PNO - Cho đến thời điểm này, cách xử lý khủng hoảng kịp thời của hãng hàng không AirAsia đã giúp người thân, bạn bè của các hành khách đồng lòng sát cánh cùng hãng máy bay này để chờ câu trả lời số phận của chiếc QZ8501
AirAssia nhanh chóng dùng mạng xã hội để chia sẻ nỗi đau với người thân hành khách - Ảnh: Facebook
Nhiều nhà phân tích cho rằng đây là khủng hoảng lớn của AirAsia, hãng máy bay thời gian gần đây liên tục nhận giải thưởng là hãng máy bay giá rẻ tốt nhất thế giới.
Xuyên suốt quá trình kể từ khi xuất hiện thông tin máy bay mang số hiệu QZ8501 của AirAsia bị mất tích, song song với dòng tin cập nhật diễn biến là những thông tin cho thấy cách giải quyết khủng hoảng chuyên nghiệp và khéo léo của AirAsia.
Ngay sau khi xác nhận máy bay mất tích được đưa ra, toàn bộ tài khoản mạng xã hội của AirAsia cũng như các công ty con thuộc quản lý của hãng này ở nhiều quốc gia trong khu vực đều thay hình nền và ảnh đại diện. Từ tông màu đỏ tươi quen thuộc đã được chuyển hẳn sang màu trắng, xám để chia sẻ nỗi đau với người thân và bạn bè của các hành khách. Trên tài khoản Twitter của mình, AirAsia còn gợi ý cho mọi người hãy đặt từ khoá @askairasia, đưa ra những câu hỏi liên quan đến chuyến bay để hãng hồi đáp kịp thời.
Người thân các hành khách đợi tin trong phòng chờ - Ảnh: Independent
Số liệu, danh tính hành khách có mặt trong chuyến bay ngay từ đầu được công bố thống nhất. Trong khi với những vụ tai nạn hàng không trước đó trên thế giới, số liệu thương vong hoặc mất tích thường được điều chỉnh nhiều lần sau quá trình đối chiếu mất một vài ngày. Nhờ sự cập nhật kịp thời của AirAsia mà mọi người sớm biết được người thân mình có trên chuyến bay này hay không.
Tại sân bay quốc tế Chani ở Singapore (điểm đến dự kiến của QZ8501) và tại sân bay quốc tế Juanda ở thành phố Surabaya, Indonesia, AirAsia nhanh chóng bố trí phòng chờ riêng cho thân nhân hành khách để họ nhận được thông tin chính thức sớm nhất. Nhờ vậy mà không có cảnh tượng quá hỗn loạn tại sân bay.
Giám đốc Điều hành AirAsia Tony Fernandes đã sớm có mặt tại buổi họp báo ở sân bay Juanda và trực tiếp thăm hỏi người thân của các hành khách trên chuyến bay mất tích.
Ông Tony Fernandes sớm có mặt ở sân bay Juanda - Ảnh: Reuters
Ông Tony Fernandes xuất hiện ở phòng chờ tại sân bay Juanda để người thân hành khách có thể hỏi thăm thông tin - Ảnh: AP
Trên trang Twitter của mình, ông Tonu Fernandes ghi rằng: “Chúng tôi sẽ sớm đưa thông báo cập nhật tình hình. Cảm ơn các bạn đã chia sẻ và cầu nguyện cho các hành khách trong chuyến bay. Chúng ta phải thật mạnh mẽ để đối diện trước mọi tình huống. Đây là cơn ác mộng tồi tệ nhất của tôi. Nhưng mọi việc chưa chấm dứt. Tôi sẽ ở bên cạnh mọi người trong giai đoạn khó khăn này và cố gắng hết mình để gặp lại càng nhiều hành khách trên chuyến bay càng tốt”.
Chia sẻ của ông Tony Fernandes trên trang Twitter cá nhân - Ảnh: Twitter
Ông Tony Fernandes động viên tinh thần của toàn bộ nhân viên hãng AirAsia và kêu gọi mọi người hãy mạnh mẽ - Ảnh: Twitter
Với doanh nhân người Malaysia Tony Fernandes, AirAsia không khác gì sinh mệnh của ông. Xuất thân từ một kế toán viên tốt nghiệp ở London, Anh, ông Tony Fernandes dần “lấn sân” sang mảng hoạch định chiến lược và thành công nhờ khả năng nắm bắt tâm lý khách hàng, thị trường rất nhạy bén.
Năm 2001, ông Tony Fernandes mua lại AirAsia (từ Tập đoàn DRB-Hicom) vốn hoạt động thua lỗ với giá tượng trưng chỉ khoảng 6.000 USD, đồng thời nhận lấy khoản nợ 13 triệu USD. Chính ông đã vực dậy hoạt động của AirAsia và tạo nên một hãng máy bay thân thiện, uy tín, đáng tin cậy cho tất cả đối tượng hành khách, nhất là những người có thu nhập không cao vẫn có thể sử dụng dịch vụ tốt của hãng này. Ông John Strickland, Giám đốc của tập đoàn tư vấn danh tiếng ở Anh JLS nói rằng: “Tony Fernandes và AirAsia được đánh giá rất cao trong ngành công nghiệp hàng không. Họ nổi tiếng vì sự an toàn, tận tâm và chu đáo”.
Ông Tony Fernandes đã được tạp chí Forbes xếp thứ 28 trong danh sách những người giàu nhất Malaysia. Giá trị tài sản của ông ước tính là 650 triệu USD.
THIÊN ANH
(Theo AP, Twitter, Facebook, Daily Mail)
Air Asia, mất tích, Tony Fernandes, QZ8501