Gia đình

Những môn học không ngờ của em bé Việt ở trường Hà Lan

Tan trường, cô bé 4 tuổi ào ra rối rít khoe mẹ: "Xem này, hôm nay con đạt được chứng chỉ 'Tự kéo khóa áo' đấy".

Ở Hà Lan cứ 4 tuổi là các em bé bắt đầu đi học tiểu học. Ngay sau ngày sinh nhật tuổi thứ 4 cũng là ngày đầu tiên đến trường. Hai bé nhà chị Nguyễn Hoàng Mỹ Linh (35 tuổi) ở thành phố Nieuwegein đã vô cùng háo hức chờ đợi dấu mốc đáng nhớ này. Dưới đây là chia sẻ của chị Linh về hai năm đầu học mà như chơi của các con mình.

Trẻ con ở đây đi học rất nhàn. Hai năm đầu bọn trẻ đến trường chủ yếu là chơi. Trong mỗi lớp học có góc chơi khác nhau: Góc với rất nhiều búp bê, góc quần áo để cải trang thành công chúa, cướp biển, có bồn cát nhỏ, có đường ray để chơi tàu hỏa, góc tô màu... Nhưng chính trong quá trình chơi đấy, bọn trẻ được các cô quan sát, hướng dẫn, dạy dỗ rất tỉ mỉ. Năm học thứ nhất các bé được học 28 môn học và kỹ năng, sang năm thứ hai là 39 môn.  

Ngoài toán, ngôn ngữ và Tiếng Anh, các bé nhà tôi còn được học các kỹ năng từ đơn giản như gấp giấy, gập khăn, leo trèo, tự cài khóa, tự mặc áo khoác, tự đi giày... cho đến những kỹ năng phức tạp hơn chút là khả năng tập trung, nâng cao sự tự tin, giúp đỡ nhau, lễ phép với người lớn, cư xử với bạn, chấp hành quy định, kỹ năng cùng nhau chơi và cùng nhau giải quyết các vấn đề.

Những đứa trẻ 4,5 tuổi ở Hà Lan có hẳn một môn học nhường đồ chơi tại trường. Ảnh: Mỹ Linh.

Trẻ 4,5 tuổi ở Hà Lan có hẳn một môn học nhường đồ chơi tại trường. Ảnh: Mỹ Linh.

Trẻ bắt đầu buổi học bằng cách bắt tay để chào hỏi thầy cô giáo chủ nhiệm. Đây không chỉ là một tác phong rất chững chạc, mà là lúc để mỗi đứa trẻ có chút thời gian riêng với thầy cô. Tôi nhớ như in vẻ mặt đầy tự hào của con gái khi nhe chỗ răng khuyết ra để khoe chiếc răng đầu tiên mới rụng tối qua, khoe cái đầu gối trầy xước vì ngã xe đạp, hay đơn giản là kể cho cô giáo nghe đã ăn sáng nhiều và nhanh như thế nào ở nhà.

Sau đó cả lớp ngồi thành một vòng và buổi học bắt đầu bằng một vài câu chuyện được kể theo chủ đề. Con được học kỹ năng thuyết trình ngay từ tuổi này. Cô giáo sẽ giới thiệu chủ đề và giao nhiệm vụ cho từng nhóm. Bé sẽ học cách hoàn thành nhiệm vụ cá nhân và cách "làm việc" với tập thể qua các bài tập như thế.

Buổi thuyết trình đầu tiên của bé Madeleine được con chuẩn bị rất kỹ - là một hộp đồ các món yêu thích. Bé thảo luận với bố mẹ cả mấy ngày trước đó về những đồ vật sẽ mang đến lớp. Vì chỉ có 15 phút trình bày nên con phải cân nhắc xem mình nên nói về chủ đề gì. Sự giới hạn về thời gian là một thử thách nho nhỏ với một cô bé 5 tuổi hay chuyện như con tôi.

Các chủ đề học ở trường cho các bé 4, 5 tuổi này cũng rất thú vị. Mỗi chủ đề kéo dài vài tuần. Khi học về chủ đề gia đình, các bé sẽ được học về các mối quan hệ trong nhà, buổi cuối bé sẽ mời bố, mẹ hay ông bà đến tham dự. Con trai tôi đã đích thân gọi điện để mời bà nội đến dự trong môn đó.

Cô bé Madeleine - con gái lớn của chị Linh - và hộp đồ thuyết trình. Ảnh: Mỹ Linh.

Cô bé Madeleine - con gái lớn của chị Linh - và "hộp đồ thuyết trình". Ảnh: Mỹ Linh.

Khi học về chủ đề về tự nhiên các bé sẽ cùng nhau nuôi nòng nọc trong một bể to để mỗi ngày quan sát sự biến hình từ nòng nọc thành ếch. Các bé sẽ được đến vườn trồng rau của trường để tận mắt thấy quả cà chua chuyển màu từ khi còn xanh đến khi chín đỏ như thế nào. Các bé cũng được học về không gian, về vũ trụ, về mặt trời, trái đất, về các hành tinh. Trong buổi biểu diễn văn nghệ của quý, các bé hóa trang thành các hành tinh và người ngoài hành tinh...

Thầy cô rất chú trọng dạy trẻ phát triển các kỹ năng cảm xúc xã hội, như "Lễ phép với thầy cô, với người lớn", "Đối xử tốt với bạn bè"... và các kỹ năng phát triển cá nhân trẻ như: "Xử lý tình huống", "Biểu đạt cảm xúc", "Tự tin".

Thầy cô có thể kiên nhẫn cả chục phút để nghe con kể câu chuyện không đầu, không cuối, khuyến khích các bé không chỉ dám nói ra các lỗi sai của bạn mà còn nhận ra lỗi sai của mình, khích lệ các bé được bộc lộ cảm xúc nóng giận, bất bình, vui vẻ, lo lắng...

"Dọn dẹp" cũng là một môn học ở trường. Không chỉ cất đồ dùng học tập, mà còn phải tự cất giày tập gym đúng nơi quy định, treo áo khoác ngay dưới bảng tên.

Với con trai tôi thì "Tập trung" và "Dọn dẹp" chưa bao giờ là thế mạnh cả. Thi thoảng sau buổi học, bé được giao bài tập để tránh bị phân tán tư tưởng, như xếp hình trong vòng năm phút, lắp ghép một robot lego trong mười phút...

Các bé còn có buổi học "Thắt dây giày" và nhận chứng chỉ "Tự kéo được áo khoác có khóa" thành công. Tan trường, các bé hớn hở cầm chứng chỉ vừa nhận được khoe bố mẹ với vẻ mặt không thể tự hào hơn. Con tôi về nhà còn tìm các ruy băng, dây dù để thắt và cứ gặp hàng xóm nào là mang ra khoe.

Một bé với chứng chỉ đã mặc được áo kéo khóa. Ảnh: Mỹ Linh.

Bé với chứng chỉ đã mặc được áo kéo khóa. Ảnh: Mỹ Linh.

Một trong những môn học thú vị có tên là "Quan tâm, giúp đỡ nhau". Vì các bé 4 tuổi và 5 tuổi học chung một lớp nên các bạn 5 tuổi, ngoài việc tự mặc áo khoác cho mình, sẽ giúp đỡ các bạn 4 tuổi cài áo, kéo khóa áo hộ, hướng dẫn mặc áo trước mỗi lần ra ngoài chơi. 

Và ngay cả trong giờ ra chơi cũng là lúc các bé vừa chơi vừa học. Môn học đấy tên là "Cùng nhau chơi". Học cách chờ để đến lượt mình chơi khi có nhiều bạn cùng thích một trò, hay biết đứng ra để phân chia thứ tự, hoặc đơn giản là nhường bạn và chơi trò khác.

Tất cả các môn học và kỹ năng này được các thầy cô giáo quan sát và đánh giá, báo cáo tới các bậc phụ huynh. Điều này rất cần thiết cho các bậc phụ huynh khi tìm cho con những môn học ngoại khóa. Những bé có năng khiếu cắt, gấp sẽ được cho đi học thêm các môn thủ công. Bé nhà tôi hay lộn nhào, cơ thể dẻo dai thì được mẹ cho học thêm thể dục nghệ thuật, còn thằng bé hiếu động thích chạy nhảy, leo trèo thì được cho đi học thêm Taekwondo... Có nhiều em sau này phát triển từ năng khiếu thành cả một sự nghiệp thành công.

Người Hà Lan không đặt nặng bằng cấp. Cái mà họ quan tâm là sự thoải mái trong học tập và cơ hội để được phát triển toàn diện cho con cái. Điểm số cao ở trường hay việc đoạt giải cao trong các kỳ thi không phải định nghĩa về thành công. Điều quan trọng và có ý nghĩa với họ nhất là con cái họ đã cố gắng hết sức. Chính sự tự do và không áp lực trong giáo dục, những bài học hàng ngày về các kỹ năng nghe có vẻ đơn giản trong thời thơ ấu khiến trẻ Hà Lan thích đi học và phát triển thành những người thực tế, tự tin, không bị khống chế bởi bằng cấp hay địa vị. 

Nguyễn Hoàng Mỹ Linh

VNExpress

nuôi dạy con, giáo dục, trẻ em Hà Lan, mẫu giáo


© 2021 FAP
  1,164,083       1/1,105