Thế giới

Nỗi sợ hãi phương tiện giao thông công cộng

PN - Khảo sát của Thomson Reuters Foundation đối với 6.555 phụ nữ cho thấy, 3/5 số phụ nữ ở các thành phố lớn của khu vực Mỹ Latin từng bị quấy rối trên các phương tiện công cộng.

Phụ nữ Bangkok (Thái Lan) không thấy an toàn khi tham gia các phương tiện công cộng - Ảnh: Thomson Reuters Foundation

Thành phố Bogota (Colombia) là nơi có hệ thống phương tiện vận chuyển công cộng kém thân thiện nhất. Xếp sau là Mexico City của Mexico và Lima của Peru. Trong 16 thành phố được khảo sát, New York (Mỹ) và Tokyo (Nhật Bản) được giới nữ hài lòng nhất nhưng ở những nơi này thậm chí vẫn còn tồn tại bất cập khó tránh, khiến phụ nữ e ngại khi chọn phương tiện công cộng.

Sở dĩ thành phố Bogota của Colombia đứng cuối bảng khảo sát trên là vì tình hình an ninh ở đây được xếp vào nhóm rất tệ. Khi di chuyển bằng phương tiện cá nhân ở Bogota, người dân phải đối mặt với nỗi sợ trộm cướp diễn ra nhan nhản. Vì thế, lựa chọn phương tiện công cộng là nhằm để tránh rủi ro trên nhưng đây chưa hẳn là lựa chọn an toàn. Phụ nữ khi được hỏi cho biết, họ rất sợ đi trên các phương tiện công cộng vào ban đêm. Ở vùng quê, cả phương tiện công cộng cũng như xe cá nhân đều là mục tiêu tấn công của phiến quân thuộc lực lượng quân cách mạng có vũ trang (FARC) và các băng nhóm tội phạm ở địa phương như nhóm Bandas Criminales (BACRIM).

60% phụ nữ ở Mexico City nói, họ từng là nhân chứng hoặc là nạn nhân của những vụ tấn công, quấy rối khi sử dụng phương tiện công cộng. Ở Lima cũng tương tự. Phụ nữ tại thành phố này nói rằng chính quyền không làm đúng chức trách để giám sát và quản lý hệ thống giao thông công cộng.

Phụ nữ Ấn Độ không được tôn trọng trên những chuyến xe lửa dành riêng cho mình - Ảnh: Thomson Reuters Foundation

Trong khảo sát này, có đến 70% người được hỏi nói rằng họ muốn nơi họ sống có phương tiện công cộng chỉ dành riêng cho phụ nữ thì mới có thể bảo đảm an toàn. Riêng ở Manila (Philippines), 90% phụ nữ được hỏi nói họ muốn có phương tiện công cộng chỉ dành riêng cho nữ giới.

Tuy nhiên, ở New Delhi (Ấn Độ), mặc dù đã có hệ thống xe lửa riêng cho phụ nữ nhưng phụ nữ nước này vẫn cảm thấy bị đối xử phân biệt, không được tôn trọng. Đặc biệt, họ rất sợ phải đi trên những chuyến xe buýt cuối ngày, thường có rất ít hành khách.

Ở thủ đô Jakarta của Indonesia và thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia, các phương tiện công cộng dành riêng cho phụ nữ cũng giúp ích đáng kể để ngăn chặn nạn quấy rối.

Phụ nữ ở thành phố Buenos Aires (Argentina), Bangkok (Thái Lan), Seoul (Hàn Quốc) thì e ngại không nhận được sự hỗ trợ, can thiệp hay giúp đỡ trong trường hợp bản thân gặp sự cố trên các phương tiện công cộng. 85% phụ nữ ở Paris (Pháp) có cùng suy nghĩ trên. Phụ nữ Nga cho rằng, chính quyền không tích cực vào cuộc điều tra những báo cáo bị quấy rối trên các phương tiện công cộng.

Phụ nữ Seoul (Hàn Quốc) lo sợ không được giúp đỡ khi cần - Ảnh: Thomson Reuters Foundation

Thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc) là nơi an toàn thứ ba trong số 16 thành phố được khảo sát. Về nhì là Tokyo (Nhật Bản). Đây là nơi đầu tiên trên thế giới có phương tiện công cộng dành riêng cho phái nữ. Còn New York (Mỹ), là thành phố có phương tiện công cộng an toàn nhất cho phái nữ cũng có những trường hợp chia sẻ họ từng bị quấy rối bởi những hành vi và lời nói thô tục.

Với phụ nữ, việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng là nỗi sợ hãi… có thật, dù phụ nữ có xu hướng phụ thuộc nhiều hơn vào giao thông công cộng.

 ANH THÔNG (Theo CNN, osac.gov)

www.phunuonline.com.vn

giao thông công cộng, xe buýt, xe lửa, quấy rối, cưỡng hiếp, phụ nữ, New Delhi


© 2021 FAP
  401,247       2/601