong nên đứa nào cũng thoải mái lắm", Vân cười, nói.

    pho-di-bo-8529-1514727504.jpg

    Phố đi bộ Nguyễn Huệ. Ảnh: Duy Trần.

    Hiện, khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ rất đông người dạo chơi, xem nhiều chương trình đón năm mới. Các trung tâm thương mại trên đường Lê Duẩn, Lê Thánh Tôn cũng tập trung nhiềm nhóm bạn trẻ chụp hình.

  • 20h15

    TP Huế trời không mưa, se lạnh, phố đi bộ Chu Văn An, Phạm Ngũ Lão, Võ Thị Sáu thu hút hàng nghìn người dân và du khách tìm đến để chào đón năm 2018. 

    Nhiều nhà hàng, quán bar, cà phê được trang hoàng rực rỡ và chật kín người. Các quán bar cũng mời gọi, níu chân khách bằng nhiều trò chơi thú vị.

  • 20h15

    Tại Đồng Nai, tối 31/12, TP Biên Hòa mát mẻ, không lạnh như những ngày trước. Tuy nhiên dòng người ra đường chào đón năm mới lại không đông đúc như lễ Giáng sinh. Tại những điểm thường xuyên kẹt xe mỗi dịp lễ như công viên Biên Hùng, ngã tư Võ Thị Sáu - đường 30/4... đều vắng vẻ.

    Theo những người bán bong bóng và hoa bên đường, nguyên nhân người dân không đổ ra đường như mọi năm một phần do đường phố Biên Hòa đang đào bới làm dự án nên rất bụi, cộng với thành phố không tổ chức chương trình vui chơi giải trí trong đêm mừng năm mới.

    Anh Nguyễn Văn Hưng (32 tuổi, quê Quảng Nam) chở vợ cùng con trai hai tuổi đi dạo một vòng rồi ghé vào công viên quảng trường Đồng Nai uống nước. Anh cho biết làm công nhân tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2, hôm nay rảnh rỗi nên chở cả nhà đi dạo phố, mua ít đồ chuẩn bị năm mới. "Hy vọng năm mới thu nhập hai vợ chồng sẽ cao hơn chút để mua được căn nhà ở xã hội", anh Hưng ước vọng.

    Trong khi đó, nhiều bạn trẻ lại chở nhau về TP HCM để xem pháo hoa. "Dù xa có 40 km nhưng lên TP HCM đông vui, có pháo hoa nên tụi em quyết đi sớm để tránh kẹt xe", nữ sinh Phan Thị Trâm Anh nói.

    Nam-moi-4703-1514727304.jpg

    Trung tâm TP Biên Hòa vắng vẻ. Ảnh: Phước Tuấn.

    Tương tự, thời tiết tại Cà Mau mát mẻ, song đường phố vắng vẻ hơn so với những ngày thường. Ở các điểm vui chơi chính trong nội ô như Nhà thiếu nhi tỉnh, Quảng trường Trung tâm hành chính… vắng bóng người lớn và trẻ em đến vui chơi, hóng mát như mọi khi.

    Trên các trục đường lớn như Trần Hưng Đạo, Phan Ngọc Hiển, Nguyễn Tất Thành…, xe cộ thưa thớt. Riêng các nhà hàng, quán ăn, hay phố hàng rong buôn bán ế ẩm. "Có lẽ tâm lý lo lắng về cơn bão Tembin đổ bộ vào Cà Mau mấy ngày trước vẫn chưa hết, nên bà con không xuống đường dạo chơi như các năm trước", ông Lý Văn Tiến, người dân ở TP Cà Mau nhận định.

    Ông Lê Hữu Tâm - người bán hàng rong tại Quảng trường Trung tâm hành chính - cho biết, khác với nhận định ban đầu của ông sẽ có đông người xuống phố vui chơi, chờ đón giao thừa. "Tôi chuẩn bị nhiều hàng hóa để bán, nhưng từ chiều đến giờ bán chưa được 200.000 đồng", ông Tâm nói.

    Ông Tạ Hoàng Nguyên thì cho rằng, người dân vùng cực Nam Tổ quốc đời sống còn khó khăn nên ai cũng tập trung lo cho cái Tết cổ truyền của dân tộc, không mặn mà với Tết Dương lịch.

  • 20h05

    Biển người bao quanh bờ Hồ Gươm

    Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục bên Hồ Gươm không còn một chỗ trống. Hàng chục nghìn người vây kín sân khấu bên toà nhà Hàm Cá Mập, chờ xem biểu diễn nghệ thuật và đếm ngược đến thời khắc chuyển giao năm mới. Hà Nội ngày cuối năm trời khô ráo và se lạnh, rất thuận lợi cho các hoạt động vui chơi ngoài trời. Nhiệt độ trung bình khoảng 16 độ C ban ngày và về đêm có thể xuống dưới 14 độ C.

    26238078-538870876477104-61959-3534-3550

    Biển người ở Hồ Gươm lúc 18h30. Ảnh: Giang Huy.

  • 20h00

    Tối 31/12, trời Sài Gòn khá mát, dù trước đó vài tiếng nhiệt độ lên đến hơn 30 độ C. Từ 18h, các tuyến đường dẫn vào trung tâm như: Nguyễn Văn Trỗi, Hàm Nghi, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng, Hai Bà Trưng… đông nghịt người.

    Đây cũng là những tuyến đường cùng các cửa ngõ thành phố đã được trang trí ánh sáng nghệ thuật, cờ hoa rực rỡ đón chào năm mới.

    giao-thua-1-5665-1514725985.jpg

    Các con đường dẫn vào trung tâm kẹt cứng. Ảnh: Thành Nguyễn.

    Năm nay, TP HCM được phép tổ chức bắn pháo hoa trở lại bằng nguồn kinh phí từ xã hội hóa. Pháo hoa tầm cao được bắn tại khu vực đường hầm sông Sài Gòn (quận 2), ba điểm tầm thấp tại Công viên Văn hoá Đầm Sen (quận 11), Địa đạo Củ Chi (huyện Củ Chi), Quảng trường Rừng Sác (huyện Cần Giờ) từ 0h đến 0h15 ngày 1/1/2018.

    Ngoài ra, chương trình đếm ngược trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới (Countdown) được tổ chức tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1) và trình chiếu ánh sáng 3D lên tòa nhà UBND TP HCM (đường Lê Thánh Tôn).

    Để tổ chức bắn pháo hoa tại đường hầm sông Sài Gòn, từ 20h tối nay đến 4h ngày 1/1/2018 Sở GTVT TP HCM cấm xe máy lưu thông trên tuyến Võ Văn Kiệt - đường hầm sông Sài Gòn - Mai Chí Thọ, đoạn từ đường Ký Con (quận 1) đến đường dẫn cầu Thủ Thiêm (quận 2) theo cả hai hướng.

    Các loại xe cũng không được lưu thông vào các tuyến đường: Nguyễn Tất Thành (từ Hoàng Diệu đến cầu Khánh Hội, quận 4); Tôn Đức Thắng (từ Công trường Mê Linh đến cầu Khánh Hội); Đồng Khởi (Ngô Đức Kế đến Tôn Đức Thắng); Hải Triều (Hồ Tùng Mậu đến Nguyễn Huệ); Hàm Nghi (Hồ Tùng Mậu đến Tôn Đức Thắng) đến 0h ngày 1/1/2018.

VNExpress

Biển người đón năm mới 2018 ở trung tâm Sài Gòn, Hà Nội - VnExpress


© 2021 FAP
  1,278,929       1/406