Thế giới

Nữ hoàng Jordan kêu gọi cộng đồng Hồi giáo chống lại IS

PN - Trong một cuộc phỏng vấn với tờ MailOnline, Nữ hoàng Rania của Jordan đã kêu gọi toàn thể cộng đồng người Hồi giáo trên thế giới hãy đứng dậy chống lại “các cuộc tấn công chống lại nền văn minh” của Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS

Nữ hoàng Rania của Vương quốc Jordan, một trong những người phụ nữ quyền lực nhất trên thế giới đã lên tiếng kêu gọi cộng đồng Hồi giáo chống lại nhà nước IS.

Nữ hoàng Rania (44 tuổi), người đã kết hôn với Quốc vương Abdullah II ibn al-Hussein của Jordan, là một trong những người phụ nữ có ảnh hưởng nhất trong thế giới Ả Rập. Nữ hoàng đã lên tiếng sau khi IS đe dọa phá hủy di sản thế giới được Unesco công nhận tại thành phố cổ Palmyra, Syria.

Phát biểu riêng với tờ MailOnline ở quê nhà, Nữ hoàng nói: “Đó là một cuộc tấn công vào nền văn minh nhân loại và là tội ác mới nhất mà IS cùng các nhóm nổi loạn đã thực hiện.”

“Palmyra là một trong những kho báu lớn nhất trong khu vực và trên toàn thế giới. Điều này cho thấy mối đe dọa toàn cầu mà chúng ta đang phải đối mặt. Bọn chúng không chỉ chống lại người Ả Rập hay Hồi Giáo, mà là toàn bộ thế giới văn minh.”

Bà bày tỏ mối lo ngại sâu sắc đến nguy cơ bị hủy diệt của thành phố Palmyra, một trung tâm văn hóa lớn của nhân loại.

Tổ chức Unesco cho biết việc phá hủy các tòa nhà cổ và đồ tạo tác ở Palmyra sẽ là “một mất mát to lớn cho nhân loại”. Các nhà lãnh đạo thế giới như Tổng thống Francois Hollande của Pháp đã kêu gọi hành động trực tiếp để ngăn chặn.

“Tôi hoàn toàn đồng ý với điều đó,” Nữ hoàng, người đã tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Dead Sea Resort ở Sweimeh nói.
Trong tháng Ba vừa qua, phiến quân Hồi giáo IS đã phá hủy di tích cổ ở thành phố cổ Dur Sharrukin, gần Mosul, Iraq, trong nỗ lực '”xóa sổ lịch sử của nhân loại”.

Bà Rania cho biết: “Chúng ta là những người có trách nhiệm gìn giữ những báu vật như vậy, và chúng ta không nên đứng yên trong khi các đồ tạo tác văn hóa quan trọng đang bị hủy diệt.”

Tàn tích của một thành phố cổ sau khi bị phiến quân Hồi giáo ISIS càn quét.

“Thật đáng đau lòng khi điều tương tự đã xảy ra tại Iraq, nơi bảo tồn di sản của thế giới và nhân loại, do đó tất cả chúng ta đều có trách nhiệm bảo vệ nó. Chúng ta có rất nhiều thứ để mất nếu chúng ta không đối đầu với mối đe dọa này. Đó là một mối đe dọa mà đã vượt qua ranh giới quốc gia.”

Nữ hoàng cho biết cuộc chiến tranh chống IS phải được dẫn dắt bởi những người Hồi giáo và người Ả Rập, với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.

Bà khẳng định rằng thông điệp lấy hòa bình và hòa giải làm nền tảng của đạo Hồi đã bị thao túng bởi những kẻ khủng bố giết người IS, chúng hiện đang kiểm soát vùng đất rộng lớn trên lãnh thổ Iraq và Syria.

Chặt đầu, hiếp dâm, thiêu sống,… là những hành động đe dọa đến tương lai của toàn nhân loại.

“Không có một câu trả lời chính xác nào về nguyên nhân của chủ nghĩa cực đoan này, nhưng chắc chắn đó không phải là lỗi do tôn giáo,” Nữ hoàng Rania nói.

Bà cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chống lại chiến dịch tuyên truyền khủng bố qua mạng Internet toàn cầu do IS cầm đầu.
“Các mối đe dọa ảnh hưởng đến cuộc sống của tất cả mọi người. Nó không chỉ liên quan đến những nhà lãnh đạo, chúng ta phải làm việc trên nhiều mặt trận khác nhau.”

“Các nỗ lực quân sự cần phải được duy trì và phối hợp tốt. Chúng ta phải nhớ rằng đằng sau những nhóm khủng bố như IS là hệ tư tưởng quá khích, và chúng ta không thể giết một ý tưởng bằng những viên đạn.

Là một người vợ, người mẹ với 4 người con, bà hiểu rất rõ nỗi đau của những người phụ nữ mất đi già đình trong chiến tranh. Trong ảnh là khi nữ hoàng chia sẻ nỗi đau với vợ của phi công người Jordani, Muath Al Kasasbeh, người đã bị IS bắt giữ và thiêu sống.

“Tôi luôn khẳng định rằng cách tốt nhất để chống lại một ý tưởng là đưa ra một ý tưởng tốt hơn, đó là cách duy nhất cho chúng ta hy vọng đồng thời đảm bảo về mặt đạo đức.

“Tất cả chúng ta cần phải chống IS,” nữ hoàng Rania nói. “Nó không phải là một câu hỏi rằng liệu họ có bị đánh bại, bởi vì nếu họ không bị đánh bại thì môi trường sống của con em chúng ta sẽ ra sao? Những cảnh chặt đầu, hiếp dâm, thiêu sống, làm chúng ta phải suy nghĩ về tương lai của nhân loại.”

“Những tập đoàn như IS không phân biệt giữa các tôn giáo hay dân tộc, đó là một cuộc chiến giữa tất cả những người ôn hòa và tất cả các phần tử cực đoan. Chúng ta không được lơ là tự mãn về nó.”

Nữ hoàng Rania khẳng định việc chống lại Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS cần sự nỗ lực của cả thế giới.

“'Chúng ta phải đứng cùng nhau, đoàn kết để đánh bại các nhóm này, và để giảm bớt sự nghi ngờ của chúng ta về phương Tây, cũng giống như người phương Tây không nên áp đặt định kiến lên người Hồi giáo, nếu không những nhóm khủng bố như IS sẽ là người giành chiến thắng.”

Bên cạnh đó, cuộc nội chiến đang diễn ra tại Syria đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng người tị nạn trong khu vực. Vương quốc Jordan đã chấp nhận di dời hàng triệu người đàn ông, phụ nữ và trẻ em tị nạn.

Tất cả những người tị nạn đều muốn một cuộc sống đàng hoàng tại ngôi nhà của họ, trên đất nước của họ, và điều quan trọng đối với cộng đồng quốc tế là tìm một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng.

Riêng Vương quốc Jordan đã tiếp nhận hơn 1,4 triệu người tị nạn từ Syria và Iraq.

Nữ hoàng cho biết thêm rằng hiện đã có 1,4 triệu người dân Syria đến tị nạn tại Jordan. “Để chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài này, một phần của giải pháp buộc chúng ta phải suy nghĩ rằng những người tị nạn không phải là con số, mà là con người,” bà Rania nói.

“Nhiều người đã bị mất nhà cửa, gia đình và sinh kế của họ. Nó tạo ra áp lực lên các nước chấp nhận người tị nạn như như Lebanon và Jordan. Đây không phải là những quốc gia có nguồn tài nguyên vô hạn. Cộng đồng quốc tế cần tham gia vào để hỗ trợ chúng tôi.”

Trước đó, Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Trung Đông và Bắc Phi cũng đã tập trung vào vấn đề giải quyết xung đột cực đoan, khủng hoảng người tị nạn, và cuộc xung đột Israel-Palestine.

TẤN VĨ
(Theo DailyMail)

www.phunuonline.com.vn

Jordan, Nữ hoàng Rania, IS, Hồi giáo, khủng bố, Syria


© 2021 FAP
  358,518       5/911