PN - Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha hôm 31/3 cho biết ông đã yêu cầu Nhà vua Thái Bhumibol Adulyadej cho phép chấm dứt thiết quân luật và thay thế nó bằng điều 44 của Hiến pháp...
Tướng Prayuth được cho là sẽ có nhiều quyền hạn hơn nếu áp dụng điều 44 Hiếp pháp mới - Ảnh: AP
Tình trạng thiết quân luật được áp dụng ngay trước cuộc đảo chính đưa quân đội lên nắm quyền ở Thái Lan tháng 5/2014, lật đổ chính phủ dân cử của Thủ tướng Yingluck Shinawatra sau nhiều tháng bất ổn.
Thiết quân luật cấm tụ tập công cộng và hạn chế gắt gao các phương tiện truyền thông.
Tướng Prayuth nói rằng ông sẽ đề nghị áp dụng các biện pháp mới, mà báo giới cho rằng có thể còn “quyết liệt” hơn. Thủ tướng Prayuth cho biết chính phủ đang "chờ đợi Nhà vua phê chuẩn việc dỡ bỏ thiết quân luật". Ông cũng cho biết chính phủ đã sẵn sàng với điều 44 Hiến pháp Thái Lan và sẽ áp dụng trong thời gian sớm nhất.
Điều 44 theo Hiến pháp mới của Thái Lan cho phép của thủ tướng ban hành các lệnh điều hành để "phá vỡ hay ngăn chặn" các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia hoặc chế độ quân chủ. Thủ tướng Prayuth nói rằng, theo đó binh lính sẽ "có thể bắt người nếu xảy ra sự cố, mà không cần lệnh bắt giữ". Trong 5 tháng qua, cảnh sát Thái Lan đã nhiều lần bắt giữ những người vi phạm thiết quân luật, bao gồm cả việc tập trung nhiều hơn năm người
Nhóm quan sát nhân quyền HRW nói rằng thực hiện điều 44 của Hiến pháp có nghĩa là "quyền lực tột bậc mà không phải chịu trách nhiệm". "Đây là một điều chưa từng có và đáng lo ngại, nó không phải là để cải thiện tình hình quyền con người đang diễn ra", phát ngôn viên Sunai Phasuk của HRW nói.
Chính quyền quân sự Thái Lan, được chính thức gọi tên là Hội đồng quốc gia hòa bình và trật tự (NCPO) từng khẳng định thiết quân luật là cần thiết để duy trì sự ổn định sau nhiều năm hỗn loạn về chính trị. NCPO đã hứa sẽ khôi phục dân chủ và tổ chức bầu cử vào cuối năm 2015, nhưng theo các nhà quan sát, đến nay vẫn còn nhiều mâu thuẫn và xung đột giữa chính quyền với các phe phái đối lập và giới truyền thông.
Một số nhà phân tích cho rằng việc dỡ bỏ thiết quân luật sẽ giúp hoạt động của ngành du lịch Thái Lan, một nguồn thu ngoại tệ quan trọng của kinh tế nước này, khởi sắc sau nhiều tháng “tê liệt”.
VIỆT HƯNG
(Theo BBC, AP)
Thái Lan, chính quyền quân sự, thiết quân luật, Prayuth Chan-ocha