PNO - Chủ tịch Tập Cận Bình hôm 26/9 đã nhắc lại ý tưởng thống nhất Đài Loan với Trung Quốc đại lục theo công thức "một quốc gia, hai chế độ", và khẳng định Bắc Kinh kiên trì theo đuổi mục tiêu thống nhất hai bờ eo biển Đài Loan.
Chủ tịch Tập Cận Bình (phải) tiếp Chủ tịch Hiệp hội Liên minh Mới của Đài Loan Hsu Li-nung ở Bắc Kinh – Ảnh: CNA
Tuy nhiên, Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu đã thẳng thừng bác bỏ ý tưởng của Bắc Kinh, khi nói rằng điều đó "không thể chấp nhận được" vì Đài loan sẽ phải trả giá bằng chủ quyền của mình. Hội đồng Các vấn đề đại lục của Đài Loan và Hành chính viện Đài Loan (Chính phủ) cũng đã ra tuyên bố bác bỏ khái niệm này.
Công thức "một quốc gia, hai chế độ", đầu tiên được ông Đặng Tiểu Bình đề xuất, hiện đang đối mặt với một thách thức chưa từng có ở Hồng Kông.
Khi ông Tập Cận Bình gặp phái đoàn Đài Loan tại Bắc Kinh, ông cũng nhấn mạnh lập trường lâu dài của Bắc Kinh rằng chủ nghĩa ly khai là không thể chấp nhận, và Đài Loan phải làm việc với đại lục để hạn chế những động thái có thể cản trở giấc mơ thống nhất.
Trong khi Chủ tịch Trung Quốc nhấn mạnh việc thống nhất theo con đường hòa bình và công thức "một quốc gia, hai chế độ" là cách tốt nhất để thu hẹp sự ngăn cách chính trị hai bờ eo biển, ông cũng ám chỉ đến tính linh hoạt trong thực hiện. Ông nói rằng trước khi áp dụng công thức, Bắc Kinh sẽ "xem xét đầy đủ tình hình thực tế tại Đài Loan, ý kiến đề xuất từ các thành phần khác nhau của hai bên eo biển Đài Loan, và tính đến lợi ích và những sự thu xếp cho người dân Đài Loan".
Chỉ mấy giờ sau đó, nhà lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu đã lên tiếng bác bỏ đề nghị của Chủ tịch Tập Cận Bình. Ông Mã nói, với tư cách là Trung Hoa dân quốc, Đài Loan đã có chủ quyền 103 năm nay, và “chính quyền Đài Bắc quan tâm đến việc duy trì nguyên trạng không thống nhất, không độc lập và không sử dụng vũ lực”, cũng như thỏa thuận năm 1992 cho phép hai bên có cách giải thích riêng về thuật ngữ Trung Quốc”.
Các nhà phân tích cho biết những diễn biến gần đây tại Hồng Kông và Đài Loan đã cho thấy Bắc Kinh đang đánh mất niềm tin của công chúng ở cả hai nơi trong cách tiếp cận "một quốc gia, hai chế độ".
Trong tháng, hàng ngàn người Hồng Kông đã xuống đường phản đối điều người dân xem là sự vi phạm lòng tin của Bắc Kinh về lời hứa 50 năm tự chủ của đặc khu, khi Trung Quốc xiết chặt kiểm soát đối với quá trình bầu cử của Hồng Kông.
QUẾ LÂM
(Theo SCMP, CNA)
Trung Quốc, Đài Loan, Tập Cận Bình, Một quốc gia hai chế độ