Thế giới

Anh: Nỗi lo thắt chặt hầu bao của gia đình

PN - Cử tri dù chọn hay không chọn đảng của Thủ tướng David Cameron thì họ ít nhiều cũng phải lo lắng vì nói đến đảng Bảo thủ, người dân Anh phải nghĩ đến chính sách thắt lưng buộc bụng hà khắc.

Mới đây, Hiệp hội Hiệu trưởng quốc gia (NAHT) thực hiện cuộc khảo sát, qua đó phản ánh tình trạng khiến nhiều người choáng váng. Nhiều giáo viên tình nguyện mang thêm suất cơm trưa cho học sinh, thậm chí là giặt đồ, cắt tóc cho các em. Chưa hết, thầy cô còn tự móc hầu bao, tặng các em đồng phục, cặp sách, gửi quà sinh nhật, tặng gia đình vé tham gia các chuyến dã ngoại do trường tổ chức. Nhà trường thì trích ngân quỹ hoặc phối hợp với mạnh thường quân để hỗ trợ các em có hoàn cảnh khó khăn. Họ không thể ngó lơ khi chứng kiến học sinh phải thiếu ăn, thiếu điều kiện học tập, do gia đình các em phải dè xẻn chi tiêu hơn trước.

Khảo sát trên cho thấy, 84% trong số hơn 2.000 lãnh đạo, quản lý các trường học ở Anh trong 5 năm qua đã hỗ trợ cho học sinh hơn mức bình thường, từ vật chất đến tinh thần. Cô giáo Hackney ở Đông London tận tình hướng dẫn học sinh cách chải răng khi thấy em quần áo xộc xệch, răng còn dính thức ăn sau bữa ăn sáng vội ở nhà. Phụ huynh của các em quá bận rộn kiếm tiền nên chẳng còn nhiều thời gian chăm sóc tốt cho con. Một số giáo viên còn cho học sinh kem đánh răng vì biết ở nhà, các em chẳng có kem để đánh. Cô Hackney nói: “Sự quan tâm của trường giúp các em thông cảm hơn với bố mẹ và dễ dàng chấp nhận thực tế, xem đó là hoàn cảnh chung mà tất cả đang phải chịu đựng”. Thầy giáo Louis Coiffait (thuộc NAHT) kể, nhiều lần đến thăm các trường học, ông tận mắt chứng kiến những căn phòng được bố trí riêng để đặt máy giặt, thiết bị bếp núc. Tất cả là để giáo viên giúp đỡ học sinh được ăn no hơn và mặc sạch hơn.

Học sinh ở Anh xếp hàng đợi giáo viên phát thức ăn - ẢNH: TELEGRAPH

Khi “cơm áo gạo tiền” còn là gánh nặng… thì nói như ông Russell Hobby, Tổng thư ký NAHT, dù đảng nào chiến thắng, mọi người cũng chuẩn bị tinh thần cho những chính sách hà khắc hơn. Theo ông Hobby, việc giáo viên, nhà trường hỗ trợ học sinh đều là tự phát. Về lâu dài, đây không phải là “lối thoát” của các gia đình đang chật vật đắp đổi cuộc sống mỗi ngày.

Theo khảo sát của Tổ chức từ thiện Shelter ở Anh, khoảng 880.000 ông bố bà mẹ đang lao động (chiếm 10,5% số phụ huynh ở Anh) phải bỏ một hoặc nhiều bữa ăn trong ngày để tiết kiệm cho chi tiêu gia đình. 37% phụ huynh được hỏi cho biết, họ cố gắng cắt giảm chi tiêu để trả tiền thuê nhà; 13% kể rằng họ phải loại bỏ nhiều khoản chi như mua giày, đồng phục mới cho con. Cô Katherine, sống ở Essex cùng chồng và hai con. Cả hai đều làm việc cả ngày nhưng vẫn bị thiếu hụt. Katherine kể: “Vợ chồng tôi không dùng bữa sáng vì không đủ tiền cho khoản chi này. Thỉnh thoảng, chúng tôi nhịn ăn tối, tùy theo điều kiện kinh tế từng tuần. Khó khăn đến mức, tôi phải cho con đến trường với bộ đồng phục cũ mà con bé mặc đã chật. Chúng tôi thật sự rất lo nếu tình hình xấu thêm, vì chẳng biết phải cắt bỏ khoản chi nào tiếp theo”.

Campbell Robb, Giám đốc điều hành Tổ chức từ thiện Shelter nói: “Chẳng ông bố bà mẹ nào muốn mình phải lựa chọn giữa chi tiêu gia đình với lo cho con. Đó là bi kịch mà Chính phủ Anh cần có chính sách can thiệp vì những nhu cầu thiết yếu của một gia đình cần bảo đảm thì họ mới có động lực cùng cố gắng vượt qua giai đoạn vô cùng khó khăn này”.

Chuẩn bị tâm lý và kỹ năng cho học sinh có thể san sẻ nỗi lo với bố mẹ và lâu dài hơn là để các em chủ động trong cuộc sống gia đình, các nhà giáo dục Anh hướng đến chương trình dạy trẻ cách tiết kiệm. Từ tháng 9/2015, sẽ có 230.000 học sinh ở Anh được học toán thông qua những bài tập thực hành cụ thể về tính toán chi tiêu, tìm hiểu thị trường chứng khoán, tính toán ngân sách gia đình... Đây được cho là cách tiếp cận hữu ích, giải quyết được nhiều vấn đề trong bài toán cắt giảm ngân sách hiện nay.

THIÊN ANH

 (Theo Telegraph, Guardian, BBC)

www.phunuonline.com.vn

Anh, học sinh, gia đình, thiếu ăn


© 2021 FAP
  360,066       1/868