PNO – Hơn 150 nghi phạm và quan chức tham nhũng của Trung Quốc vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật ở Mỹ, và việc thiếu một hiệp định dẫn độ với Mỹ khiến cho Trung Quốc khó có thể đưa những kẻ này về nước chịu tội.
Lại Xương Tinh (giữa), người từng chạy trốn sang Canada trong thập kỷ 1990, được đưa ra tòa với cáo buộc buôn lậu và lãnh án tù chung thân. Trường hợp của Lại đã nhấn mạnh vấn đề dẫn độ - Ảnh: SCMP
Truyền thông nhà nước Trung Quốc dẫn lời một quan chức Bộ Công an nước này cho biết hơn 150 tội phạm kinh tế, nhiều người trong số đó là quan chức tham nhũng hoặc nghi phạm tham nhũng ở Trung Quốc, đang sống tự do ở Mỹ. Hoa Kỳ "đã trở thành điểm đến hàng đầu cho những kẻ đào tẩu chạy trốn pháp luật từ Trung Quốc", tờ China Daily dẫn lời ông Liao Jinrong, Chánh Văn phòng Hợp tác quốc tế của Bộ Công an Trung Quốc cho biết.
Bắc Kinh từ lâu đã vật lộn với vấn đề gọi là "quan chức trần trụi” - nhân viên chính phủ có chồng (hay vợ), con cái đều ở nước ngoài - những kẻ tận dụng việc móc nối với gia đình ở nước ngoài để chuyển tài sản bất hợp pháp ra khỏi Trung Quốc hoặc tránh sự điều tra.
Một con số ước tính cho thấy số quan chức Trung Quốc và các thành viên gia đình di chuyển tài sản ra nước ngoài trong 5 năm qua là hơn 1 triệu người. Tuy nhiên, việc đưa những kẻ đào tẩu trở lại Trung Quốc không hề dễ dàng. Không có hiệp định dẫn độ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, và các chính phủ nước ngoài khác tỏ ra miễn cưỡng bàn giao các nghi phạm Trung Quốc khi những người này có thể đối mặt với án tử hình ở Trung Quốc.
Bộ Công an Trung Quốc đang cố gắng thiết lập một cuộc họp cấp cao hàng năm với các cơ quan tư pháp Mỹ, trong đó có Bộ An ninh nội địa, China Daily dẫn lời Wang Gang, một quan chức cao cấp của Văn phòng Hợp tác quốc tế Bộ Công an cho biết.
Tháng trước, Trung Quốc đã phát động chiến dịch gọi là “săn cáo” nhắm vào các quan chức tham nhũng, và nói rằng nó sẽ lần theo dấu vết những kẻ tội phạm trên thế giới và bắt chúng phải bị trừng phạt. Bộ Công an cho biết 18 nghi phạm liên quan đến tội tài chính đã bị bắt hoặc đầu thú kể từ 22/7, khi bắt đầu khởi động việc truy nã tội phạm ở nước ngoài.
"Đây là một thông điệp mới chính quyền Bắc Kinh gửi đến công chúng", Zhu Jiangnan, phó giáo sư chính trị tại Đại học Hồng Kông, chuyên gia về tham nhũng ở Trung Quốc cho biết. "Trong những năm qua, chính phủ chưa bao giờ nói đến việc đưa các quan chức tham nhũng trở lại Trung Quốc”, ông nói.
Một trường hợp nổi bật liên quan đến vấn đề dẫn độ là vụ Lại Xương Tinh, một kẻ chạy trốn bị truy nã gắt gao nhất Trung Quốc, khi y đã chạy trốn đến Canada cùng gia đình vào năm 1999 và xin thể chế tị nạn với tuyên bố ông ta chạy trốn một vụ buôn lậu trị giá nhiều tỉ đô la tại thành phố Hạ Môn, Đông Nam Trung Quốc, và vụ này dính líu đến chính trị. Trường hợp của Lại Xương Tinh gây ra căng thẳng giữa Bắc Kinh và Ottawa. Canada cuối cùng đã trục xuất Lại vào năm 2011, và ông ta bị xử tù chung thân sau đó một năm.
Công tố viên hàng đầu Trung Quốc Tào Kiện Minh - "hắc tinh" của các quan chức tham nhũng ở Trung Quốc - Ảnh: Xinhua
Tờ China Daily dẫn số liệu của Bộ Công an cho biết, trong thập kỷ qua chỉ có hai nghi phạm tham nhũng được đưa từ Mỹ về Trung Quốc để xét xử. Quan chức Wang của Bộ Công an trung Quốc cho biết nguyên nhân là do cơ quan tư pháp Mỹ "hiểu sai về hệ thống tư pháp và thủ tục của Trung Quốc”, và luôn nghĩ rằng cơ quan tư pháp Trung Quốc vi phạm quyền con người đối với các nghi phạm.
Tháng Bảy vừa qua, Tân Hoa xã cho biết, 320 nghi phạm tham nhũng đã “bị bắt giữ và đưa trở lại Trung Quốc" từ các nước trong nửa đầu năm nay.
Công tố viên hàng đầu của Trung Quốc, ông Tào Kiện Minh, cho biết trong năm 2013 hơn 10 tỷ nhân dân tệ (1,6 tỷ USD) "tiền bẩn" và tài sản đã được thu hồi và 762 nghi phạm tham nhũng đã bị bắt trong nước hay ở nước ngoài.
THANH HẢI (Theo Reuters, SCMP)
Trung Quốc, quan chức tham nhũng, dẫn độ