Trong ngôi nhà ở quận Đống Đa, anh Tùng nâng niu chăm bẵm hơn 30 con trăn, rắn quê ở vùng hoang mạc châu Mỹ.
Căn phòng hơn 20m2 tại một con phố ở Đống Đa (Hà Nội) là nơi anh Vũ Thanh Tùng (30 tuổi) nuôi 15 loài rắn khác nhau, đều không có độc, đến từ các vùng khô cằn của châu Mỹ như bang Florida (Mỹ) hay Canada.
Tùng đến với thú chơi trăn, rắn từ năm 2008. "Hồi bé, ông cậu mình có nuôi một con trăn đất, mình rất thích. Về sau biết có thú chơi rắn nên mình đã nhập từ nước ngoài về nuôi. Cái độc đáo của rắn là không có giới hạn bởi màu sắc và tính trạng của mỗi loài lên đến hàng nghìn. Chúng còn dễ nuôi, dễ chăm sóc", anh cho hay.
Những năm đầu mới nuôi, rắn mua về bị stress bỏ ăn vài tuần. Chưa có nhiều kinh nghiệm nên Tùng cố mớm thức ăn, khiến rắn càng stress và chết. Sau này anh mới biết rắn có thể nhịn đói vài tháng mà không hề hấn gì.
Năm 2010, gần 30 con rắn ốm chết khiến anh Tùng suy sụp. Nhưng với niềm đam mê, anh vẫn nhập đợt mới về nuôi.
Cũng có lần do vệ sinh chuồng không tốt khiến một chú rắn sữa đen 3 tháng tuổi bị nấm da. "Cậu chàng" không ngừng di chuyển hơn 10 ngày mà chủ nhân không hiểu lý do. Sau được bác sĩ mách mua thuốc khử trùng nên chú ta may mắn qua khỏi sau một tuần chữa trị. Từ đó anh Tùng quyết tâm phải nắm được những kiến thức chữa bệnh cho rắn như tiêu chảy, giun sán, nấm da… Đến nay gần như mọi vấn đề ở đàn rắn cưng, anh đều chữa được hết.
Hiện tại số lượng rắn của anh Tùng càng ngày càng gia tăng, cần thêm sự hỗ trợ của người em là Vũ Xuân Kiên (21 tuổi). Nốt gót anh trai, Kiên cũng đam mê tìm hiểu về bò sát và đến nay có mối quan hệ thân thiết với nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này ở Florida.
Rắn ngô là loài đầu tiên mà anh Tùng được tiếp xúc và cũng là loài đầu tiên anh phối giống thành công vào năm 2015. Đây là dòng rắn hiền lành, khá nhút nhát.
Chú rắn sọc (garter snake) bạch tạng, mắt đỏ, xuất xứ ở phía nam Florida khá quý hiếm, dù giá trị không cao. Để kiếm được chú rắn này, nhiều tháng trời anh Tùng lùng sục trên các cộng đồng bò sát nước ngoài, không ít người chơi cũng không biết đến sự tồn tại của nó. Sắp tới anh sẽ tìm cách phối loài rắn này.
Trăn Nam Mỹ (red tail boa) là loài dữ nhất trong số dòng họ nhà rắn cảnh, chiều dài lớn nhất khoảng 1,2m. Lúc mới nuôi, Tùng hay bị con này cắn, tuy không đau. "Đối với tất cả loại rắn và trăn cảnh, một khi cầm trên tay sẽ không bao giờ có chuyện cắn và siết người chơi. Chỉ khi để trong hộp, mở ra tiếp cận sai cách như chạm rắn từ trên đầu thì nó sẽ hoảng loạn và phản kháng", Tùng chia sẻ.
Chơi rắn không chiếm nhiều diện tích. Hàng chục chú rắn cưng của anh Tùng được đặt vào những chiếc hộp nhựa nhỏ đục lỗ và xếp gọn gàng trong góc nhà.
Thế nhưng dù chỉ nuôi vài ba con kỳ đà, anh phải mất gấp 3 lần diện tích nuôi rắn.
Anh Kiên cho biết chăm sóc trăn và rắn rất nhàn. Khoảng 3-4 ngày thay giấy một lần, không mùi, không bẩn. Mỗi tuần chỉ phải cho ăn một lần vì chúng là động vật ngủ đông, tiêu hóa rất chậm. Thức ăn là chuột bạch có giá khoảng 5 nghìn đồng/con. Ngoài ra hàng tuần phải tắm cho rắn bằng cách ngâm 5 phút trong nước ấm.
Anh Tùng khuyên, không nên tiếp cận rắn từ trên đầu, vì chúng luôn có thiên địch, như chim đại bàng hay diều hâu. Bên cạnh đó, phải rửa tay khi cầm từ rắn sang trăn để tránh sự kích động từ mùi vị và gây nguy hiểm cho người chơi. Rắn cảnh không lây bệnh sang người.
Từng là một họa sĩ thiết kế mỹ thuật hoạt hình khá nổi tiếng và tốt nghiệp thủ khoa Đại học Sân khấu điện ảnh nhưng vì quá đam mê với bò sát, anh Tùng đã bỏ việc để chuyển qua kinh doanh loại hình này. Đến nay, anh đã có thu nhập ổn định từ thú chơi này.