Thế giới

Lời thì thầm mùa xuân cho con

PN - Mẹ lấy chồng và rời Việt Nam năm 22 tuổi. Trong khi bạn bè chạy ngược xuôi tìm việc làm và đau đáu với những mối tình dở dở ương ương, mẹ đã yên bề gia thất. Lúc đó, mẹ là niềm mơ ước của nhiều bạn bè trong lớp.

Nước Úc đón mẹ trong nắng ấm tháng 12. Đúng là một thiên đường cho cô gái nhiều mộng mơ như mẹ. Hoa cỏ, thời tiết, con người như thì thầm mời gọi. Mẹ hân hoan với tình yêu mới và hăm hở những bước chân hòa nhập.

Nhưng thiên đường chỉ có trong phim ảnh và tiểu thuyết. Thiên đường của mẹ lại ở trên mặt đất nên vẫn gắn liền với chuyện cơm áo hàng ngày. Mẹ ở cùng với bà nội của con, phụ bà kinh doanh trong cửa hàng may mặc.

Tấm lòng người mẹ này gói gọn vào đây: "Khi các con ra đời, ước mơ của mẹ là
sức khỏe của hai con, là nhà mình yên ấm, là tình yêu của ba con
dành cho mẹ con mình" -
Ảnh nhân vật cung cấp

Mẹ gốc Bắc, còn bà là người Nam. Những sinh hoạt vặt vãnh không khỏi va chạm. Con bé 22 tuổi nhiều hoài bão, nhiều mộng mơ không tránh khỏi những phút tủi thân. Cô sinh viên tiếng Anh năng nổ chẳng chịu thua kém ai ngày nào bây giờ lại phải uốn giọng học cách phát âm cho chuẩn để chị em chồng không chê cười. Những buổi đứng lớp thay bằng những giờ đứng bán hàng phụ mẹ…

Dẫu biết bạn bè cùng trang lứa ở Việt Nam cũng đang vất vả làm việc trái ngành sư phạm từng học, nhưng cũng có lúc mẹ vẫn không giấu được những giọt nước mắt.

Thế rồi, với nỗ lực vươn lên, mẹ được vào làm việc hành chính trong các cơ quan chính quyền địa phương, rút ngắn hành trình hòa nhập vào xứ người.

Rồi hai con ra đời. Con mạnh khỏe, xinh xắn. Em con chẳng may bị bệnh. Mẹ ở nhà chăm sóc hai con, chủ yếu là em. Thế là những ước mơ học thêm để có công việc như mơ ước xa dần. Mẹ hàng ngày loay hoay với cửa hàng, chăm con và ngày tháng dần trôi nhanh. Cũng may, ba con là người vững vàng, có thể bao bọc cho cả nhà mình.

Khác với các cô bạn đi làm nhìn ngày tháng trôi qua theo phiếu lãnh lương hàng tháng, mẹ chỉ nhớ mỗi năm trôi qua bằng những cái Tết. Khi ấy, chợ Việt Nam ở Melbourne nhộn nhịp hơn, hoa quả bánh trái dồi dào hơn ngày thường.

Bữa cơm sum họp ngày Tết

Tết ở Việt Nam, đã có bà ngoại và các dì của con lo, mẹ chỉ mặc áo mới đi chúc Tết và vui chơi cùng bạn bè. Ở đây, mẹ loay hoay để có mâm cỗ “dành cho mọi người”. Ba con thích ăn những món miền Nam, mẹ chỉ nhớ những món Bắc bà ngoại con hay nấu. Con và em chỉ thích ăn món Úc. Vậy là cỗ Tết nhà mình có món thịt kho nước dừa, miếng nấu bóng măng, gà chiên để ai cũng vui.

Tết ở đây, mẹ thích mặc áo dài đôi cùng con gái của mẹ, mẹ cho con để tóc dài và vẫn giữ màu tóc đen “cha sinh, mẹ đẻ”, ai cũng khen con gái mẹ xinh. Ngày Tết, dẫu không khí Tết có hơi loãng vì ba con vẫn phải đi làm, mẹ vẫn loay hoay trang trí nhà cửa, trưng hoa quả theo trí nhớ của mẹ.

Mẹ không cố giữ gìn truyền thống như cách mọi người hay nói, nhưng có lẽ dòng máu Việt của mình hễ đến Tết là phải làm như thế chăng. Mẹ dạy con và em thắp hương ông bà, diện áo dài cho con đi chúc Tết bà nội. Mẹ còn nấu thêm cỗ tết tất niên, để bạn bè bản xứ của ba mẹ cùng đến dự và biết về Tết cổ truyền của mình.

Mùa xuân, lúc nào cũng làm cho người ta hy vọng. Mỗi năm, khi các con chưa ra đời, mẹ đều thầm ước những hy vọng xa xôi: được học thêm, được đi làm công việc mình yêu thích, được vùng vẫy tự do. Rồi khi các con ra đời, ước mơ của mẹ là sức khỏe của hai con, là nhà mình yên ấm, là tình yêu của ba con dành cho mẹ con mình.

Hôm mẹ dẫn con sang nhà nội chơi, biếu bà vài cái bánh tét ăn Tết. Bà bỏ cỗ mạt chược đang vui cùng những người bạn già để chạy vào bếp mang cho nhà mình chè trôi nước cúng ông Táo. Ngày thường, mẹ hay dị ứng với chuyện đánh bài của bà, hôm nay, tự nhiên mẹ lại thấy chuyện ấy thật bình thường, chỉ là thú vui của những người lớn tuổi ở đây. Có phải, mùa xuân làm lòng mình rộng mở thêm phải không con?

HOA PHONG
(Melbourne, Úc)

www.phunuonline.com.vn

người Việt, Melbourne, Úc, áo dài, mẹ chồng, ngày Tết


© 2021 FAP
  637,804       1/448