Thế giới

Củ khoai tây lăn & con cá hồi

PN - Những ngày này, Thanh Bình cùng bạn đồng hành vẫn rong ruổi trên xe đạp, 18 tháng đi qua 18 nước để thực hiện hành trình trở về. Trong số bạn đồng lứa, chị được cho là “hợp với Tây” nhất, cuối cùng chị lại là người duy nhất quyết định về Việt Nam.

Chị trở về như một củ khoai tây lăn - bụi bặm và dấn thân; rồi cũng lại như một con cá hồi - cặm cụi ngược dòng trở về nơi mình sinh ra để có thể bắt đầu một “vòng quay cuộc sống” mới.

Nguyễn Thanh Bình có nghề nghiệp là định phí bảo hiểm; quốc tịch Việt Nam và Pháp; tuổi Con ngựa. Chị đã đi 33 nước (qua bốn châu lục, trừ châu Úc)

Hành trình hiện tại: bắt đầu ngày 17/9/2014 từ Paris, qua Pháp, Thụy Sĩ, Đức, Áo, Ý, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kì, Gruzia (Georgia), Armenia, Iran, Turkmenistan, Ouzbekistan, Tadjikistan, Kirghizistan, Kazakstan, Nga, Mông Cổ, Trung Quốc, và dự định sẽ tới Việt Nam sau 18 tháng, vào mùa xuân 2016. Kế hoạch sẽ đi dọc Việt Nam để khám phá truyền thống ẩm thực của mỗi vùng. 

 Món quà quý khó có lần hai

 * Vào ngày cuối cùng, khóa cửa ra đi, cảm xúc của chị thế nào?

- Những ngày cuối cùng lại là những ngày tôi bận rộn quay cuồng giữa nhà cửa, giấy tờ nên chẳng kịp có thời gian để thực sự cảm nhận rằng mình đang khép lại một trang dài 14 năm ở Pháp. Việc chưa xong, tôi đã hối hả xốc ba lô ra sân bay lên đường lang thang Trung Mỹ suốt ba tháng. Có lẽ những bận bịu cùng quãng thời gian “đệm” đó giúp tôi giảm bớt cảm giác “từ bỏ” và “chông chênh” trước khi dấn thân vào một cuộc phiêu lưu lớn, như tôi từng cảm thấy khi đệ đơn bỏ việc - một công việc thuận lợi, thú vị mà tôi yêu thích.

Đầu tháng Chín, khi từ Trung Mỹ trở lại Paris, chính thức “thất nghiệp và vô gia cư”, đi thăm hàng xóm cũ lần cuối, thấy nhà cũ đã có người mới ở, vườn cũ người mới chăm, tôi mới thực sự nhận ra rằng, mình không còn thuộc về chốn này nữa. Lạ lùng thay, tôi không thấy buồn hay lo sợ mà lại phấn khích và có phần nôn nóng được lăn bánh trên những nẻo đường xa lạ.

* Điều gì tác động lớn nhất tới quyết định trở về của chị?

- Chúng tôi quyết định rời nước Pháp về Việt Nam không phải vì khó khăn hay chán chường. Ngược lại, cuộc sống ở Paris của chúng tôi rất thuận lợi, công việc thú vị, bạn bè, đồng nghiệp đều dễ chịu, Paris đẹp, sôi động luôn đầy ắp sự kiện… Không ít người ngạc nhiên khi chúng tôi từ bỏ những gì nhiều người muốn có để tay trắng trở về Việt Nam lập nghiệp. Quyết định này thực ra là kết quả của một quá trình “thai nghén”. Alessio (“bạn đồng hành” của chị Thanh Bình, anh Rasom Alessio - PV) say mê châu Á, rất thích ẩm thực Việt Nam. Khi chúng tôi gặp nhau ở Peru bốn năm trước, anh đã bỏ công việc đang chờ ở Singapore để tới Paris cùng tôi. Và mặc dù sự nghiệp ở Paris tiến triển tốt (Alessio là bếp trưởng của một nhà hàng có tiếng ngay trung tâm Paris), tôi biết anh vẫn ham muốn khám phá, thử sức mình ở vùng đất châu Á “xa xôi”. Ngay từ những ngày đầu, chúng tôi đã ấp ủ ý tưởng một chuyến “du lịch vòng quanh thế giới” cùng nhau; chọn Việt Nam như đích đến cuối cùng là một “thỏa hiệp hoàn hảo” cho hai chúng tôi.

* Chị có thấy mình đang làm một “hành trình ngược” không?

- Tôi rất tâm đắc câu hỏi này của bạn. Tôi thấm thía chữ “hành trình ngược” mỗi lúc mồ hôi đổ thành dòng, gò lưng bò qua những con dốc mỗi ngày mỗi cao, mỗi ngày mỗi dài. Rồi những lúc nghiên cứu bản đồ, ngắm nghía, chọn lựa cung đường, những lúc hoang mang khi sắp tới một đất nước mình không biết tiếng, không đủ hiểu biết về văn hóa, phong tục... Tôi thấy mình giống như cá hồi, bơi Đông, lội Tây quanh năm suốt tháng, rồi đến mùa lại cặm cụi ngược dòng, vượt mọi trở ngại, trở về nơi mình sinh ra để có thể bắt đầu một “vòng quay cuộc sống” mới. Tôi rất phấn chấn với ý nghĩ con mình sẽ được sinh ra trên đất Việt và sẽ tiếp xúc với văn hóa Việt trước tiên.

* Thời gian “nghỉ” giữa Pháp và Việt Nam với chị có ý nghĩa gì?

- Tôi nghĩ thời gian này sẽ là quãng đường độc đáo và rất đáng nhớ trong cuộc đời mình. Bởi những gì chúng tôi sẽ được sống và trải nghiệm, những nền văn hóa sẽ khám phá, những con người sẽ gặp, sẽ yêu mến, những khó khăn sẽ vượt qua, những cho và nhận... Tất cả sẽ mở cho chúng tôi những chân trời mới, khiến tâm hồn giàu có hơn, gần gũi hơn với thiên nhiên, với những gì làm nên vẻ đẹp thật sự của

cuộc sống.

“Đam mê” hay “dấn thân” đều đòi hỏi rất nhiều năng lượng

Chị Thanh Bình cùng "bạn đồng hành", anh Rasom Alessio, khám phá những nền văn hóa trong hành trình đạp xe qua các nước

* Xin hỏi một câu riêng tư (nhưng chắc cũng nhiều người đã hỏi), tại sao chị lại gọi mình là “Rolling Potatoes”?

- “Khoai tây” là tên âu yếm Alessio dành cho tôi. Xin các bạn đừng hỏi lí do vì… chả có lí do gì đâu. Còn nếu bạn hỏi Alessio, có lẽ anh sẽ bảo vì tôi giống củ khoai tây: bé, tròn và màu vàng (hahaha). Cái tên này cũng là một cái “nháy mắt” gửi tới những người bạn chuyên “du lịch đệm”, họ là những “Couch Potatoes”, khoai tây ngồi trên ghế đệm, còn chúng tôi là “Rolling Potatoes” những củ khoai lăn trên đường, phơi mặt với bụi bặm nắng gió. Và dĩ nhiên, The Rolling Stones - Những tảng đá lăn, là một trong những ban nhạc yêu thích của chúng tôi.

* Với “củ khoai tây lăn”, đứng trước mỗi hành trình trên xe đạp, “dấn thân” hay “đam mê” là động lực chính?

- “Đam mê” hay “dấn thân” là những trạng thái đòi hỏi rất nhiều năng lượng để có thể giữ được trong một thời gian dài. Dĩ nhiên trước khi tới một đất nước mới, chúng tôi đều có ít nhiều cảm giác phiêu lưu, say mê khám phá pha lẫn chút dè dặt, e ngại. Chúng tôi thích nghĩ rằng mình không phải đang du hành mà đơn giản là sống cuộc sống của mình, dù cuộc sống đó có phần nào du mục và chứa nhiều bất định. Ý nghĩ đó giúp chúng tôi cân bằng, bình thản hơn trước những khó khăn. Có lẽ “dấn thân” là từ phù hợp hơn khi chúng tôi về tới Việt Nam: tay trắng và mơ mộng (!)

* Trong những hành trình đã qua, cuộc gặp gỡ nào làm chị ấn tượng nhất?

- Mỗi nước chúng tôi đi qua đều mang lại những kỷ niệm đáng nhớ, nhưng đất nước ấn tượng nhất là Hy Lạp. Vài năm gần đây, trên truyền thông chỉ nói đến Hy Lạp với những từ như “khủng hoảng, phá sản, thất nghiệp”… nhưng chính đất nước này lại làm chúng tôi ngỡ ngàng. Không vì những bờ biển xanh ngắt, những cánh đồng ô-liu trĩu quả, cam quất lúc lỉu hay những công trình vĩ đại mà vì người Hy Lạp thân thiện và hào phóng không ngờ. Mọi người trên đường tặng đồ ăn, thức uống cho chúng tôi một cách tự nhiên, coi việc chia sẻ những gì họ có như một niềm vui lớn.

* Chuyện này thì tôi muốn hỏi nhỏ chị, chị có bao giờ phải e dè khi nói “tôi là người Việt Nam”?

- Không, bao giờ tôi cũng hớn hở giới thiệu “Tôi là người Việt”, “Chúng tôi đang về Việt Nam đấy”. Định danh Việt là một phần rất quan trọng trong con người tôi, phần tôi luôn yêu quý trân trọng và tôi không bỏ lỡ cơ hội nào để khẳng định điều đó.

Tất nhiên, bất đồng, hiểu lầm là những chuyện thường gặp trong cuộc sống hàng ngày, ngay cả giữa những người trong cùng gia đình, huống chi là từ những người thuộc về nền văn hóa khác. Nhưng điều tốt nhất tôi có thể làm là cư xử đúng như con người thật của mình, làm những điều đúng như tôi tin tưởng: sống độ lượng và rộng rãi, hướng thiện và sẵn sàng giúp đỡ khi có thể.

* Lần này trở về, chị có khác với chính mình ngày ra đi? Tôi muốn nói đến sự định danh bên trong, về bản chất tư duy...

- “Không ai tắm hai lần trong một dòng sông”, không chỉ bởi nước sông đã chảy mà cả bản thân người tắm cũng đã thay đổi. Gốc gác, cội rễ của tôi là ở Việt Nam và không điều gì có thể thay đổi được, nhưng tôi biết mình chịu ảnh hưởng nhiều của phương Tây trong cách tư duy, trong cách nhìn nhận và đón nhận cuộc sống. Tôi cũng thích nhìn mình như một “công dân quốc tế” không bị bó buộc bởi một hai nền văn hóa, lối nhìn mà luôn rộng mở tâm hồn đón nhận những cái mới, sống gần với những giá trị cơ bản, đơn giản nhưng mang tính toàn cầu. Và tôi biết rằng, tôi sau chuyến đi này cũng sẽ khác với tôi ngày hôm nay, hy vọng là theo chiều hướng tốt hơn.

THỦY VŨ
thực hiện

www.phunuonline.com.vn

Nguyễn Thanh Bình, ĐH Sorbonne, Rolling Stones, củ khoai tây lăn, đạp xe, du lịch khám phá, vòng quanh thế giới


© 2021 FAP
  636,969       5/1,434