PNO – Chiếc máy bay rơi rất nhanh xuống biển, không kịp phát tín hiệu cấp cứu, và những con sóng nhanh chóng nuốt chửng lấy chiếc máy bay. Đó là những gì xảy ra với chuyến bay QZ8501 của hãng hàng không AirAsia, cũng như 5 năm trước, đã xảy ra với máy bay Air France số hiệu 447.
Hải quân Brazil đang trục vớt mảnh vỡ chiếc máy bay Air France chuyến bay 447 rơi tại Đại Tây Dương - Ảnh: AP
Mất gần 2 năm mới tìm thấy các hộp đen của chiếc máy bay Air France rơi xuống Đại Tây Dương rạng sáng ngày 1/6/2009 khi đang bay từ Rio de Janeiro (Brazil) tới Paris (Pháp), giết chết toàn bộ 228 hành khách và phi hành đoàn. Vụ tai nạn tương đồng năm 2009 có thể giúp có một cái nhìn vào vụ máy bay AirAsia rơi ngày 28/12/2014: Cả hai chuyến bay đều giết chết toàn bộ hành khách và phi hành đoàn, cả hai đều bay vào cơn bão khi biến mất khỏi màn hình radar kiểm soát không lưu và cả hai đều là máy bay của Airbus và gặp nạn khi nâng độ cao đột ngột để tránh bão.
Trong chuyến bay Air France, một số yếu tố hội tụ khiến máy bay rơi: Ba phi công của máy bay Airbus A330 đã nhầm lẫn bởi dữ liệu tốc độ không khí bị lỗi sau khi các cảm biến chính bị đóng băng. Sau đó, máy bay đi vào vùng nhiễu động khoảng 25 phút, thiết bị lái tự động bị ngắt, và cơ trưởng bắt đầu kéo cần lái nâng độ cao máy bay, bất chấp yêu cầu hạ độ cao của hai phi công còn lại trong buồng lái.
Mấy phút sau, chuông báo động reo lên và các phi công bối rối lấy lại quyền kiểm soát máy bay. Chiếc máy bay đâm xuống biển, đập bụng xuống trước với tốc độ 3.350 mét/phút. Đống mảnh vỡ của máy bay tìm thấy ở độ sâu 3.900 mét dưới mặt nước biển, hộp đen của nó còn nguyên vẹn.
Thân nhân hành khách chuyến bay QZ5801 khóc ngất khi nghe tin tìm được thi thể nạn nhân gần địa điểm máy bay rơi - Ảnh: AP
Chiếc Airbus A320 của AirAsia rơi xuống biển Java sau khi cơ trưởng yêu cầu kiểm soát không lưu cho phép nâng độ cao để tránh tầng mây giông, nhưng không được cho phép làm điều đó. Mấy phút sau, chiếc máy bay mất liên lạc. Đến nay, các đội tìm kiếm vẫn chưa tìm thấy các hộp đen chứa thông tin chuyến bay để xác định nguyên nhân tai nạn của chuyến bay giống như trường hợp của Air France.
Phòng Điều tra và phân tích an toàn hàng không dân dụng của Pháp (BEA), cơ quan từng điều tra vụ tai nạn của Air France năm 2009, đã cử chuyên gia sang giúp Indonesia tìm kiếm thân máy bay và hộp đen bằng thiết bị âm thanh Sonar chuyên dụng.
Vụ tai nạn năm 2009 kết thúc bằng một bài học về sự nguy hiểm của tự động hóa. Vào lúc đó, khi chế độ lái tự động bị ngắt, các phi công đã hốt hoảng đưa ra các quyết định khiến cho tình hình càng tồi tệ hơn. Kể từ đó, nhiều người đã cảnh báo rằng các phi công thường không được trang bị đầy đủ để làm chủ tình hình khi xảy ra sự trục trặc.
THIỆN ĐẠO
(Theo AP)
Tai nạn, AirAsia, Air France, 2009